Đổi mới công tác bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục
Ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Lai Châu có gần 11.000 lãnh đạo quản lý và giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục – đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới hiện nay đòi hỏi cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng nhiệm vụ quan trọng này. Công tác bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ngành giáo dục có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức chính trị và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên toàn ngành giáo dục trong tỉnh, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, nhất là việc nắm vững và vận dụng những chủ trương, chính sách mới để nâng cao chất lượng công tác giáo dục – đào tạo, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển của địa phương. Vì vậy, hằng năm khi chuẩn bị bước vào năm học mới, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động phối hợp với ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh, các cơ quan liên quan, hướng dẫn và tổ chức công tác bồi dưỡng chính trị hè cho toàn thể cán bộ quản lý và giáo viên trong tỉnh. Đồng thời, luôn chú trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng chính trị hè hằng năm, đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, thiết thực.
Trước năm học 2019 – 2020, việc tổ chức bồi dưỡng chính trị hè được tổ chức bằng hình thức học trực tiếp theo hướng: cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung về tỉnh, mỗi lớp có từ 150 – 350 cán bộ, giáo viên. Cuối đợt bồi dưỡng có triển khai viết bài thu hoạch, sau 1 tháng mới có thể hoàn thiện việc chấm, lên điểm, công bố kết quả về cho các trường. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lựa chọn nội dung và phân công báo cáo viên tuyên truyền, quán triệt các văn bản cho các lớp của Sở Giáo dục và Đào tạo sắp xếp. Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp tổ chức bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thuộc đơn vị quản lý. Việc tổ chức bồi dưỡng chính trị hè tập trung cũng xảy ra một số bất cập: số lượng người tập trung quá đông gây khó khăn cho học viên về nơi ở, cơ sở vật chất, điều kiện học tập; điều kiện sinh hoạt; sắp xếp giảng viên khó vì phải giảng ở nhiều lớp; phải bố trí cán bộ quản lý các lớp trong suốt quá trình học tập đợt bồi dưỡng. Ban Chỉ đạo bồi dưỡng hè các huyện, thành phố cử các thành viên chấm bài thu hoạch và sau khoảng 1 tháng mới hoàn thành việc chấm điểm, thông báo kết quả đến các trường.
Từ năm học 2020 – 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, để phù hợp với tình hình thực tiễn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chuyển cán bộ, giáo viên về các huyện, thành phố tổ chức mở lớp học với hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp quán triệt cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên 4 cấp (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông- Giáo dục thường xuyên) với những tài liệu cần quán triệt, triển nghiên cứu, học tập Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Kết luận số 112-KL/TU, ngày 13/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn”. Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 25/02/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Thông tin thời sự nổi bật trong tỉnh, trong nước và quốc tế 6 tháng đầu năm 2022. Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, địa phương 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. Nghiên cứu, học tập chuyên đề toàn khóa năm 2022 về “Thực hiện trách nhiệm nêu gương; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững”.
Cùng với đó năm học 2021 – 2022, Ban Chỉ đạo bồi dưỡng chính trị hè các huyện, thành phố chủ động biên soạn tài liệu, phân công báo cáo viên giảng dạy các chuyên đề theo kế hoạch; chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ đợt bồi dưỡng; triệu tập các đơn vị trường học, xây dựng lịch bồi dưỡng cụ thể từng đợt. Chỉ đạo lấy kết quả đợt bồi dưỡng là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại và xét danh hiệu thi đua cuối năm học đối với cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành. Đặc biệt thay vì phải viết bài thu hoạch cuối đợt bồi dưỡng chính trị năm học này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai hình thức mỗi cán bộ quản lý, giáo viên được khảo sát trực tuyến một bài trắc nghiệm với thời gian 120 phút, 50 câu hỏi, mỗi câu có từ 3-6 phương án để lựa chọn 1 phương án phù hợp với câu hỏi. Chỉ trong ½ ngày khảo sát đợt 1 đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh cho 9.280 cán bộ giáo viên tham gia và sau 1 ngày Ban Tổ chức đã hoàn thành công tác thống kê điểm cho từng huyện, thành phố, phân loại đầy đủ các thông tin của đợt bồi dưỡng chính trị hè. Kết quả đợt 1 có 98,68% bài đạt điểm từ 50 điểm trở lên, chưa có bài đạt 100 điểm, số bài chưa đạt (dưới 50 điểm) chiếm 1,32%.
Qua việc đổi mới cách tổ chức học, đánh giá, khảo sát đợt bồi dưỡng chính trị hè: giảm thời gian lên lớp cho báo cáo viên; giảm chi phí của các đơn vị, cơ quan; không phải phân công cán bộ quản lý lớp thay vì có sự hỗ trợ từ việc sử dụng công nghệ camera theo dõi, bao quát và có tư liệu cụ thể; thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch Covid-19; việc lựa chọn hình thức khảo sát trắc nghiệm online đã phù hợp với xu thế hiện nay trong việc chuyển đổi số và thời đại công nghệ số; thời gian nhận kết quả nhanh, chính xác, khoa học. Cô giáo Đỗ Thị Nguyên – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ chia sẻ “Chúng tôi thấy việc học tập trực tiếp kết hợp trực tuyến như năm nay là rất thuận lợi cho giáo viên các trường, không phải đi xa nhà, giảm được nhiều chi phí cho cá nhân, đảm bảo thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid – 19. Việc khảo sát bằng bài làm trắc nghiệm online là một hình thức phù hợp với xu thế hiện nay, đồng thời cũng là dịp để mỗi giáo viên nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu các văn bản được quán triệt, học tập trong đợt bồi dưỡng chính trị này”.
Mặc dù còn một số hạn chế, bất cấp như: trang thiết bị máy tính, điện thoại thông minh của một số cán bộ, giáo viên xuống cấp, lạc hâu, khó khăn trong quá trình thực hiện; cài đặt hệ điều hành, sử dụng trình duyệt web khác nhau nên thông tin hiển thị khác nhau (tiếng anh, tiếng việt); một số đơn vị bị sự cố mất điện, mất wifi, sóng yếu; có hiện tượng cán bộ, giáo viên dùng những tài khoản gmail khác nhau để trả lời nhiều lần; chưa thống nhất cách viết cùng một phông chữ… song việc đổi mới mở lớp và khảo sát đánh giá kết quả bồi dưỡng chính trị hè vừa qua đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, được đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong tỉnh đồng thuận, ủng hộ. Với công tác tổ chức đợt bồi dưỡng chính trị hè thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, đáp ứng yêu cầu phạm vi rộng và chiều sâu kiến thức; có kết quả đánh giá chất lượng nhanh, kịp thời, chính xác và công bằng.
Thông qua đợt bồi dưỡng chính trị, giúp cán bộ, giáo viên nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và trách nhiệm học tập chính trị hàng năm, có thái độ, ý thức học tập tốt, chú ý nghe giảng trên lớp, tập trung nghiên cứu văn bản, tài liệu để nắm vững kiến thức, từ đó làm “hành trang” trong quá trình giảng dạy của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo về vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận chính trị đối với quá trình giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh./.