Doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2014
Doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp 2014
Hầu hết các nước trên thế giới đều tồn tại khu vực kinh tế nhà nước bên cạnh khu vực kinh tế thông thường. Doanh nghiệp nhà nước theo đó cũng được hình thành nhằm giải quyết các mục tiêu kinh tế và các yêu cầu mang tính vĩ mô trong nền kinh tế thị trường. Vậy doanh nghiệp nhà nước được quy định trong pháp luật doanh nghiệp hiện hành như thế nào? Có những quy định tiến bộ gì trong Luật Doanh nghiệp 2014 so với pháp luật về doanh nghiệp trước đó?
1. Xu hướng quy định về doanh nghiệp nhà nước trên thế giới
Mỗi quốc gia có những hướng tiếp cận khác nhau về giới hạn của doanh nghiệp nhà nước. Theo Ủy ban châu Âu thì doanh nghiệp nhà nước là tất cả các doanh nghiệp mà nhà cầm quyền có thể dựa vào quyền sở hữu, quyền khống chế cổ phần hoặc điều lệ quản lý đối với doanh nghiệp có thể gây ảnh hưởng có tính chất chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp đối với doanh nghiệp.
Ở một số quốc gia, căn cứ để xác định doanh nghiệp nhà nước là chiếm trên 50% số vốn của doanh nghiệp, ví dụ: Thụy Điển, Phần Lan, Brazil, Mexico… Một số quốc gia khác như Ấn Độ xác định doanh nghiệp nhà nước dựa vào ngành nghề doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cụ thể: doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong các ngành công nông nghiệp và các ngành dịch vụ tính thành giá được và do chính phủ (trung ương hoặc địa phương) là người sở hữu chủ yếu đều là doanh nghiệp nhà nước.
2. Các quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp 2014
Thứ nhất, về khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Như vậy, về bản chất thì doanh nghiệp nhà nước cũng là một tổ chức có tên riêng, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch và cũng phải được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật, hoạt động nhằm mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường, phần vốn của doanh nghiệp là do Nhà nước nắm giữ 100% mà không có sự góp vốn từ các chủ thể khác.
Với tư cách là một chủ thể đặc biệt trong các quan hệ pháp luật, Nhà nước là chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước sẽ có cơ quan đại diện chủ sở hữu (là Nhà nước) để tiến hành và quyết định các vấn đề trong doanh nghiệp.
Thứ hai, về hình thức tổ chức quản lý doanh nghiệp
Hình thức tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, với một trong hai mô hình do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tùy vào quy mô của công ty. Cụ thể hai mô hình là:
– Mô hình 1: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kiểm soát viên;
– Mô hình 2: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Mỗi chức vụ, vị trí sẽ đảm nhiệm những chức năng và nhiệm vụ cụ thể, cũng như có những quyền hạn và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật doanh nghiệp.
Thứ ba, một số nghĩa vụ cụ thể của doanh nghiệp nhà nước
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của công ty tương tự các quyền và nghĩa vụ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện một số nghĩa vụ cụ thể, gồm:
– Tiến hành công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin cơ bản về công ty, điều lệ công ty, mục tiêu tổng quát, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch kinh doanh hằng năm và các báo cáo định kì và hằng năm theo quy định tại Điều 108 Luật Doanh nghiệp 2014.
– Phải công bố các thông tin bất thường trên trang thông tin điện tử và ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của công ty trong thời hạn 36 giờ, kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện bất thường theo quy định tại Điều 109 Luật Doanh nghiệp 2014.
3. Điểm mới trong Luật Doanh nghiệp 2014
So với quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi. Cụ thể, trước đây, doanh nghiệp nhà nước được quy định là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Còn theo pháp luật hiện hành, doanh nghiệp nhà nước phải do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Sự thay đổi này nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và sự bảo hộ giữa các doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm đáng kể, điều này là phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước. Hơn nữa, luật cũng quy định riêng một chương về doanh nghiệp nhà nước, xác định rõ các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo việc đầu tư kinh doanh có hiệu quả.
4. Liên hệ tư vấn
Công ty Luật Hải Nguyễn với đội ngũ Luật sư uy tín và giàu kinh nghiệm, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý về CÔNG CHỨNG, ĐẤT ĐAI, DOANH NGHIỆP, SỞ HỮU TRÍ TUỆ,…
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Công ty Luật Hải Nguyễn và Cộng sự
Hotline: 0973 509 636 (Ls. Hải ) & 0989422798 (Ls. An)
Email: [email protected]
-HP-