Doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng theo thời gian với đa dạng các hình thức thành lập và ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Mục Lục
1. Khái niệm doanh nghiệp là gì?
Pháp luật Việt Nam có quy định rõ ràng về khái niệm thế nào là doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Trong luật Doanh nghiệp năm 2020, khái niệm về doanh nghiệp được quy định trong mục 10 khoản 1 Điều 4. Cụ thể như sau:
Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Theo đó, khái niệm thế nào là doanh nghiệp được triển khai theo hướng liệt kê các đặc điểm cần có đủ để xác định xem như thế nào là doanh nghiệp. Hướng triển khai nội dung này khá rõ ràng, tiện lợi để có thể dễ dàng xác định một doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
2. Đặc điểm chung của Doanh nghiệp:
Từ khái niệm nêu trên, có thể khái quát được các đặc điểm của doanh nghiệp như sau:
– Là một tổ chức, có tên riêng: Mỗi một doanh nghiệp được hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, bao gồm cả việc chịu trách nhiệm với các hoạt động của mình dưới hình thức là một tổ chức, hay còn gọi là pháp nhân. Đi kèm với đó là mỗi doanh nghiệp sẽ có một tên riêng. Việc này giúp phân biệt các doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực, trong cùng khu vực địa lý với nhau; khẳng định vị thế khác nhau của từng doanh nghiệp. Từ đó tạo sự khác biệt cũng như đẩy mạnh sự cạnh tranh ngay từ cái tên của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có những quy định riêng về việc đặt tên và đăng kí tên cho doanh nghiệp được đặt ra trong Luật Doanh nghiệp, Luật SHTT,…
– Doanh nghiệp có tài sản riêng: Tài sản của doanh nghiệp là vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, được doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động của mình. Có nhiều loại tài sản của doanh nghiệp được phân loại dựa trên những căn cứ khác nhau. Căn cứ vào hình thái vật chất của tài sản mà người ta chia tài sản của doanh nghiệp thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Căn cứ vào vai trò của tài sản đối với quá trình kinh doanh của doanh nghiệp mà người ta chia thành tài sản cố định, tài sản lưu động, tài sản lưu thông. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn đóng góp của các chủ sở hữu doanh nghiệp và do doanh nghiệp tự tích luỹ được từ hoạt động kinh doanh. Tài sản của doanh nghiệp độc lập với tài sản của cá nhân, các thành viên trong doanh nghiệp và các tổ chức khác.
– Có trụ sở giao dịch: Mỗi doanh nghiệp phải có trụ sở giao dịch cụ thể, rõ ràng, đã được đăng kí trụ sở tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xác định có trụ sở cụ thể này nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp, và từ đó có thể thực hiện các giao dịch nhằm mục đích thu lợi nhuận từ các hoạt động của mình.
– Được thành lập hoặc đăng kí thành lập theo quy định của pháp luật: Doanh nghiệp có tính hợp pháp. Tính hợp pháp ở đây thể hiện thông qua việc Doanh nghiệp muốn thành lập công ty phải nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và nhận được giấy phép đăng ký thành lập. Khi nhận được sự giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được nhà nước công nhận sự tồn tại và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động bằng chính tài sản riêng của mình.
– Doanh nghiệp hoạt động nhằm mục đích kinh doanh sinh lời: Doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh phần lớn đều hướng đến lợi nhuận hoặc thực hiện cung ứng dịch vụ thường xuyên, lâu dài. Khoản lợi nhuận thu được sẽ phục vụ các lợi ích cần tới của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một loại hình doanh nghiệp bắt đầu phát triển tại nước ta từ thời kỳ cải cách mở cửa và phát triển cho đến ngày nay. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp được các công ty nước ngoài thành lập để đầu tư phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam hoặc là các doanh nghiệp trong nước được mua lại và sát nhập vào các công ty nước ngoài.
Trong Luật Đầu tư năm 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ đưa ra định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 22 Điều 3 như sau
“Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”
Như vậy, theo quy định này, ta có thể hiểu một cách cơ bản, doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không phân biệt tỷ lệ vốn của bên nước ngoài góp là bao nhiêu.
- Doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ 51% giá trị vốn điều lệ trở lên của một doanh nghiệp hoặc một tổ chức kinh tế thì được coi là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Một tổ chức nước ngoài nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
- Một tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
4. Đặc điểm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
- Về thành viên, cổ đông, chủ sở hữu doanh nghiệp:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Hình thức tổ chức của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân; Công ty hợp danh; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Công ty TNHH hai thành viên trở lên; và Công ty cổ phần.
- Tư cách pháp lý:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam. Trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân (không có tư cách pháp nhân), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều có tư cách pháp nhân.
- Tỷ lệ sở hữu vốn:
Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ một số trường hợp được quy định trong các văn bản pháp luật liên quan.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Trước khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mà nội dung đó đồng thời là nội dung đăng ký đầu tư thì phải điều chỉnh nội dung đăng ký đầu tư được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Ngành nghề kinh doanh:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Điều 6 và các Phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2020. Bên cạnh đó trên tranh chủ của Bộ Công thương cũng đăng tải danh sách các điều kiện đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện dành cho các nhà đầu tư thực hiện.
5. Điều kiện thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Phải là các tổ chức, công ty (hoạt động từ 1 năm trở lên).
- Cá nhân nước ngoài có nhu cầu đầu tư theo hình thức thành lập công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty TNHH 1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên tại Việt Nam.
- Phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký hoặc phải thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước.
- Cần phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án phù hợp quy hoạch phát triển trên địa phương.
- Báo cáo năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư.
- Đảm bảo các điều kiện về môi trường, an ninh cũng như trật tự xã hội.
- Chỉ được đăng ký các ngành dịch vụ mà Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường khi gia nhập WTO 2016.
6. Quyền lợi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quyền thực hiện điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư.
- Được phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm và trụ sở kinh doanh mà không cần phải có dự án đầu tư. Hồ sơ và các loại giấy tờ tương ứng với loại hình tổ chức kinh tế.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tiến hành góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp thì có thể thực hiện thay đổi thành viên công ty, cổ đông tại các cơ quan nhà nước theo đúng quy định.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được bảo trợ theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu tuân thủ đúng những yêu cầu về mặt pháp lý trong công việc làm ăn kinh doanh.
Thành lập một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam. Đồng thời giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên đây là công việc được thiết chặt quản lý khá nhiều bởi các cơ quan nhà nước. Do đó khi tiến hành xây dựng một doanh nghiệp theo mô hình này cần có sự hiểu biết và nắm rõ được những quy định này để công việc có thể phát triển một cách thuận lợi và tránh được những rào cản về mặt pháp lý của doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!