Doanh nghiệp liên doanh là gì ? – Luật Thành Đô
Cùng với sự phát triển của quá trình hội nhập, mở cửa, các công ty Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới ngày một nhiều và cạnh tranh gay gắt. Do đó, doanh nghiệp liên doanh đang là hình thức phổ biến trong nền kinh tế thị trường hiện nay và đạt được nhiều đóng góp cho nền kinh tế nước ta. Vậy pháp luật hiện hành quy định cụ thể như thế nào về hình thức, tư cách pháp lý, tổ chức… của hình thức doanh nghiệp này? Sau đây Luật Thành Đô xin tư vấn về vấn đề này như sau:
Mục Lục
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14
– Luật Đầu tư số 61/2020/QH14
doanh nghiệp liên doanh là gì ?
II. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA DOANH NGHIỆP LIÊN DOANH
2.1. Doanh nghiệp liên doanh là gì ?
Liên doanh là hình thức hợp tác kinh tế ở một trình độ tương đối cao, được tiến hành trên cơ sở các bên tham gia tự nguyện cùng nhau góp vốn để thành lập các công ty, xí nghiệp nhằm cùng sản xuất, cùng quản lý và chia lãi theo phương thức thỏa thuận.
Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
Theo khái niệm trên ta thấy, doanh nghiệp liên doanh có thể do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập. Trong đó, doanh nghiệp được thành lập giữa doanh nghiệp liên doanh đã được thành lập tại Việt Nam với:
+ Nhà đầu tư nước ngoài
+ Doanh nghiệp Việt Nam
+ Cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng các điều kiện do chính phủ quy định
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài
+ Doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam
Về hình thức, doanh nghiệp liên doanh được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, mỗi bên liên doanh chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp vào vốn pháp định của doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, được thành lập và hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư.
2.2. Vốn pháp định
Doanh nghiệp liên doanh có sự phối hợp cùng nhau góp vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Tỷ lệ vốn góp của mỗi bên sẽ quyết định tới mức độ tham gia quản lý doanh nghiệp, tỷ lệ lợi nhuận được hưởng cũng như rủi ro mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu.
Vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh ít nhất phải bằng 30% vốn đầu tư. Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, dự án đầu tư vào địa bàn khuyến khích đầu tư, dự án trồng rừng, dự án quy mô có quy mô lớn, tỷ lệ này có thể thấp hơn, nhưng không được phép xuống dưới 20% vốn đầu tư và phải được cơ quan cấp giấy phép đầu tư chấp thuận. Tỷ lệ góp vốn của bên hoặc các bên liên doanh nước ngoài do các bên liên doanh thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn 30% vốn pháp định của doanh nghiệp liên doanh. Căn cứ vào lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, thị trường, hiệu quả kinh doanh và các lợi ích kinh tế- xã hội khác của dự án, cơ quan cấp giấy phép đầu tư có thể xem xét cho phép bên liên doanh nước ngoài có tỷ lệ góp vốn thấp hơn, nhưng không dưới 20% vốn pháp định.
Đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp liên doanh là có sự phối hợp cùng góp vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư Việt Nam. Tỷ lệ góp vốn của mỗi bên sẽ quyết định tới mức độ tham gia quản lý doanh nghiệp. Tỷ lệ lợi nhuận được hưởng cũng như rủi ro mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu.
2.3. Ưu và nhược điểm
Nhìn chung hình thức doanh nghiệp liên doanh đem lại nhiều lợi thế cho cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam. Các doanh nghiệp liên doanh với nhau sẽ chia sẻ công nghệ cùng tài sản trí tuệ có tính chất bổ sung liên quan đến sản phẩm đó, phân phối và dịch vụ sáng tạo. Đối với các nhà đầu tư Việt Nam, khi tham gia doanh nghiệp liên doanh, ngoài việc được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, nhà đầu tư Việt Nam còn có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại, phong cách và trình độ quản lý kinh tế tiên tiến. Đối với bên nước ngoài, lợi thế được hưởng là được đảm bảo khả năng thành công cao hơn do môi trường kinh doanh, pháp lý hoàn toàn xa lạ nếu không có bên Việt Nam thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác hình thức doanh nghiệp liên doanh cũng có những bất lợi như: có sự ràng buộc chặt chẽ trong một pháp nhân chung giữa các bên hoàn toàn khác nhau không chỉ về ngôn ngữ mà còn về truyền thống, phong tục, tập quán, phong cách kinh doanh, do vậy có thể phát sinh những mâu thuẫn khó giải quyết. Do tiếp cận một thị trường mới nên rất khó hội nhập vào chiến lược kinh doanh toàn cầu, do đó doanh nghiệp khó tránh khỏi những sự chuyển giá, nguồn xuất khẩu, hỗ trợ chi nhánh doanh nghiệp tại quốc gia khác…
2.4. Điều kiện thành lập
Muốn thành lập doanh nghiệp liên doanh cần một số điều kiện sau:
– Về chủ thể (nhà đầu tư): Cá nhân phải có đủ năng lực hành vi dân sự, không trong thời gian chấp hành hình phạt tù và các hình phạt hành chính khác theo quy định; pháp nhân được thành lập hợp pháp, vẫn đang hoạt động tại thời điểm thực hiện đầu tư.
– Về tài chính:
+ Năng lực tài chính của chủ đầu tư phải tương ứng với số vốn cam kết đầu tư vào dự án, chủ đầu tư phải đủ khả năng chi trả với số vốn đã cam kết
+ Ngân hàng giữ số tiền đầu tư vào doanh nghiệp là ngân hàng hợp pháp và được phép hoạt động tại Việt Nam
+ Đáp ứng các yêu cầu pháp luật về vốn pháp định của doanh nghiệp
2.5. Thủ tục thành lập
Theo Luật Đầu tư, việc thành lập doanh nghiệp liên doanh là thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư đồng thời với việc thành lập doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo đó, trình tự thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được tiến hành như sau:
Bước 1: Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ban quản lý khi công nghiệp cấp tỉnh. Hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư theo mẫu
+ Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư
+ Báo cáo tài chính nhà đầu tư trong 2 năm gần nhất (nếu có)
+ Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định
+ Chứng chỉ hành nghề của thành viên và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề
+ Dự thảo điều lệ doanh nghiệp
+ Giải trình kinh tế- kỹ thuật với các nội dung về mục tiêu, địa điểm đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án, giải pháp về môi trường.
Bước 2: Sở kế hoạch và đầu tư hoặc Ban quản lý khu công nghiệp thụ lý hồ sơ, trình UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc ban quản lý khu công nghiệp để phê duyệt
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ, chủ đầu tư thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận mã số thuế và dấu doanh nghiệp.
Bài viết có thể bạn quan tâm:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì ?
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về doanh nghiệp liên doanh. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
5/5 – (1 bình chọn)