Độc đáo Lễ hội Tháp Bà Ponagar
Ảnh minh họa
Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển. Ở cửa sông Cái, cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc.
Hàng năm, tại quần thể kiến trúc này được tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar), người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn như trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, sinh sống. Quần thể Tháp Bà Ponagar được xem là biểu tượng của người đồng bào Chăm.
Đồng thời Lễ hội Tháp Bà Ponagar được xem là nét văn hóa truyền thống của người Chăm tại Khánh Hòa. Với nét văn hóa đặc trưng ấy, mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định Lễ hội Tháp Bà Nha Trang là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Trong sử sách cũng như tiềm thức của người Chăm, vai trò của nữ thần Po Inư Nagar đặc biệt quan trọng. Đó là biểu tượng người phụ nữ duy nhất được tôn thờ độc lập. Mọi người tin Po Inư Nagar là vị thần đầy quyền năng, sáng tạo…
Mẹ xứ sở không chỉ nâng đỡ người Chăm từ những bước đi đầu tiên thời lập quốc mà luôn luôn dẫn dắt đời sống tinh thần của từng gia đình cũng như cả cộng đồng. Tôn thờ mẫu hệ, mỗi làng Chăm đều có nơi thờ cúng Mẹ xứ sở, nhưng tháp Bà Ponagar ở Nha Trang là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất do người Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến XIII chỉ để thờ cúng nữ thần Po Inưgar.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar, với nhiều nghi thức như lễ thay xiêm y, lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ cầu cho quốc thái dân an, lễ tế cổ truyền, lễ hoàn kinh, cúng ngọ… Lễ hội Tháp Bà Ponagar là lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức hàng năm, với ý nghĩa ca ngợi công lao to lớn của người Mẹ xứ sở Thiên Y Thánh Mẫu Ana và mong muốn cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Các nghi lễ chính của Lễ hội Tháp Bà Ponagar gồm lễ tắm tượng, lễ thay y diễn ra vào giờ Ngọ ngày 20/3 âm lịch, tiếp đến là lễ tế sanh, dâng cúng đồ tế, múa bóng mời thiên y thánh mẫu và các bậc thần linh về dự lễ.
Theo nghi thức, lễ cúng thánh mẫu thường mở đầu bằng lễ khai kinh cầu quốc thái dân an. Lễ tế sanh bắt đầu vào giờ Tý, đêm 22/3 âm lịch do các bô lão thực hiện, sau đó lễ cầu cúng chính thức diễn ra vào lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau.
Việc hành lễ do chánh lễ, bồi tế, đông hiến, tây hiến và đội học trò thực hiện, lần lượt dâng rượu, dâng trà, đọc văn tế rất cung kính, tôn nghiêm. Sau cùng, từng đoàn người Chăm, người Kinh… đại diện cho các thôn xóm múa bóng, múa hoa quả, múa quạt… ca ngợi công đức, bày tỏ lòng biết ơn Bà mẹ xứ sở.
Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghi lễ thờ cúng Mẹ xứ sở được người Chăm và người Kinh tổ chức chu đáo tại Tháp Bà Ponagar. Năm 1653, những người dân Việt từ phía Bắc, theo chúa Nguyễn vào phương Nam mở cõi, dừng chân bên cửa sông Cái (Nha Trang), tạo lập nên làng mạc, xóm thôn… Những người này đã mang theo phong tục thờ cúng Mẫu của người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ vào đây.
Hàng năm, cứ đến ngày 20/3 âm lịch, người Chăm, người Kinh ở khắp nơi, mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponaga Nha Trang, thành tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với một người phụ nữ có công chỉ dạy dân lành biết cách làm ăn, sinh sống bằng nghề nông. Đây được xem là nét văn hóa độc đáo, được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.