Đo lường và các cơ sở đo lường trong kế toán?

Đo lường là nội dung cơ bản và lâu đời của hoạt động kế toán, để ghi nhận các đối tượng kế toán, có thể sử dụng các đơn vị đo lường hiện vật khác nhau như trọng lượng, thể tích, chiều dài, cái, bộ…Tuy nhiên, để có thể tổng hợp toàn bộ thực trạng tài chính và hoạt động của doanh nghiệp …

1. Khái niệm về đo lường và các cơ sở đo lường trong kế toán

1.1 Khái niệm về đo lường

Đo lường là nội dung cơ bản và lâu đời của hoạt động kế toán, để ghi nhận các đối tượng kế toán, có thể sử dụng các đơn vị đo lường hiện vật khác nhau như trọng lượng, thể tích, chiều dài, cái, bộ…Tuy nhiên, để có thể tổng hợp toàn bộ thực trạng tài chính và hoạt động của doanh nghiệp thì kế toán cần có một thước đo chung- đó là thước đo tiền tệ. Như vậy, đo lường là một phương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ để đo lường các đối tượng kế toán theo những nguyên tắc nhất định. Có rất nhiều khái niệm về đo lường, tác giả tìm hiểu một số khái niệm tiêu biểu như: lý thuyết đo lường của Noman Campell, 1938, “ đo lường là xác định dữ liệu thể hiện đặc tính của hệ thống vật chất theo các quy định pháp luật có liên quan”, theo IASB “Conceptual Framework for Financial Reporting 2010” đã nêu: “ đo lường bao hàm việc quy đổi thành tiền các yếu tố cần được ghi nhận và trình bày trên báo cáo tài chính” và nổi bật là định nghĩa về đo lường của IASB trong Conceptual Framework dự thảo 2015 [Conceptual Framework – IASB.F6.2] “ Đo lường là một quá trình định lường bằng tiền tệ của các thông tin về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, thu nhập và chi phí bằng một cơ sở đo lường được quy định”.

Đo lường và các cơ sở đo lường trong kế toán?

1.2 Các cơ sở đo lường trong kế toán

Theo Vũ Hữu Đức, 2010, có 4 cơ sở đo lường trong kế toán: kế toán giá gốc (historical cost accounting); kế toán theo mức giá chung (general price-level accounting); Kế toán giá hiện hành (current cost accounting); Kế toán giá đầu ra ( exit price accounting).

Kế toán giá gốc (historical cost accounting): Kế toán giá gốc dựa trên giá mua vào quá khứ để ghi nhận các giao dịch và lập báo cáo tài chính, đây là hệ thống định giá truyền thống , trong thời kỳ khoa học cơ bản, các cơ sở lý luận của hệ thống này được hình thành và cho đến nay, hệ thống kế toán giá gốc vẫn còn giữ vai trò chủ yếu trong các thông lệ và chuẩn mực kế toán.

Kế toán giá gốc đã thực hiện rất tốt chức năng cung cấp thông tin hữu ích và đáng tin cậy cho người sử dụng báo cáo tài chính tại các quốc gia trong nhiều năm qua, tuy nhiên, trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu, kế toán giá gốc đã bộc lộ nhiều hạn chế:

– Tài sản thuần nếu tính theo giá gốc sẽ không phản ánh được giá trị khoản đầu tư tại thời điểm hiện tại, kế toán giá gốc phản ánh sự tăng trưởng của tài sản thuần theo giá trị tiền danh nghĩa nhưng không phản ánh sự tăng trưởng này tính theo sức mua hay năng lực hoạt động.

– Trong thời kỳ giá cả tăng lên do lạm phát, lợi nhuận tính theo giá gốc sẽ cao hơn lợi nhuận tính theo giá hiện hành, điều này dẫn đến nhà quản lý có thể quyết định chia cổ tức vượt khỏi “ lợi nhuận thực” và “ ăn dần vào vốn”.

– Theo quan điểm của Sterling “giá gốc không phải là nguyên lý cơ bản của kế toán; nó là một thứ phái sinh của nguyên tắc thận trọng trong đánh giá”.

1.3 Kế toán theo mức giá chung (general price-level accounting)

Kế toán theo mức giá chung dựa trên chỉ số giá điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm loại trừ ảnh hưởng của biến động giá, đặc biệt là lạm phát, kế toán theo mức giá chung phát triển trong giai đoạn lạm phát gia tăng trên thế giới vào những năm thuộc thập niên 1960-1970 và hiện nay vẫn còn được áp dụng ở một số quốc gia có lạm phát cao. Nhìn chung, kế toán theo mức giá chung cho phép đưa tất cả các khoản mục trên báo cáo tài chính về cùng một đơn vị tiền tệ theo sức mua tại cùng một thời điểm xem xét, điều này làm tăng khả năng so sánh được giữa các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp với nhau, tuy nhiên kế toán theo mức giá chung có nhiều nhược điểm:

– Việc sử dụng một chỉ số giá chung để điều chỉnh là không phù hợp vì các tài sản khác nhau có mức độ thay đổi giá khác nhau

– Các doanh nghiệp thuộc những ngành khác nhau có thể chịu ảnh hưởng lạm phát ở những mức độ khác nhau

– Phân biệt các khoản mục tiền tệ và phi tiền tệ trên thực tế là khó khăn như các khoản thuế hoãn lại, trái phiếu chuyển đổi….

1.4 Kế toán giá hiện hành (current cost accounting)

Kế toán giá hiện hành dựa trên giá hiện hành hay còn gọi là giá thay thế của tài sản để lập báo cáo tài chính và xác định lợi nhuận. Giá hiện hành đã được đề cập rất sớm trong trong kế toán nhưng chỉ được trình bày một cách hệ thống với các cơ sở lý luận đầy đủ vào thời kỳ quy chuẩn, song song với việc phê phán giá gốc, giá hiện hành cũng ảnh hưởng đến thực tiễn kế toán ở một số quốc gia trong thời kỳ lạm phát cao như một giải pháp thay thế cho kế toán dựa trên mức giá chung. Tuy nhiên bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì kế toán theo giá hiện hành cũng còn tồn tại những vấn đề:

– Tài sản dài hạn được nắm giữ để sử dụng chứ không phải để bán, nên việc tăng giá của tài sản này không có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, ghi nhận khoản thu nhập do tăng giá trong trường hợp này là không phù hợp

– Đối với các tài sản đã qua sử dụng, khó tìm một thị trường hoạt động để xác định giá trị của chúng

1.5 Kế toán giá đầu ra ( exit price accounting)

Kế toán giá đầu ra dựa trên giá bán trên thị trường để đo lường và đánh giá tình hình tài chính cũng như kết quả hoạt động của doanh nghiệp, kế toán giá đầu ra đặt nền móng cho hướng phát triển kế toán theo thị trường (mark – to – market accounting) sau này. Tuy có nhiều ưu việt song kế toán giá đầu ra vẫn còn nhiều tranh luận:

– Trong nghiên cứu của Bell (1971) cho rằng việc đánh giá tài sản theo giá đầu ra và ghi nhận vào kết quả hoạt động sẽ thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đến việc tối đa hóa giá trị tương đương tiền của tài sản trong ngắn hạn hơn là tập trung vào kinh doanh

– Giá đầu ra nhấn mạnh đến giá trị trao đổi mà bỏ qua giá trị sử dụng, một số tài sản được sử dụng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mặc dù không có giá trị thị trường

– Việc xác định dựa trên giá bán trên thị trường khó xác định một cách khách quan.

Nhìn chung, Kế toán sử dụng pha trộn hỗn hợp nhiều loại giá khác nhau, ngoài giá gốc, giá hiện hành còn có giá trị thuần có thể thực hiện (net realizable value), hiện giá ( present value)…, những hệ thống đo lường giá khác nhau đã hình thành và có tác động nhất định đến thực tiễn kế toán, tuy nhiên các hệ thống này vẫn chưa thuyết phục hoàn toàn được xã hội và các tổ chức lập quy nên phần lớn chúng chỉ tồn tại trong một giai đoạn nhất định ở một số quốc gia, Tuy vậy, quá trình nghiên cứu các hệ thống đo lường tạo tiền đề cho quá trình nghiên cứu tiếp tục để tìm ra phương pháp đo lường khác để bổ sung hoặc thay thế cho giá gốc, và hiện nay giá trị hợp lý được bàn đến như một hướng đi mới của đo lường trong kế toán.

2. Tổng quan về giá trị hợp lý (GTHL)

2.1 Lịch sử hình thành phát triển và khái niệm GTHL

Theo nghiên cứu của Omiros Georgiou và Lisa Jack (2011), sự ra đời và phát triển của GTHL được chia thành 3 giai đoạn phát triển như sau:

Giai đoạn 1850-1970: giai đoạn tự phát của giá thị trường

Sau Đại khủng hoảng, giá gốc giữ vị trí thống trị trong kế toán tại Mỹ, giá thị trường được bàn đến trong các nghiên cứu dưới các hình thức giá trị thuần có thể thực hiện được, giá hiện hành, giá đầu ra…

Đây là giai đoạn nền kinh tế tự do , phát triển một cách mạnh mẽ, sự giao thương giữa các quốc gia ngày càng được gia tăng, trao đổi hàng hóa giữa các châu lục được mở rộng, các quốc gia phát triển sớm như Mỹ, các nước Tây Âu tích cực sản xuất hàng hóa đưa đi khắp nơi trên thế giới, hàng hóa được sản xuất ở nhiều nơi, chất lượng các nơi không đồng đều nhau, thời gian chuyên chở đi các khu vực trên thế giới cũng khác nhau thế nên giá cả các loại hàng hóa trong nước và ngoài nước có sự chênh lệch, thậm chí cùng là một loại mặt hàng nhưng do Mỹ sản xuất thì giá khác, Anh hay Pháp sản xuất thì giá khác, từ đó khái niệm giá thị trường được hình thành.

Giai đoạn 1970 – 1990: giai đoạn chính thức hình thành GTHL

Lạm phát khiến giá thị trường được quan tâm và các chuẩn mực liên quan được ban hành tại Mỹ.

Sau khủng hoảng về Vay và Tiết kiệm (Saving & Loans Crisis 1980), giá thị trường bắt đầu được áp dụng cho một số khoản đầu tư chứng khoán tại Mỹ, GTHL xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ, được đề cập đến trong báo cáo về ý kiến của Ủy Ban Nguyên Tắc Kế toán số 16 (APB Opinion 16) để ghi nhận lợi thế thương mại, ghi nhận giá trị của tài sản có được do hợp nhất:

APB Opinion 16 – Hợp nhất doanh nghiệp “ tất cả tài sản, nợ phải trả có được trong hợp nhất doanh nghiệp nên được ghi nhận tại GTHL của chúng tại ngày mua”.

APB Opinion 17 –Tài sản vô hình “ sự khác nhau giữa GTHL và chi phí sẽ được coi như lợi thế thương mại”.

Sau khi xuất hiện, GTHL tiếp tục được thừa nhận và phạm vi sử dụng của GTHL dần dần được mở rộng hơn, GTHL được bắt đầu quan tâm và áp dụng của nhiều nước cũng như của IASB, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực: dầu khí, truyền hình, ngân hàng,

bảo hiểm …., song song với đó, cũng có những hướng dẫn hạn chế về cách xác định và trình bày GTHL trên BCTC. Nhìn chung, trong giai đoạn này, GTHL xuất hiện để áp dụng cho lợi thế thương mại và tài sản có được do hợp nhất, sau đó, GTHL được mở rộng để áp dụng cho một số chứng khoán và giao dịch phi tiền tệ, công cụ tài chính, thuê tài sản.

Giai đoạn 1990- 2005: giai đoạn phát triển của GTHL

Từ năm 1991-2000: sự phát triển và mở rộng được đánh dấu bằng các chuẩn mực của Mỹ: FASB Statement 107 (năm 1991) công bố về GTHL của công cụ tài chính, FASB Statement 141 – Hợp nhất doanh nghiệp, FASB Statement 142 – Lợi thế thương mại và Tài sản vô hình …các chuẩn mực này đã đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn và GTHL. Lúc này, chuẩn mực kế toán của Mỹ cũng như chuẩn mực kế toán quốc tế đã bắt đầu sử dụng GTHL cho việc đánh giá sau ghi nhận ban đầu.

Trong giai đoạn này, GTHL được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành, nhiều khoản mục làm xuất hiện sự lo lắng về độ tin cậy của GTHL do những hướng dẫn về GTHL vẫn chưa có sự thống nhất chung và có nhiều mâu thuẫn trong các công bố.

Từ năm 2000 đến 2004: để giải quyết những vấn đề của GTHL, FASB và IASB đã bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết của GTHL.

Năm 2004, sự phát triền mạnh mẽ của GTHL được chứng minh bằng Dự thảo chuẩn mực về GTHL của FASB, GTHL được bắt đầu nghiên cứu vào năm 2003 và sau nhiều lần thảo luận Dự Thảo được tuyên bố chính thức vào tháng 06 năm 2004. Bên cạnh đó, chuẩn mực kế toán quốc tế số 545- kiểm toán xác định và công bố GTHL – hướng dẫn kiểm toán GTHL cho các BCTC bắt đầu từ năm 2004 cũng đã cho thấy sự phát triển của GTHL.

Giai đoạn 2005 đến nay: đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất và dẫn đến sự ra đời của chuẩn mực đo lường GTHL.

Sau khi ban hành dự thảo Chuẩn mực về GTHL vào năm 2004, vào năm 2006 FASB ban hành SFAS 157 Chuẩn mực đo lường GTHL

Năm 2011 IASB và FASB đã ban hành hướng dẫn mới về việc đo lường, trình bày và công bố thông tin về GTHL (IFRS 13) được cập nhật trên chủ đề 820 (Topic 820) của FASB (trước đây là SFAS 157) hoàn thành một dự án hội tụ lớn của IFRSs và US GAAP.

Trong thời gian qua, GTHL được sử dụng trong các chuẩn mực kế toán và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế với nhiều cách thức khác nhau gắn với từng chuẩn mực cụ thể:

IAS 16, 1982 đưa ra khái niệm, GTHL là giá trị mà một tài sản có thể được trao đổi giữa một người mua có hiểu biết, tự nguyện với một người bán có hiểu biết, tự nguyện trong một giao dịch song phẳng.

IFRS 2 cho rằng: GTHL là giá trị mà một tài sản có thể được trao đổi, một khoản phải trả được thanh toán hay một công cụ vốn được chuyển nhượng giữa các bên hiểu biết, tự nguyện trong một giao dịch sòng phẳng.

Nhìn chung, các chuẩn mực kế toán (IAS) và chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đều sử dụng khái niệm: Gía trị hợp lý là mức giá mà một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ hiểu biết trong một giao dịch ngang giá.

Hiện nay khái niệm theo IFRS 13 được xem là khái niệm đầy đủ và mới nhất về GTHL.

“GTHL là giá trị có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc có thể được thanh toán để chuyển giao một khoản nợ phải trả trong một giao dịch bình thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường” Fair value as the price that would be received to sell an asset or paid to transfer a liability in an oderly transaction between market participants at the measurement date(IFRS 13, đoạn 9)

Trong đó:

Giá có thể nhận được khi bán: IFRS 13 khẳng định GTHL dựa trên quan điểm giá đầu ra không phải giá đầu vào.

Các bên tham gia thị trường: là người mua, người bán thị trường chính (hay thị trường nhiều thuận lợi) đối với tài sản hay nợ phải trả:

– Độc lập với đơn vị báo cáo, vì vậy họ không phải là các bên liên quan.

– Hiểu biết lẫn nhau, có sự hiểu biết một cách hợp lý về tài sản hay nợ phải trả và giao dịch trên thông tin hoàn toàn sẵn có.

– Có đủ năng lực đối với giao dịch tài sản hay nợ phải trả.

– Sẽ giao dịch với tài sản hay nợ phải trả, vì vậy họ sẽ thúc đẩy mà không phải bị ép buộc hay nói cách khác là buộc phải thực hiện giao dịch đó.

Thị trường:thị trường chính (hay thị trường có nhiều thuận lợi): đo lường GTHL giả sử rằng giao dịch để bán tài sản hay thanh toán nợ phải trả diễn ra trên thị trường chính của tài sản hay nợ phải trả, trong trường hợp không có thị trường chính thì chọn thị trường mà có nhiều thuận lợi đối với tài sản hay nợ phải trả . IFRS 13 cũng giải thích cụ thể:

– Thị trường chính là thị trường mà ở đó doanh nghiệp báo cáo có thể bán được tài sản hay thanh toán nợ phải trả với giá trị lớn nhất và mức độ linh hoạt của tài sản và nợ phải trả lớn nhất.

– Thị trường nhiều thuận lợi là thị trường mà ở đó đơn vị báo cáo sẽ bán được tài sản với giá tối đa mà có thể nhận được từ tài sản và giá trị tối thiểu sẽ phải thanh toán cho khoản nợ phải trả khi xem xét chi phí giao dịch trong các thị trường tương ứng.

2.2 Ý nghĩa đo lường GTHL

Như đã trình bày ở phần cơ sở đo lường, các cơ sở tính giá khác như giá gốc và giá hiện hành…đều có tính cá biệt, đều chịu ảnh hưởng của các điều kiện cụ thể của doanh nghiệp nhưng giá trị hợp lý chịu ảnh hưởng của thị trường, vì vậy với các tài sản tương tự được phản ánh bởi các doanh nghiệp khác nhau trên cùng thị trường thì GTHL được xác định như nhau, do đó, kế toán theo GTHL đảm bảo tính thích hợp, khách quan,trung thực, so sánh. Theo xu hướng phát triển chung của thế giới thì GTHL rất thiết thực và nên áp dụng, bởi trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, môi trường kinh doanh luôn thay đổi và vấn đề lạm phát là tất yếu, thông tin về giá trị tài sản trên báo cáo tài chính nếu chỉ trình bày theo giá gốc sẽ không thích hợp đối với các đối tượng sử dụng thông tin.

Cơ sở hình thành của kế toán theo giá trị hợp lý xuất phát trực tiếp từ nhu cầu sử dụng thông tin của xã hội và hạn chế của những phương pháp kế toán trước đó. Nhìn từ góc độ lý thuyết kế toán, khi tất cả các tài sản được đo lường với cùng một cơ sở định giá, giá gốc hay giá thị trường, thì điều này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin dễ hiểu hơn cho các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, việc áp dụng các cơ sở định giá tài sản theo giá thị trường thay thế dần nguyên tắc giá gốc tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây cho thấy xu thế định giá tài sản trên báo cáo tài chính đang hướng đến giá trị hợp lý, kết hợp nhiều loại giá khác nhau nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu thông tin của người sử dụng và tạo thuận lợi cho công tác kế toán.Vì thế, kế toán theo giá trị hợp lý là một lựa chọn tất yếu.

2.3 Lợi ích và rủi ro của đo lường GTHL

Giá trị hợp lý phát triển mạnh trong kế toán, nhất là trong các hoạt động liên quan đến công cụ tài chính, tạo thành một trào lưu kế toán theo giá trị hợp lý hay theo thị trường. Những ưu điểm của Giá trị hợp lý và lợi ích của sử dụng Giá trị hợp lý là không thể phủ nhận. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh sau: (1) Giá trị hợp lý phản ánh được những thay đổi của thị trường; (2) Những giả định dùng để ước tính Giá trị hợp lý có thể được xác định và kiểm chứng, ngày càng mang tính khách quan hơn với sự phát triển của hệ thống thông tin và sự phát triển của các thị trường chuyên ngành, cũng được yêu cầu công bố, vì vậy khả năng lạm dụng GTHL được hạn chế đáng kể; (3) Các mô hình định giá cho những trường hợp không có giá thị trường hiện đang phát triển và từng bước hoàn thiện.

Bên cạnh những lợi ích của GTHL trong đo lường kế toán, GTHL cũng còn tồn tại những rủi ro: tính tin cậy của thông tin đặc biệt là trong trường hợp không có dữ liệu quan sát trực tiếp về giá cả của thị trường để xác định GTHL, tính chủ quan và thiếu độ tin cậy về việc đo lường GTHL có nguy cơ cao khi thực hiện các điều chỉnh trên cơ sở xét đoán và giả định của đơn vị báo cáo. Thêm nữa, cơ sở pháp lý và những chi phí bỏ ra để xác định GTHL ở những nước đang phát triển là rất khó khăn, trong trường hợp hoạt động của thị trường không hiệu quả, có thể dẫn đến thông tin tài chính bị bóp méo ảnh hưởng tiêu cực đến các quyết định của người sử dụng thông tin.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật Minh Khuê