Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại các trường THCS từ công tác bồi dưỡng đội ngũ đến đổi mới phương pháp dạy và học | TRƯỜNG THCS NAM HOA

Có câu nói rằng: “Nếu đất nước nào thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế” hay “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới” để nói lên tầm quan trọng của giáo dục đối với vận mệnh và sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được thì thực trạng nền giáo dục nước ta đang còn nhiều hạn chế, vì vậy vấn đề đổi mới chương trình giáo dục đặc biệt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay; là một tất yếu, yêu cầu phải đổi mới từ công tác bồi dưỡng đội ngũ đến đổi mới phương pháp dạy và học.

          Về cơ bản, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học trên địa bàn huyện hiện nay đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn còn gặp nhiều bất cập về trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực hoạt động xã hội và năng lực ngoại ngữ, tin học. Một số kĩ năng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nhất là kĩ năng dạy theo định hướng phát triển năng lực của học sinh trong môi trường đa văn hóa, dạy học tích hợp, kĩ năng tự học, tự nghiên cứu… Một số khả năng của giáo viên chưa được phát huy tốt như nghiên cứu bài học, cập nhật tri thức…

Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trong thời gian tới với định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy học phân hóa, trải nghiệm sáng tạo… Để thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đạt hiệu quả thì việc quan trọng trước tiên là công tác đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới,những năm gần đây ngành giáo dục đã và đang tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, về đổi mới phương pháp dạy học, về đổi mới kiểm tra đánh giá người học theo phẩm chất và năng lực; các lớp tập huấn bồi dưỡng trình độ công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm trong công tác quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá,…

Ngoài ra, trong các đơn vị trường học cũng cần tăng cường nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn với nội dung và hình thức đa dạng: sinh hoạt theo tổ nhóm chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn trên trang “Trường học kết nối”,…Việc bồi dưỡng đội ngũ thông qua hội giảng, hội thi giáo viên giỏi các cấp. Đây là một hình thức bồi dưỡng rất thiết thực và hiệu quả, qua nội dung thi giáo viên được nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy,… và đặc biệt qua hội thi giáo viên được học hỏi, trao đổi kinh  nghiệm từ đồng nghiệp; có thêm kinh nghiệm từ việc theo dõi hoạt động học của học sinh,…. Bên cạnh đó việc bồi dưỡng đội ngũ thông qua các cuộc thi: Dạy học theo chủ đề tích hợp, sáng tạo khoa học kỹ thuật, STEM, viết đề tài, sáng kiến kinh nghiệm,…Quan trọng nhất là bản thân mỗi giáo viên phải có ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bằng các việc làm cụ thể. Một là, phải nắm bắt được nội dung chương trình đổi mới. Hai là, phải nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tin học, trình độ ngoại ngữ. Ba là, phải biết học hỏi từ đồng nghiệp. Bốn là, phải nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng và khả năng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Năm là, phải thay đổi nhận thức, say chuyên môn, tâm huyết với nghề.

Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết đối với ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, là sự sống còn của mỗi cơ sở đào tạo. Phương pháp dạy học truyền thống là những cách thức dạy học quen thuộc được truyền từ lâu đời và được bảo tồn, duy trì qua nhiều thế hệ. Về cơ bản, phương pháp dạy học này lấy hoạt động của người thầy là trung tâm. Thực hiện lối dạy này, giáo viên là người thuyết trình, diễn giảng, là “kho tri thức” sống, học sinh là người nghe, nhớ, ghi chép và suy nghĩ theo.Với phương pháp dạy học truyền thống, giáo viên là chủ thể, là tâm điểm, học sinh là khách thể, là quỹ đạo. Do đặc điểm hàn lâm của kiến thức nên nội dung bài dạy theo phương pháp truyền thống có tính hệ thống, tính logic cao. Song do quá đề cao người dạy nên nhược điểm của phương pháp dạy học này là học sinh thụ động tiếp thu kiến thức, giờ dạy dễ đơn điệu, buồn tẻ, kiến thức thiên về lý luận, ít chú ý đến kỹ năng thực hành của người học; do đó kỹ năng thực hành và ứng dụng vào đời sống thực tế bị hạn chế. Vì vậy, ngoài việc phát huy các ưu điểm của phương pháp dạy học truyền thống thì mỗi người thầy cần thay đổi phương pháp, hình thức dạy học. Đối với phương pháp dạy học mới, giáo viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, tổ chức, giúp cho người học tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới  theo kiểu tranh luận, hội thảo theo nhóm. Người thầy có vai trò là trọng tài, cố vấn điều khiển tiến trình giờ dạy. Phương pháp này rất đáng chú ý đến đối tượng học sinh, coi trọng việc nâng cao quyền năng cho người học. Giáo viên là người nêu tình huống, kích thích hứng thú, suy nghĩ và phân xử các ý kiến đối lập của học sinh; từ đó hệ thống hoá các vấn đề, tổng kết bài giảng, khắc sâu những tri thức cần nắm vững. Kế hoạch bài học theo phương pháp này được thiết kế kiểu chiều ngang theo hai hướng song hành giữa hoạt động dạy của thầy và học của trò. Ưu điểm của phương pháp này rất chú trọng kỹ năng thực hành, vận dụng giải quyết các vấn đề thực tiễn, coi trọng rèn luyện và tự học.

Ngoài ra, muốn đổi mới căn bản toàn diện chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, thì “mắt xích” cần phải tập trung, nỗ lực nhiều nhất chính là khâu đổi mới công tác kiểm tra đánh giá học sinh.Trong thực tế hiện nay việc kiểm tra môn học còn thiên về kiểm tra học thuộc lòng, kiểm tra trí nhớ một cách máy móc, đơn điệu, vụn vặt. Người ra đề ít hoặc không chú ý đến các mức độ của đề ra nhằm mục đích cụ thể: Kiểm tra trí nhớ (mức độ biết, tái hiện), hay kiếm tra trình độ hiểu, trình độ vận dụng kiến thức của học sinh… nhằm phát triển năng lực gì ở học sinh. Đó là hệ quả của lối dạy học cũ, kiểm tra đánh giá thiên về tái hiện kiến thức, xem nhẹ kĩ năng. Kết quả là học sinh ít động não, phân tích suy luận vào một lĩnh vực mà không thấy được lĩnh vực liên quan, nguyên nhân hoặc kết quả của nó. Việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập còn chưa có tác dụng mạnh mẽ kích thích, động viên học sinh, hoặc ra đề quá khó làm cho những học sinh có học lực trung bình cảm thấy quá khó, từ đó sinh ra tâm lí chán nản, hoặc quá dễ sẽ dẫn đến học sinh chủ quan, tâm lí thoả mãn, không đánh giá đúng trình độ của mình. Phần lớn lời phê, sửa lỗi bài làm của học sinh của đội ngũ giáo viên còn chung chung, ít khai thác lỗi để rèn kĩ năng tư duy cho học sinh…một số lời phê của giáo viên thiếu thân thiện gây chán nản cho học sinh. Các kiến thức được kiểm tra đánh giá chủ yếu là kiến thức lí thuyết. Số câu hỏi về kĩ năng ít được các thầy cô quan tâm và cũng chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu đề kiểm tra, đề thi. Các kiến thức kiểm tra đánh giá chỉ gói gọn trong chương trình của môn học của một lớp, kể cả việc thi hết cấp. Vì vậy khó đánh giá được mức độ hiểu và vận dụng các kiến thức cần thiết, được học ở một cấp. Các dạng đề kiểm tra, hình thức còn đơn điệu chưa thể hiện được sự thân thiện, tích cực trong kiểm tra đánh giá và học tập của học sinh; chưa coi trọng việc đánh giá giúp đỡ học sinh học tập thông qua kiểm tra mà chỉ tập trung chú ý vào việc cho điểm bài kiểm tra. Bên cạnh đó, một số giáo viên còn lạm dụng kiểm tra trắc nghiệm. Trong kiểm tra đánh giá mới chỉ tập trung vào việc giáo viên đánh giá học sinh, ít tạo điều kiện cho học sinh đánh giá lẫn nhau, học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình. Việc đánh giá còn mang nặng tính chủ quan của người ra đề, chưa bám sát theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Cách đánh giá như hiện nay dẫn đến việc học tủ, học vẹt của học sinh. Kết quả đánh giá chủ yếu nêu lên mức độ ghi nhớ bài của học sinh, khó đánh giá được trình độ tư duy, khả năng phát triển trí tuệ cùng như năng lực vận dụng tri thức, kĩ năng của học sinh. Cách đánh giá này gắn liền với phương pháp dạy học thông báo, minh hoạ, với loại “sách giáo khoa kín” chỉ nhằm cung cấp thông tin một chiều từ thầy đến trò. Mặt khác, một bộ phận giáo viên coi nhẹ việc kiểm tra đánh giá, do vậy trong các bài kiểm tra như bài cũ, 15 phút, 1 tiết việc ra đề còn qua loa, nhiều giáo viên ra đề kiểm tra, thi với mục đích dễ chấm, chấm nhanh nên kết quả đánh giá chưa khách quan. Phần lớn giáo viên chưa quan tâm đến qui trình soạn đề kiểm tra nên các bài kiểm tra còn mang nặng tính chủ quan của người dạy.Vì vậy, để kích thích sự học của học sinh, đội ngũ giáo viên cần phải quan tâm đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện dự án học tập; báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường; qua bài thuyết trình; tăng cường kiểm tra đánh giá việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nội dung kiểm tra đánh giá cần có phần gắn với các vấn đề thời sự để học sinh bày tỏ được quan điểm, chính kiến cá nhân.

Trong công tác quản lý và giảng dạy bộ môn Toán tại trường THCS Nam Hoa, tôi luôn nhận thức trách nhiệm công việc của mình, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bản thân tôi luôn cố gắng nghiên cứu trau dồi nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn. Tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi đạt kết quả cao, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp tỉnh, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hai lần tặng Bằng Lao động sáng tạo, ba lần được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen, nhiều năm liền được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen, nhiều năm liền được Giám đốc Sở GD&ĐT tặng Giấy khen.

12321209_268613310136953_4478701229754287872_n.

34071643_1498750883604688_1522976385046413312_n

Trong công tác quản lý, khi xây dựng kế hoạch chuyên môn đầu năm học, tôi luôn xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn cụ thể cho từng tháng, từng buổi. Đặc biệt chú trọng vào công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nội dung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới việc kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, các nội dung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, các biện pháp nâng cao chất lượng đã được các giáo viên trong nhà trường trao đổi thảo luận sâu sắc. Hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn được triển khai đa dạng, phong phú, hiệu quả. Đội ngũ giáo viên trong nhà trường luôn có trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, nhiều đồng chí là giáo viên cốt cán bộ môn của Phòng GD&ĐT, trong đó có ba đồng chí đạt danh hiệu giáo viên dạy Giỏi cấp tỉnh: đồng chí Nguyễn Công Minh, đồng chí Nguyễn Thị Lan, đồng chí Ngô Thu Thủy. Trong giảng dạy, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin; các phòng bộ môn được trang bị đầy đủ và hoạt động hiệu quả. Trong thời gian làm công tác quản lý từ năm 2015, tôi cùng với nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn, năng lực chuyên môn tốt, trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, yêu thương học trò. Ngoài nhiệm vụ dạy học, các thầy cô còn tạo ra những sân chơi bổ ích cho học sinh như tổ chức các câu lạc bộ: Toán học, Văn học, Tiếng Anh, Khoa học kỹ thuật, STEM,…; các chuyên đề, ngoại khóa: Giáo dục giới tính, An toàn giao thông… Các thầy cô giáo còn tận tình hướng dẫn các em tham gia các cuộc thi do các cấp phát động điển hình như thi hùng biện Tiếng Anh, Vyolimpic. Do đó, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được chú trọng và ngày càng phát triển, chất lượng đại trà được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đều đạt 100%, tỷ lệ học sinh thi vào THPT đạt trên 95%. Trường THCS Nam Hoa đồng thời được công nhận lại là trường đạt chuẩn Quốc gia (được công nhận đạt chuẩn Quốc gia năm 2009) và trường chuẩn Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn vào năm 2015. Đến năm 2016, trường được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3. Trường là 1 trong 3 đơn vị đầu tiên của huyện đạt cả 3 tiêu chuẩn này. Ngoài ra, nhiều năm liên tục Trường THCS Nam Hoa đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến và tập thể lao động tiên tiến- xuất sắc, bằng khen của UBND tỉnh. Số lượng học sinh giỏi cấp Tỉnh, cấp huyện ngày một tăng lên, nằm trong top đầu của huyện.

27045006_589264934738454_89898856_n.27157381_589301591401455_988253198_n.48905068_2501473529879290_8305286510630928384_n

Tóm lại, để hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần thực hiện thành công cuộc đổi mới giáo dục, rất cần sự thay đổi trong nhận thức và hành động của mỗi thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Các nhà quản lý giáo dục phải là những người đi tiên phong, phá mọi rào cản trong tư duy để lôi cuốn được sự tham gia của đông đảo các lực lượng trong xã hội. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục phải có những phẩm chất và năng lực nhất định, trong đó năng lực thích ứng với thay đổi trên nền tảng của tư duy phản biện và trí tuệ cảm xúc là rất quan trọng. Giáo viên phải tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Mọi tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh thật sự thành công hay không là phụ thuộc vào cái tâm, cái tài và cái tầm của người giáo viên. Với những kinh nghiệm đã được đúc kết trong quá trình giảng dạy và quản lý giáo dục nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới giáo viên trung học sẽ tự tin, đủ kiến thức và kĩ năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa “dạy chữ” vừa “dạy người” của mình trong chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Tác giả: Nguyễn Công Minh – Phó Hiệu trưởng trường THCS Nam Hoa

http://pgdnamtruc.edu.vn/giao-duc-thcs/doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tai-cac-truong-thcs-tu-cong-tac-boi-duong-doi-ngu-den-doi-moi-phuong-phap-day-va-hoc/