Đỏ mắt tìm taxi, xe công nghệ
Thay vì chỉ cần đợi 5-10 phút như trước, nhiều người dùng tại Hà Nội và TP.HCM phản ánh việc tốn quá nhiều thời gian để tìm phương tiện di chuyển.
Di chuyển hàng ngày bằng xe công nghệ nên Phương Uyên (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cảm nhận rõ tình trạng khó đặt xe dạo gần đây. Trước đây, Uyên chỉ cần mở app sau khi khóa cửa nhà, thời gian chờ thang máy và đi bộ ra sảnh vừa kịp lúc tài xế đến.
Tuy nhiên vài tuần qua, sau không ít lần trễ giờ làm vì khó tìm được xe, Uyên buộc phải đặt từ lúc bắt đầu trang điểm.
“Mới đầu tôi nghĩ do mình sống và làm việc ở TP Thủ Đức nên ít tài xế, nhưng nhiều hôm có việc ở quận 1, quận 3 mà cả chiều đi lẫn chiều về đều mòn mỏi chờ tài xế. Dù gọi xe máy hay ôtô, ở app nào, tôi đều phải đặt 2-3 lần mới có tài xế nhận cuốc, sau đó đợi thêm 10-15 phút tài xế mới đến điểm đón”, Phương Uyên chia sẻ.
Xuất hiện tình trạng người dùng nhọc nhằn tìm dịch vụ di chuyển. Ảnh: Thạch Thảo.
Khó gọi ngay cả giờ thấp điểm
Nữ nhân viên văn phòng này kể thêm, tối 2/6 (thời điểm TP.HCM mưa lớn), dù phải đứng đợi suốt nửa tiếng, cô vẫn không tìm được bất kỳ tài xế nào trên nhiều ứng dụng như Grab, Gojek, Be, Vinasun hay Mai Linh. Thậm chí số điện thoại gọi xe của các hãng taxi truyền thống này đều bận.
Sau cùng, một tài xế Grab nhận cuốc và mất 20 phút để đến đón Uyên. Tổng cộng, người dùng này tốn gần một tiếng mới có thể bắt đầu lên xe di chuyển.
Từng trải qua nhiều lần sốt ruột đứng vỉa hè chờ tài xế, Diệu Thanh (27 tuổi, trú tại TP.HCM) cho biết đôi khi chờ được 5-10 phút rồi thì tài xế hủy chuyến. Khi Thanh vào app đặt lại, giá cước bỗng tăng thêm vài chục nghìn đồng.
“Tôi hơi choáng với giá xe công nghệ, taxi những ngày gần đây, thậm chí các app khác nhau chênh lệch giá gần gấp đôi. Nhưng điều bực bội hơn là kể cả khi chấp nhận giá cao, tôi cũng khó tìm được tài xế chịu nhận cuốc”, Thanh nói.
Ngoài TP.HCM, nhiều người dùng ở Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Đáng chú ý, việc khó gọi xe xuất hiện bất kể khung giờ cao hoặc thấp điểm, đặc biệt nhọc nhằn với người dùng sinh sống quanh đô thị, chung cư mới hay khu vực bên kia sông Hồng.
Đơn cử như Trung Hiếu (25 tuổi, sinh sống tại khu đô thị Vinhome Ocean Park), hiểu rõ hạn chế về vị trí, mỗi khi có nhu cầu, anh đều phải đặt xe trước 15 phút. Có thời điểm, người dùng này phải đợi 15 phút mới có tài xế và mất thêm 10 phút nữa để tài xế đến điểm đón.
“Tôi thường đặt cùng lúc 2 app, app nào có tài xế nhận trước thì đi trước. Hầu hết là cuốc đi vào phố, giá cước cao nên tôi nghĩ không có chuyện tài xế ngại nhận được. Đấy mới là xe máy, gọi ôtô còn lâu hơn nữa”, anh Hiếu cho biết ngược lại, việc đặt xe chiều về từ trong trung tâm đơn giản và nhanh chóng hơn.
Nhu cầu di chuyển của người dùng đang chênh lệch với khả năng đáp ứng dịch vụ của các hãng. Ảnh: Thạch Thảo.
Tài xế thiếu động lực
Chia sẻ với Zing, một số tài xế công nghệ phàn nàn việc thời tiết Hà Nội thường xuyên chuyển biến xấu kèm giá xăng tăng cao khiến họ mất động lực ra đường, từ đó suy giảm năng suất. Bên cạnh đó, yếu tố tiêu cực của thị trường còn thay đổi thói quen hoạt động của cánh tài xế.
Theo kỳ điều chỉnh từ ngày 1/6, giá xăng E5 Ron 92 đã tăng thêm 600 đồng/lít lên 30.230 đồng/lít, xăng Ron 95 tăng 920 đồng/lít lên 31.570 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 5 liên tiếp và đợt tăng thứ 11 của loại nhiên liệu này trong 6 tháng đầu năm 2022, đẩy giá xăng lên mức cao lịch sử.
Trước tình hình này, Phi Sơn (31 tuổi, tài xế của một ứng dụng công nghệ có 2 năm kinh nghiệm) cho biết để tối ưu lợi nhuận, anh em tài xế thường tập trung ở những khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại nhằm nhận được nhiều cuốc hơn.
Song song, một số tài xế bắt đầu chuyển sang chạy dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn do nhận thấy nhu cầu của khách hàng tăng cao khi bước vào hè. Một phần, việc chạy ship đồ ăn giúp tài xế không phải di chuyển ra quá xa địa bàn.
“Thời tiết nóng nực họ ít gọi xe, nếu gọi thì chủ yếu ưu tiên ôtô. Ví dụ như nhân viên văn phòng, họ ngại ra đường buổi trưa nên các đơn hàng ship đồ ăn sẽ nhiều hơn, nhu cầu ăn uống vặt cũng cao hơn”, anh Sơn trình bày.
Ngoài ra, theo tài xế, việc thời gian hoàn thành cuốc của các tài xế bị kéo dài vào khung giờ tan tầm do vấn đề giao thông cũng có thể là lý do khiến người cần dịch vụ khó tìm xe hơn.
Để hỗ trợ chi phí cho đối tác, 3 ứng dụng gọi xe tiêu biểu là Grab, Gojek và be đã bắt đầu điều chỉnh giá cước từ đầu năm. Tuy nhiên, bất chấp giá xăng tiếp tục tăng cao, các ứng dụng chỉ tăng giá cước thêm 1.000-2.000 đồng, ước chừng 5%.
Bảng giá cước di chuyển cơ bản bằng xe hai bánh của Grab, Gojek, Be hiện nay (đơn vị: đồng)
Grab Gojek Be Hà Nội Cước 2 km đầu 13.500 13.000 14.000 Mỗi km tiếp theo 4.300 5.100-6.000 (2 km-4 km), 4.700-5.500 (trên 4 km) 4.900 TP.HCM Cước 2 km đầu 12.500 11.000-13.000 11.500 Mỗi km tiếp theo4.3005.200-5.600 (2 km-8km), 4.500-5.000 (trên 8 km)4.200
Mất cân bằng cung – cầu
Trả lời Zing xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Việt Linh – Giám đốc Truyền thông tại be – cho biết nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân trong giai đoạn kinh tế phục hồi sau đại dịch đang tăng cao. Trong những tháng 4,5 vừa qua, be đã có những thời điểm đạt số chuyến đi kỷ lục kể từ khi bắt đầu dịch vụ từ năm 2018. Theo đó, có những thời điểm nhất định trong ngày như các khung giờ cao điểm, việc khó tìm được tài xế là điều không thể tránh khỏi.
Bà Nguyễn Vân Chi – Giám đốc Truyền thông Gojek Việt Nam – cũng thừa nhận có sự mất cân bằng giữa nguồn cung tài xế và nhu cầu của người dân. Hãng cho biết đang theo dõi biến động thị trường để có giải pháp điều chỉnh mức giá cũng như phân bổ nguồn cung phù hợp.
Việc các đối tác hoạt động ổn định đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng cung – cầu, từ đó giúp ổn định mức giá cho người dùng và tránh ảnh hưởng đến khả năng nhận đơn hàng mới của đối tác tài xế
Đại diện Gojek
Thực tế, bà cho biết từ sau Tết đến nay, nguồn cung tài xế của Gojek vẫn duy trì ở mức ổn định, với lượng tài xế mới đăng ký tiếp tục tăng đều.
Đồng quan điểm, đại diện be khẳng định luôn bổ sung mức các chương trình hỗ trợ thu nhập và chế độ phúc lợi cho tài xế, đồng thời mở rộng phát triển mạnh thêm các dịch vụ như giao hàng, giao đồ ăn để tài xế có thể kiếm thêm thu nhập, yên tâm phục vụ khách hàng thường xuyên hơn.
Đối với tình trạng giá xăng, bà Chi lưu ý giá cước của Gojek được tính toán trên cơ sở mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dùng, đồng thời đảm bảo cho các đối tác tài xế của Gojek nhận về khoản thu xứng đáng với thời gian và công sức bỏ ra. Thời gian tới, hãng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường và có các phương án cân chỉnh sao cho giá cước hợp lý và mang tính cạnh tranh.
Trong khi đó, Grab cho biết cũng đang triển khai một số chương trình thưởng và ưu đãi để hỗ trợ đối tác có thêm cơ hội tăng thu nhập, doanh thu. Song song, Grab đang triển khai những chương trình khuyến mại để người dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn, mang đến thêm đơn hàng cho đối tác.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các biến động của thị trường để có thể thực hiện những chương trình phù hợp trên cơ sở cân bằng lợi ích cho đối tác và người dùng”, đại diện hãng chia sẻ.
Còn với các hãng taxi, điều dễ nhận thấy là số lượng taxi đã giảm đi rõ rệt, đặc biệt là tại TP.HCM.
Theo báo cáo tài chính công bố hồi đầu năm, tính đến cuối 2021, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) chỉ còn 1.877 nhân viên, giảm hơn 2.500 người so với đầu năm. Hiện hãng cũng mới chỉ bù đắp được thêm hơn 500 tài xế.
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết số xe hiện có là 2.071 xe. Dự kiến đến cuối năm 2022, số xe công ty thực hiện hợp tác kinh doanh là 900 chiếc; hoạt động kinh doanh là 2.621 chiếc.
Đại diện Taxi Mai Linh cho biết hãng có 1.300 xe nhưng hiện có khoảng 500 xe không có tài xế (khoảng 40%). Việc thiếu lái xe khiến hãng chỉ phục vụ được 60-70% nhu cầu.