Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì? Ví dụ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Trong hệ thống pháp luật của nước ta, khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ được sử dụng rất nhiều, tuy nhiên rất nhiều người vẫn chưa nắm rõ về vấn đề này. Kính mời quý bạn đọc tìm hiểu bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê, bài viết sẽ cung cấp cho quý bạn đọc khái niệm Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì? Những ví dụ về doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

1. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là tên viết tắt của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, được xếp loại và đánh giá dựa trên tiêu chí về nguồn nhân công, doanh thu sản phẩm và vốn. 

Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP

– Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp là doanh nghiệp có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân không quá 10 người và tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại là doanh nghiệp có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân không quá 10 người và tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không quá 3 tỷ đồng.

– Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp là doanh nghiệp mà có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội không quá 100 người và tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại là doanh nghiệp mà có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ.

– Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp là doanh nghiệp có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại là doanh nghiệp mà có số người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu cả năm của doanh nghiệp không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của doanh nghiệp không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ.

 

2. Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xã hội Việt Nam giữ một tỷ trọng lớn, đến mức áp đảo trong tổng số doanh nghiệp. Hiện nay có tới 95% tổng số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế mà đóng góp của các doanh nghiệp này vào tổng sản lượng của cả nước và tạo ra những việc làm cho nhân dân là rất đáng kể.

Giữ vững ổn định nền kinh tế: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là những nhà thầu phụ, chủ yếu cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm nhất định có vai trò khiến nền kinh tế giữ được sự ổn định. Vì thế mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn được gọi như là thanh giảm sóc cho nền kinh tế.

Làm cho nền kinh tế ngày một năng động hơn: Vì doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô không lớn, mà xã hội luôn luôn biến đổi theo thời gian nên các doanh nghiệp này có thể dễ dàng thay đổi để thích ứng phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Khiến cho nền kinh tế trở nên năng động, đáp ứng nhu cầu của người dân hơn.

Tạo ra các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ quan trọng: Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có xu hướng chuyên môn hóa vào sản xuất một vài các dụng cụ, chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm lớn hoàn chỉnh.

Làm trụ cột của kinh tế địa phương: Nếu như các doanh nghiệp lớn thường có trụ sở tại những thủ đô, thành phố lớn, trung tâm kinh tế của đất nước thì trái lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ lại xuất hiện ở khắp mọi nơi, khắp địa phương và là nhân tố chủ yếu đóng góp nguồn thu quan trọng vào ngân sách nhà nước, vào sản lượng của địa phương và tạo ra được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Đóng góp lớn vào giá trị GDP của quốc gia.

 

3. Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một tỷ trọng cực kỳ lớn trong số các doanh nghiệp của quốc gia. Với khả năng sử dụng trên 50% tổng số lao động và tạo ra công ăn việc làm cho tới 65% người lao động. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng sử dụng công nhân ở địa phương, nhờ đó mà giúp nhà nước giải quyết rất nhiều bài toán nhân lực cho cơ quan nhà nước.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ do có nguồn vốn hạn hẹp và thường không được tiếp cận với nguồn đầu tư lớn. Điều này khiến cho các doanh nghiệp này khó khăn trong việc thay đổi mới trang thiết bị và xúc tiến phát triển công việc cho các doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự cạnh tranh gắt gao đối với các công ty, tập đoán lớn cùng kinh doanh thương mại, dịch vụ cùng ngành. Bởi vậy mà các doanh nghiệp này thường thua thiệt trong khả năng chiếm lĩnh thị trường.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tập trung chủ yếu trong lĩnh vực thương mại chứ không sản xuất, chế biến. Chủ yếu là các ngành liên quan đến mua bán, sản xuất đồ dùng, đưa ra các loại dịch vụ và phân phối hàng tiêu dùng.

 

4. Những hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Do doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, nên quốc gia đã chú trọng công tác tạo điều kiện, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp này phát triển. Các hỗ trợ mang tính thể chế để gia tăng tiềm lực cho các doanh nghiệp bao gồm: các hành động nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp (củng cố, xây dựng và ban hành các đạo luật tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ: tạo thuận lợi về thị trường, cung cấp thông tin, cấp giấy phép,…), những hành động nhằm hỗ trợ phát triển năng lực doanh nghiệp (hỗ trợ về giao thương, công nghệ, đào tạo nguồn lực quản lý,…), và những hành động nhằm hỗ trợ về tín dụng (bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, thành lập những ngân hàng trọng tâm hướng tới mục đích cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, thành lập các công ty đầu tư mạo hiểm,….), và rất nhiều hành động khác nhằm hỗ trợ như (mặt bằng kinh doanh, tạo điều kiện về quản lý,…). Đến nay, loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ này đã chiếm đến 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước, tạo ra đến 40% tổng sản phẩm quốc nội, tạo ra hơn 1 triệu làm cho cả nước mỗi năm, chủ yếu giúp và đào tạo những nguồn lao động thiệt thòi về điều kiện học tập, nguồn lao động chưa được qua đào tạo. Trong những năm tới, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là nhân tố chính giúp vận hành được nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận một điều rằng là khối này cũng chỉ phát triển mạnh trong những ngành, lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận chưa lớn, dây chuyền công nghệ vẫn chưa thực sự được phát triển do yếu thế về quy mô (địa bàn hoạt động, thị phần, tiềm lực vốn,…) mà thường chủ yếu tập trung vào các vấn đề như lựa chọn những đối tượng khách hàng, sản phẩm dịch vụ, mục tiêu kinh doanh phù hợp với khả năng, ổn định, củng cố thị phần đã có hay phát triển thị trường dần dần và có chọn lọc khâu, điểm đột phá thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải tự tìm kiếm các đối tác để kinh doanh, tự thân vận động mà thiếu vắng đi những vai trò to lớn của chính sách nhà nước.

Vừa rồi Luật Minh Khuê đã trình bày nội dung về Doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì? Ví dụ về doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích đối với quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!