Đô thị hóa là gì? – DanSo.Org

Đô thị hóa là gì?

Một trong những nét đặc trưng nhất của thời đại hiện nay là hiện tượng đô thị hóa đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới với quy mô lớn và nhịp độ nhanh chưa từng thấy. Cùng với công nghiệp hóa, đô thị hóa được xem như một khía cạnh quan trọng của sự vận động đi lên của xã hội. Vậy đô thị hóa là gì?

Đô thị hóa là một quá trình lịch sử trong đó nổi lên một vấn đề kinh tế – xã hội là sự nâng cao vai trò của thành phố trong việc phát triển mọi mặt của xã hội. Quá trình này bao gồm sự thay đổi trong phân bố lực lượng sản xuất, trước hết là trong sự phân bố dân cư, trong kết cấu nghề nghiệp – xã hội, kết cấu dân số, trong lối sống, văn hóa… theo lãnh thổ. Đó là quá trình tập trung, tăng cường, phân hóa các hoạt động trong đô thị và nâng cao tỉ lệ số dân thành thị trong các vùng, các quốc gia cũng như trên toàn thế giới.

Đồng thời, đô thị hóa cũng là quá trình phát triển của các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị trong dân cư. Đô thị hóa được thể hiện ở một số đặc trưng sau đây:

– Tập trung, tăng cường, phân hóa các hoạt động trong đô thị và nâng cao tỉ trọng dân thành thị, trong tổng dân số.

– Hình thành các hình thức và cấu trúc không gian mới, nhất là phát triển các thành phố lớn và cực lớn.

– Phổ biến rộng rãi lối sống thành thị với mật độ dân cư cao (nhà nhiều tầng, trang thiết bị phong phú).

Trước kia, đô thị hóa chỉ tiến hành trong phạm vi thành phố, ngày nay, quá trình này bắt đầu phổ biến và xâm nhập vào các vùng nông thôn. Ở giai đoạn phát triển đô thị hóa hiện nay, một trong những nét tiêu biểu nhất không chỉ là sự phát triển các thành phố nói chung, mà còn là sự tập trung dân cư vào các thành phố lớn và cực lớn. Chính việc phát triển các thành phố lớn gắn liền với các hình thức quản cư mới và mở rộng lối sống đặc biệt của nó thể hiện rõ nhất quá trình đô thị hóa. Các thành phố kiểu này được nghiên cứu cùng với các dải bao quanh. Đó không chỉ là một thành phố đơn thuần, mà là cả các cụm thành phố, các “đại đô thị” và các “siêu đô thị”. Đây là lí do dẫn đến quan niệm cho rằng, đô thị hóa là việc tập trung đời sống kinh lế và văn hóa tại các trung tâm thành phố lớn, các vùng “lãnh thổ đô thị hóa”.

Các hình thái phân công lao động đều mang tính lịch sử vì vậy đô thị hóa cũng là một hiện tượng có tính lịch sử và phải được xem xét trong một hình thái kinh tế – xã hội cụ thể. Lịch sử của các dân tộc và các quốc gia cổ đại trên thực tế là lịch sử của các thành phố, những thành phố thời ấy đặc trưng bằng hoạt động hành chính, nông nghiệp và buôn bán. Ngày nay, quá trình đô thị hóa là bạn đồng hành với quá trình công nghiệp hóa và luôn được thúc đẩy bởi những thành tựu mới của công nghệ, của khoa học kĩ thuật trước đây chưa từng có.

Đặc điểm của đô thị hóa

a) Số dân đô thị không ngừng gia tăng

Từ khi đô thị xuất hiện đến nay, số dân thành thị liên tục tăng lên với tốc độ nhanh. Đầu thế kỉ XIX, toàn thế giới mới có 29,3 triệu dân thành thị, chiếm khoảng 3% số dân toàn cầu. Bước sang thế kỉ XX, con số này đã lên tới 224,4 triệu, tức là 13,6% dân số thế giới. Vào năm 1950 số dân thành thị đã đạt 706,4 triệu, chiếm 29,2% dân số hành tinh. Hai thập kỉ tiếp theo trong các thành phố đã có 1.371 triệu, đạt 37,1% (1970). Đến năm 1980, số dân đó là 1.764 triệu, chiếm 39,6% dân cư thế giới. Đến năm 1990 dân số ở các thành phố lên tới 2.234 triệu (42,6% dân số thế giới). Sang đầu thế kỉ XXI, người ta dự tính số dân đô thị là 2.854 triệu người chiếm 46,6% dân số trái đất.

b) Sự tập trung dân cư vào các thành phố lớn

Trong vòng 50 năm từ đầu đến giữa thế kỉ XX, số thành phố (từ 10 vạn dân trở lên) tăng từ 360 đến 962, số dân ở đó tăng 5,5% lên 16,2% tổng số dân thế giới, còn số thành phố triệu dân mới là 75. Đến năm 1970, số dân của các thành phố trên 10 vạn người chiếm 23,8% toàn bộ dân thế giới và số thành phố triệu dân tăng lên 162 (vai tổng số 416 triệu người) chiếm 31% tổng số dân đô thị thế giới. Theo dự đoán đến đầu thế kỉ tới sẽ có khoảng 42% dân thành thị sống trong các thành phố triệu dân và 70% tổng số dân thành thị sống ở các khu thành phố lớn.

Từ lâu trên toàn thế giới đã xuất hiện nhiều đô thị cực lớn, tính đến năm 1992, số thành phố này (có từ 10 triệu dân trở lên) là 13.

c) Lãnh thổ đô thị không ngừng mở rộng

Lãnh thổ của các đô thị còn tăng nhanh hơn cả dân số. Trên thế giới, các thành phố chiếm khoảng 3 triệu km2, nghĩa là 2% diện tích lục địa. Ở châu Âu và Hoa Kỳ, thành phố chiếm 5% lãnh thổ. Ở Anh vào đầu thế kỉ mới có 5% diện tích là thành phố, nay đã tăng lên 11% và dự đoán đến đầu thế kỉ tới sẽ đạt tới 25% diện tích của nước đó.

d) Lối sống thành thị ngày càng được phổ biến

Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, lối sống thành thị được phổ biến rộng rãi và có ảnh hưởng đến lối sống của dân cư nông thôn, về một số mặt, lối sống của dân cư nông thôn đang nhích lại gần lối sống của dân cư thành thị. Một trong những lí do dẫn tới những thay đổi về lối sống là sự chuyên môn hóa lao động. Mặc dù nông nghiệp vẫn còn là hoạt động cơ bản của dân cư nông thôn, nhưng tỉ lệ công việc đồng áng trong cơ cấu công việc của họ nói chung giảm xuống tỉ lệ công việc phi nông nghiệp tăng lên rõ rệt. Tỉ trọng dân cư nông thôn làm việc hằng ngày tại các thành phố mà không chuyển cư ngày càng tăng.

Như vậy, những người dân “nửa đô thị” này tạo thành một “kênh dẫn” đưa lối sống thành thị vào nông thôn. Ngoài ra việc nông thôn ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn của các phương tiện giao thông và các phương tiện thông tin đại chúng cũng làm cho lối sống đô thị có điều kiện phổ biến rộng hơn.