Doanh nghiệp lớn là gì? Quy định về doanh nghiệp lớn ở Việt Nam

Những doanh nghiệp có quy mô kinh doanh hay sản xuất lớn hiện nay đang đóng một vai trò chủ đạo và then chốt trong việc phát triển cho một nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới và kể cả Việt Nam. Vậy doanh nghiệp đáp ứng đủ những tiêu chí nào thì được coi là một doanh nghiệp lớn? Những doanh nghiệp này được pháp luật điều chỉnh như thế nào? Hãy cùng Luật Minh Khuê giải đáp những thắc mắc trên thông qua bài viết sau đây.

1. Doanh nghiệp lớn là gì?

Có thể nói, mỗi quốc gia sẽ lại có sự khác nhau về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cũng như pháp luật. Vậy nên cách phân chia quy mô của doanh nghiệp vì thế cũng khác nhau, theo đó việc xác định được mô hình của doanh nghiệp là một trong những vấn đề quan trọng giúp cho hoạt động quản lý của doanh nghiệp được hiệu quả hơn.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa xây dựng một khái niệm cụ thể về “doanh nghiệp lớn” mà thường chỉ dựa trên quy mô của doanh nghiệp đó để đánh giá một mô hình doanh nghiệp đó có được coi là lớn hay không. Căn cứ trên một loạt các yếu tố về định tính và định lượng, trong đó yếu tố định lượng đóng một vai trò tối quan trọng. Có thể nói, ba chỉ tiêu về định lượng được đặt ra một cách độc lập và kết hợp với nhau để xác định quy mô của doanh nghiệp là:

– Lượng vốn mà doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở vật chất;

– Lực lượng lao động trong doanh nghiệp;

– Quy mô về sản xuất/ doanh thu từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp lớn thường được xác định khi có tổng nguồn vốn công ty đạt trên 100 tỷ đồng và tổng số người lao động công ty từ 300 người trở lên. Vậy một công ty được coi là doanh nghiệp lớn tại Việt Nam sẽ được xác định bởi hai tiêu chí đó là có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và có tỉ lệ người lao động từ 300 người trở lên. Theo đó có thể kể đến một số tập đoàn, công ty lớn tại Việt Nam như Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Hòa Phát; Công ty cổ phần FPT; Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng,…

Trong khi đó trên thế giới, cụ thể là các quốc gia thuộc cộng đồng kinh tế Châu Âu, doanh nghiệp lớn có quy mô nhiều hơn 250 lao động, doanh thu đạt trên 50 triệu EURO hoặc tổng giá trị tài sản trên 43 triệu EURO. Bên cạnh đó, tại Philipines, doanh nghiệp lớn có tổng giá trị tài sản trên 60 triệu P. Còn tại Malaysia, doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp lớn nếu có trên 75 công nhân làm việc và sở hữu vốn điều lệ là hơn 1 triệu USD.

 

2. Đặc điểm của doanh nghiệp lớn

Có thể nói, một doanh nghiệp sẽ được coi là có quy mô lớn nếu xét trên phương diện vốn và người lao động mà có sự lớn mạnh hơn so với mặt bằng phát triển chung của nền kinh tế. Theo đó, các doanh nghiệp lớn sẽ bao gồm những đặc điểm sau:

Thứ nhất, hoạt động của doanh nghiệp lớn trên thị trường mang tính ổn định, tăng trưởng đều và ít biến động. Với ưu thế về quy mô tài chính và nguồn nhân lực, doanh nghiệp lớn thường tham gia vào hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận. Một số ngành nghề kinh doanh trọng yếu của quốc gia như công nghiệp nặng, khai khoáng, may mặc, bảo hiểm,…

Thứ hai, về dịch vụ, các doanh nghiệp thường tập trung vào các lĩnh vực như điện lực, ngân hàng, vận tải, viễn thông. Các ngành nghề trên đều yêu cầu số vốn ban đầu tương đối lớn, đòi hỏi trình độ lao động tay nghề cao, số lượng lớn.

Thứ ba, chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp lớn thường diễn ra đều đặn và có độ ổn định cao, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ có chu kỳ kinh doanh theo mùa, chớp thời cơ nhanh chóng và không ổn định. Các sản phẩm của các doanh nghiệp lớn là các sản phẩm rất quan trọng trong nền kinh tế, do đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn là rất cao.

Thứ tư, doanh nghiệp lớn có tính điều hòa, ổn định lại nền kinh tế. Khi nền kinh tế gặp khủng hoảng thì các doanh nghiệp lớn luôn là người tiên phong và là đầu tàu vững chắc trong nền kinh tế quốc gia. Các công ty và các doanh nghiệp lớn luôn tạo nên sự phát triển kinh tế đồng đều và lâu dài giúp cho nền kinh tế luôn giữ được mức ổn định và làm giảm bớt các biến động kinh tế.

 

3. Vai trò của doanh nghiệp lớn

Theo kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều có vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, như vậy doanh nghiệp lớn luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển công nghiệp hóa, là đầu tàu trong phát triển khoa học công nghệ của nhiều ngành công nghiệp. Việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lớn luôn tạo ra nhu cầu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ.

Song song với sự dẫn dắt về thị trường, doanh nghiệp lớn cũng giữ vai trò trung tâm trong phát triển công nghệ và trợ giúp vốn, lao động, cơ sở hạ tầng sản xuất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp lớn là chỗ dựa để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, khi có nhu cầu về một sản phẩm trung gian hay dịch vụ hỗ trợ, doanh nghiệp lớn có thể tìm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện thích hợp để hướng dẫn công nghệ, hỗ trợ hạ tầng sản xuất, thậm chí giúp vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện sản xuất nhằm cung ứng cho họ.

Như vậy có thể nói, doanh nghiệp lớn không bao giờ đơn độc trong quá trình phát triển, chính phủ luôn song hành với họ bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, vì doanh nghiệp lớn mang sứ mệnh phát triển cho một ngành công nghiệp của quốc gia. Mọi chương trình, dự án đầu tư trong nước hoặc viện trợ ra nước ngoài đều nhằm mục đích tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia với luật chơi rõ ràng. Vì vậy, các chính sách phát triển công nghiệp nhanh chóng tạo hiệu ứng trong thực tiễn thông qua phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn.

Phải kể đến khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, tác động tiêu cực tới mọi mặt của nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng nhiều doanh nghiệp lớn đã có những đóng góp trực tiếp đối với nền kinh tế, gánh vác và giúp hoàn thành các mục tiêu kinh tế quốc gia, đồng thời cũng tạo ra năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam so với kinh tế các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Xét trong từng lĩnh vực thì doanh nghiệp lớn chính là những đầu tàu để dẫn dắt thị trường, tạo ra những xu hướng phát triển, tạo sức bật cho từng ngành, giữ vai trò trung tâm để phát triển công nghệ, đầu tư vốn, thu hút lao động tạo công ăn việc làm.

Hiện nay, dù chỉ chiếm 5% – 7% trong tổng số các doanh nghiệp được đăng ký bây giờ, các doanh nghiệp lớn vẫn đóng vai trò then chốt trong việc tăng trưởng kinh tế của các đất nước trên toàn thế giới, xây dựng một khối lượng việc làm lớn và chịu trách nhiệm trong việc xúc tiến nền kinh tế. Lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp lớn là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp lớn đem lại rất nhiều của cải cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động và cung cấp mức thu nhập ổn định cho đại bộ phận người lao động của họ. Nếu doanh nghiệp lớn phát triển thì đồng nghĩa với nền kinh tế của đất nước càng lớn mạnh.

 

4. Doanh nghiệp quy mô thế nào là doanh nghiệp lớn ?

4.1. Cách xác định quy mô của doanh nghiệp lớn

– Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: được coi là doanh nghiệp lớn nếu có tổng nguồn vốn từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng và có số lao động từ 200 đến 300 người.

– Đối với doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng: được coi là doanh nghiệp lớn nếu có tổng nguồn vốn từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng và có số lao động từ 200 đến 300 người.

– Đối với doanh nghiệp Thương mại và dịch vụ: được coi là doanh nghiệp lớn nếu có tổng nguồn vốn từ trên 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng và có số lao động từ 50 đến 100 người.

 

4.2. Phân biệt giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ được gọi chung là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó các doanh nghiệp này thường có đặc điểm sau đây:

– Quy mô nhỏ bé về mặt vốn;

– Nhỏ bé về mặt doanh thu;

– Nhân sự lao động không nhiều

Doanh nghiệp siêu nhỏ:

Doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá tổng 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn đầu tư không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực như: thương mại, dịch vụ có số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá tổng 10 người và tổng doanh thu của năm không quá tổng 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn đầu tư không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ:

Doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có tổng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn đầu tư không quá 20 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có tổng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn đầu tư không quá 50 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vừa:

Doanh nghiệp vừa hoạt động trong lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn đầu tư không quá 100 tỷ đồng

Tại Việt Nam hiện nay, theo Viện phát triển công ty thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2021), Việt Nam đang có gần 800.000 công ty. Trong số đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98%, đóng góp hơn 40% GDP cả nước và dùng 51% tổng số nhân viên xã hội.

Có thể nói, những công ty có quy mô lớn hiện nay đang đóng một vai trò chủ đạo và then chốt trong việc phát triển cho một nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Mong rằng qua bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ ra sao là doanh nghiệp có quy mô lớn và các đóng góp của công ty này với nền kinh tế của mỗi quốc gia và ở khắp các quốc gia trên thế giới. Tạo nên sự phát triển đồng đều và giải quyết công ăn việc làm cần có cho người lao động hiện nay.

Mọi vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê./.