Đô thị mới Nhơn Trạch sẽ có 8 khu vực với tổng diện tích hơn 41.000 ha | sct.com.vn

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050

Đô thị vệ tinh vùng TP.HCM
Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ khu hành chính huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích 41.078 ha, với tính chất là đô thị công nghiệp – cảng, đô thị vệ tinh vùng TP.HCM, có vị trí quan trọng về giao thông vận tải, an ninh, quốc phòng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Quy hoạch khu đô thị mới – Nhơn Trạch – Đồng Nai

Đồ án quy hoạch mới Nhơn Trạch được Chính phủ phê duyệt, nơi đầy sẽ là Đô thị công nghiệp – cảng, Đô thị vệ tinh vùng TP.HCM nhưng có vị trí quan trọng về giao thông vận tải, an ninh, quốc phòng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong đó, phần định hướng quy hoạch đến năm 2025, được dự báo quy mô dân số khoảng 260.000 – 280.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60-65%. Tầm nhìn đến năm 2035 ước dân số khoảng 340.000 – 360.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 62-70%.
Quy mô sử dụng đất đến năm 2025 khoảng 8.633 ha đất xây dựng đô thị. Trong đó, đất dân dụng khoảng 1.639 ha (chỉ tiêu 96.4 m2/người). Đến năm 2035, đất xây dựng sẽ tăng lên 12.920 ha, trong đó đất dân dụng sẽ chiếm 2.335 ha (chỉ tiêu 97.2 m2/người).

Cũng theo phê duyệt của Thủ tướng thì đô thị Nhơn Trạch sẽ phát triển theo mô hình tập trung đơn cực, kết nối liên thông với khu vực đô thị Long Thành bằng tuyến đường 319 kéo dài và hành lang cảnh quan sông Đồng Nai.

Khu vực phát triển mật độ cao bao gồm: toàn bộ vùng đất gò đồi giới hạn bởi các tuyến đường 25A, hương lộ 19 và đường tỉnh 769. Khu vực hạn chế phát triển: xây dựng mật độ thấp thuộc vùng đất thấp trũng dọc các sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Thị Vải… hạn chế sự ảnh hưởng đến thoát nước trong vùng và các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu. Duy trì vùng sinh thái nông nghiệp và bảo tồn vùng rừng ngập mặn.

Ngoài ra, sẽ phát triển mở rộng từ xã Hiệp Phước (đô thị loại V hiện hữu) và trung tâm huyện Nhơn Trạch để hình thành khu vực trung tâm đô thị. Mở rộng khu vực trung tâm đô thị về phía Bắc và phía Đông đến hết ranh giới huyện Nhơn Trạch, về phía Nam đến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, về phía Tây đến đường qua phà Cát Lái đi TP.HCM.

Bốn khu vực đô thị, ba khu vực công nghiệp và một khu vực bảo tồn

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, phân khu vực phát triển không gian đô thị mới Nhơn Trạch được chia thành 8 khu vực trong đó có 4 khu vực phát triển đô thị, 3 khu vực phát triển công nghiệp, cảng và dịch vụ hậu cần cảng, 1 khu vực bảo tồn sinh thái ngập mặn.

Trong đó, khu vực 1 sẽ là khu vực trung tâm thuộc các xã Long Tân, Phú Thạnh, Phú Hội và Vĩnh Thạnh. Tổng diện tích đất khoảng 2.509 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.453 ha với tổng dân số 96.800 người. Khu vực 1 sẽ là trung tâm hành chính – chính trị, văn hóa huyện Nhơn Trạch giai đoạn ngắn hạn. Phát triển đô thị nén với chức năng chính là nhà ở, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, ưu tiên xây dựng các khu nhà ở xã hội, các khu đô thị mới trên tuyến đường 25B, 25C, tạo không gian đô thị lõi làm hạt nhân phát triển đô thị Nhơn Trạch.


Khu đô thị Đông SaiGon là một dự án BĐS lớn tại khu đô thị Nhơn Trạch

Đối với khu vực 2 được quy hoạch là dải đô thị vành đai, thuộc các xã Phước An, Long Thọ, Long Tân, Vĩnh Thạnh, Phú Thạnh, Phú Đông và Đại Phước. Tổng diện tích đất dự kiến 7.608 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 2.019 ha, tổng dân số khoảng 92.500 người. Nơi đây sẽ phát triển các khu chức năng gồm trung tâm hành chính mới, khu trung tâm thương mại dịch vụ, công viên vui chơi giải trí, khu nhà ở xã hội, khu đô thị mới hiện đại và tiếp tục duy trì, lấp đầy cụm công nghiệp Vĩnh Thanh – Phú Thạnh.

Khu vực 3 sẽ là khu dải đô thị ven sông Đồng Nai, thuộc các xã Phước Thiền, Phú Hội, Long Tân và Hiệp Phước. Tổng diện tích đất khoảng 4.523 ha, trong đó đất xây đô thị khoảng 2.724 ha, tổng dân số khoảng 56.700 người.

Với khu vực 4 sẽ là khu dân cư hiện hữu thuộc các xã Phú Hội, Hiệp Phước, Phước Thiền và Long Thọ. Tổng diện tích đất khoảng 1.911 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng đô thị là 898 ha, tổng dân sô khoảng 83.000 – 90.000 người.

Khu vực 5 là khu công nghiệp Nhơn Trạch, thuộc các xã Phước Thiền, Hiệp Phước, Phú Hội, Long Tân, Phước An, Long Thọ. Tổng diện tích khoảng 3.463 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp khoảng 2.538 ha, gồm các nhà máy công nghiệp, khu cây xanh cách ly, trung tâm dịch vụ và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Ngoài ra đất cây xanh cách ly và đất giao thông chiếm khoảng 925 ha.

Khu vực 6 sẽ là vùng sinh thái ven sông Nhà Bè và sông Long Tài thuộc xã Phú Hữu, Phú Đông, Phước Khánh, Vĩnh Thanh và Phước An. Tổng diện tích đất 9.238 ha, trong đó đất xây dựng khu dân cư nông thôn khoảng 484 – 570 ha, dân số khoảng 31.000 – 38.000 người, đất xây dựng khu công nghiệp Ông Kèo, khu vực cảng, đất giao thông, đất du lịch sinh thái khoảng 2.276 ha.

Khu vực 7 gồm khu dịch vụ hậu cần cảng và cảng Phước An thuộc các xã Phước An và Long Thọ. Tổng diện tích khoảng 3.238 ha. Phát triển cảng – hậu cần cảng Phước An gắn với cảng Gò Dầu, Phú Mỹ (Vũng Tàu), diện tích khoảng 558 ha. Duy trì các vùng đệm bảo vệ rừng ngập mặn ven sông Thị Vải.

Cuối cùng, khu vực 8 sẽ là vùng bảo tồn rừng ngập mặn thuộc xã Phước An. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 8.588 ha.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng thì KCN Nhơn Trạch, Ông Kèo và cụm công nghiệp Phú Thịnh – Vinh Thanh sẽ được định hướng để lấp đầy với tổng diện tích 3.460 ha. Xây dựng mới khu du lịch hậu cần cảng Phước An với diện tích 375 ha và hệ thống cảng sông Nhà Bè với tổng diện tích khoảng 183 ha.

Song song đó, định hướng phát triển các khu du lịch sinh thái sẽ có diện tích khoảng 1.175 ha; hình thành các khu đô thị du lịch với diện tích là 1.006 ha tại hai xã Đại Phước và Long Tân. Đồng thời khai thác phát triển du lịch trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Đồng Tranh kết hợp với du lịch miệt vườn và tham quan rừng ngập mặn.

Cũng theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, thiết kế đô thị tại các khu vực trung tâm được xây dựng mô hình đô thị nén với các công trình hỗn hợp, có mật độ xây dựng khoảng 40 – 70%, tầng cao trung bình từ 6 – 8 tầng. Tại khu vực dải đô thị vành đai mật độ xây dựng khoảng 30 – 50%, tầng cao trung bình từ 3 – 6 tầng, xen cài một số công trình điểm nhấn cao trên 20 tầng.

Đối với khu vực dân cư hiện hữu chỉnh trang và dải đô thị ven sông Đồng Nai, mật độ xây dựng khoảng 20-40%, tầng cao trung bình từ 2-3 tầng. Hình thành các không gian cao tầng, chức năng hỗn hợp dọc tuyến đường chính đô thị như tuyến 25B, 25C, đường vành đai 3 và giảm dần mật độ cũng như chiều cao công trình vào các tuyến phố.

Riêng khu cảng, dịch vụ cảng, du lịch – đô thị sinh thái khuyến khích phát triển với mật độ từ 15-25%, kiến trúc thấp tầng hài hòa với cảnh quan sông nước. Tăng mật độ cây xanh và mặt nước, tạo dải cây xanh cách ly khoảng 50 – 150 mét ven sông, 12 – 30 mét ven các kênh rạch, đảm bảo không ảnh hưởng đến thoát nước tự nhiên và tạo môi trường cảnh quan sinh thái.

Liên kế vùng bằng đường sắt cao tốc

Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống đường giao thông ở huyện Nhơn Trạch cũng sẽ là nơi kết nối và đi qua của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt đô thị trên cao Thủ Thiêm – sân bay Long Thành, tuyến đường sắt liên cảng kết nối các khu công nghiệp.
Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên cơ sở kế thừa các tuyến trục chính, xây dựng đường theo lối bàn cờ trên cơ sở hướng trục chính Đông – Tây và Bắc – Nam, và được đấu nối các tuyến cao tốc Long Thành – Giầu Dây, cao tốc Bến Lức – Long Thành và tuyến Vành đai 3 TP.HCM.

Nhiều tuyến đường giao thông đã được xây dựng tại khu vực trung tâm Nhơn Trạch

Đối với đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam; tuyến đường sắt đô thị trên cao Thủ Thiêm – sân bay Long Thành; tuyến đường sắt liên cảng kết nối các khu công nghiệp.

Còn với đường thủy, xây dựng hệ thông cảng biển, cảng sông theo hướng dọc sông Nhà Bè hạn chế xây dựng cảng riêng lẻ, khuyến kích hình thức xây cảng tập trung và khuyến khích xây dựng các cảng đào liên kết với khu vực hậu cần cảng.

Nguồn tin: motthegioi.vn