Đôi điều về văn học thiếu nhi

Sách là kho tàng vô giá, là nguồn tri thức vô tận của con người. Một cuốn sách hay là một người thầy, người bạn tốt góp phần bồi đắp trí tuệ, tư tưởng, tình cảm cho mỗi con người. Những kiến thức được hấp thụ từ thơ bé sẽ hình thành nhân cách của một con người trong tương lai. Chính vì lẽ đó dòng sách dành cho thiếu nhi trở thành dòng sách vô cùng quan trọng. Và nếu như sách cho thiếu nhi nói chung chiếm vị trí quan trọng nhất, nhì trong sự nghiệp giáo dục con người chân chính thì mảng sách văn học thiếu nhi nói riêng lại giữ vị trí hàng đầu trong sự nghiệp ấy.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn học thiếu nhi. Những tác phẩm văn học có nội dung gần gũi, quen thuộc với vốn trải nghiệm của trẻ, được trẻ em thích thú, say mê và có tác dụng hoàn thiện đạo đức, tâm hồn cho trẻ từ truyện cổ tích, thần thoại, lịch sử, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca… đều được coi là văn học thiếu nhi bất kể nhân vật trung tâm là trẻ em hay người lớn, là con người hay thế giới tự nhiên miễn nó được nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ. Thường thì thanh niên phải lo chuyện học hành, nghề nghiệp, yêu đương. Người trưởng thành phải lo gia đình, sự nghiệp. Người già lo bạn bè, con cháu, bệnh tật… nên người lớn, dẫu có đam mê cũng khó có thể dành nhiều thời gian cho sách. Trẻ em thì khác, trừ thời gian học hành, các em hoàn toàn có thể tập trung vào việc đọc, nếu như yêu thích. Đó là lý do số lượng độc giả nhí luôn chiếm vị trí áp đảo so với lượng độc giả là người lớn.

Nếu có thời gian lướt qua một số nhà sách sẽ thấy quầy sách thiếu nhi chiếm diện tích khá rộng rãi, với đủ mọi thể loại sách, từ sách bách khoa toàn thư, văn học, danh nhân, anh hùng, âm nhạc… Tuy nhiên chiếm diện tích lớn nhất, được bày ở những nơi nổi bật nhất lại là các tập truyện tranh, truyện dịch như Conan, Doremon, BuBu, Pokemon… lác đác mới thấy một số tác phẩm văn học thiếu nhi có giá trị. Một số được bày trong quầy văn học nước ngoài và nhiều cuốn được tìm thấy ở quầy văn học Việt Nam.

Thực ra các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi có chất lượng cả ở Việt Nam hay trên toàn thế giới không phải là quá nhiều. Những tác phẩm kinh điển được thiếu nhi trên toàn thế giới yêu thích được dịch ra tiếng Việt trước đây có Truyện cổ Andecxen (Hans Christian Andersen- Đan Mạch), Truyện cổ Grim (Anh em Grimm- Đức), Alice ở xứ xở thần tiên (Lewis Carroll- Anh), Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupéry- Pháp) Hai vạn dặm dưới đáy biển (Jules Verne- Pháp) Nhũng tấm lòng cao cả (Edemondo De Amicis-Ý), Không gia đình (Hector Malot- Pháp), Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (Mark Twain-Mỹ), Harry porter (J. K. Rowling- Anh)… Gần đây hơn là Totto-chan: Cô bé ngồi bên cửa sổ (Tetsuko Kuroyanagi- Nhật), PiPi tất dài (Astrid Lindgren- Thụy Điển), Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh  (L.M. Montgomery- Canada)…

Các tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể tên “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương nam” của Đoàn Giỏi, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nguyễn Huy Tưởng, “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” của Xuân Sách “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, “Tuổi thơ dữ dội”  của Phùng Quán… Và gần đây nhất là các tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh như Kính Vạn Hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…

Trong các tác phẩm kể trên ngoại trừ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những tác phẩm còn lại đều là những tác phẩm cũ. Điều đó chứng tỏ văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại vẫn chưa thực sự phát triển để đáp ứng nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Nguyên nhân có khá nhiều. Thứ nhất sáng tác cho thiếu nhi là chuyện không đơn giản, ngoài tài năng, trí tưởng tượng phong phú, người viết còn cần phải am hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của trẻ. Điều này là rất khó khi mà các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi phần lớn đều đã ở độ tuổi mà tuổi thơ của họ rất khác với tuổi thơ ngày nay, chưa kể tác phẩm viết cho thiếu nhi còn phải bảo đảm tính hiện thực, tính giáo dục mà nếu sa đà vào thì sẽ thành ra giáo điều, nhạt nhẽo khiến cho tác phẩm không đủ sức thu hút độc giả nhí. Thế nên nhiều nhà văn Việt đành ngậm ngùi chuyển sang sáng tác cho người lớn, bỏ ngỏ thị trường rộng lớn, hấp dẫn đó cho truyện tranh, sách nhập ngoại. Nguyên nhân thứ hai khá sâu xa, do truyền thống giáo dục. Ở một xã hội ít người đọc sách thì thế hệ tương lai của họ cũng sẽ lười đọc. Trong một gia đình, cha mẹ không đọc sách thì con khó có thể ham đọc. Cha mẹ muốn tách con khỏi tivi, smart phone nên cũng dẫn con đi nhà sách nhưng thường để con tự chọn. Con lại chọn những cuốn đơn giản, nhiều hình ảnh bắt mắt, giống với những trò chơi trên máy tính, điện thoại và thế là truyện tranh lên ngôi. Đến đây mới xuất hiện nguyên nhân thứ ba: Để có doanh thu, lợi nhuận cao những sách nào bán chạy sẽ được ưu tiên quan tâm hơn từ việc in ấn, xuất bản tới phát hành. Và thế là dù đã có rất nhiều các dự án phát triển văn học thiếu nhi, các cuộc thi sáng tác vì trẻ em của các tổ chức quốc tế và các nhà xuất bản thì cuối cùng sách văn học thiếu nhi chất lượng vẫn cứ khan hiếm trên kệ sách.

Để phát triển văn học thiếu nhi cần có sự chung tay góp sức của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Trong gia đình, cha mẹ cần khơi dậy niềm ham mê đọc sách. Ở trường, các thầy cô cũng cần giới thiệu, hướng dẫn cho các em lựa chọn được những cuốn sách hay. Các nhà xuất bản và các báo, tạp chí cần ưu tiên từ việc tuyển chọn, quảng bá, xuất bản cho tới nhuận bút, hoa hồng chi trả cho các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Có như thế mới mong bớt được tình trạng thừa tranh thiếu chữ, thừa cũ thiếu mới, thừa ngoại thiếu nội ở dòng văn học quan trọng này.

AN AN