Đồ dùng dạy học tự làm: Khi thầy, cô cùng tự học và sáng tạo

Triển lãm thiết bị dạy học rất cần sự góp mặt các sản phẩm do chính thầy cô sáng tạo thiết kế

Cùng với những thiết bị dạy học tối thiểu được trang bị mỗi đầu năm học, phong trào tự làm đồ dùng dạy học (ĐDDH) của giáo viên đã góp phần quan trọng vào sự thành công của việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều thầy cô giáo đã biết tận dụng những vật liệu sẵn có để sử dụng và làm ra ĐDDH hấp dẫn, sinh động, giúp học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về bài học. Thậm chí, có những ĐDDH tự làm của giáo viên có tác dụng hỗ trợ tích cực cho học sinh khuyết tật trong quá trình học tập.

Ngôn ngữ của đôi bàn tay

Không giống như các trường phổ thông khác, phòng thư viện – thiết bị của Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) trông rất vui mắt. Các lược đồ, bản đồ đều được đắp nổi xốp, rất nhiều mô hình hình học như tam giác, hình bình hành, hình thoi, đường trung tuyến, trung trực, góc… những khái niệm mà với học sinh sáng, các em hầu như đã có sẵn về ý niệm, sự vật. Cô Lê Thị Tuyết Mai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các thiết bị sản xuất dành cho học sinh khiếm thị hầu như là rất ít. Thế nên, muốn giờ dạy đạt được hiệu quả, không còn cách nào khác, giáo viên phải tự làm ĐDDH. Các em đã mất đi một giác quan trọng để thu nhận thế giới xung quanh nên dụng cụ trực quan hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp học sinh nhận biết. Để hình thành cho học sinh khiếm thị những khái niệm mới là một công việc khá phức tạp; từ ngữ chuẩn theo từ điển để định nghĩa, mô tả, tìm ra dấu hiệu đặc trưng và quan trọng hơn cả là phải loại bỏ những dấu hiệu ngộ nhận”. Trong giờ sinh hoạt chuyên môn của tổ mầm non, tiểu học của trường, có thêm thời gian để giáo viên làm ĐDDH. Trong kho học liệu của Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, vì thế, luôn luôn có sẵn giấy nhám, xốp, bitis, hộp kem, vỏ xà phòng… để “sản xuất” ĐDDH.

“Đối với một trường chuyên biệt như chúng tôi, chiếm hết một nửa thành công của tiết dạy là vai trò của ĐDDH, thế nên phương châm của hội đồng giáo viên là phải làm sao để nâng cao hiệu suất sử dụng một bộ đồ dùng. ĐDDH vừa phải đơn giản, dễ hiểu, dễ hình dung nhưng phải có tính đa năng để vừa giảm bớt thời gian đầu tư, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất” – cô Mai cho biết. Chỉ với khoảng 60.000 đồng, cô giáo Nguyễn Thị Dạ Thảo đã làm nên bộ đồ dùng đa năng có thể sử dụng để giảng dạy cho các môn học như Toán, Làm quen chữ cái, Môi trường xung quanh, Tự nhiên xã hội và Tiếng Việt. Thông qua việc sờ, cảm nhận được những con búp bê, thú được tạo hình từ vải, sợi len, xốp, dây lác…, học sinh có thể vừa đếm, nhận biết tên gọi, chất liệu, công dụng của đồ vật, so sánh số lượng, to nhỏ… Theo cô Thảo, hộp đồ dùng này vừa giúp cho học sinh phát triển khả năng xúc giác vừa tạo điều kiện cho các em phát triển vốn từ.

Gần 10 năm giảng dạy môn Toán cho học sinh bậc trung học tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Nguyễn Duy Quy được nhắc đến như một tấm gương về sự tâm huyết và sáng tạo trong phong trào tự làm ĐDDH. “Để đảm bảo chất lượng cho các tiết dạy có những hình ảnh để minh hoạ, tôi phải dành rất nhiều thời gian chuẩn bị các hình vẽ. Cứ mỗi hình vẽ trên giấy bìa cứng bằng bảng lưới hoặc bảng braille mất từ 3 – 5 phút, và chỉ dùng được một lần”. Trong quá trình giảng dạy, để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, thầy Duy đã cố gắng để làm ra nhiều đồ dùng dạy học như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng, nhưng cũng chỉ sử dụng được trong một chương, sang chương khác lại phải làm mới hoàn toàn. Sau nhiều thời gian mày mò thử nghiệm, thầy Duy đã chế tạo ra Bảng từ dạy học môn Toán. Với bộ ĐDDH gọn nhẹ, phục vụ hầu hết cho chương trình học toán ở bậc THCS và một số bộ môn khác, thầy Duy đã đạt giải thưởng trong nhiều hội thi ở các cấp. Từ bảng từ, thầy Duy đã sáng chế thêm bảng lưới và các dụng cụ lắp ghép, vẽ hình môn Toán, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian vẽ hình, nhất là các hình tròn.

Cần sẻ chia, nhân rộng ĐDDH tự làm

Từ phong trào làm ĐDDH của các đơn vị cơ sở, Sở GD&ĐT đã tổ chức triển lãm và hội thi ĐDDH của toàn ngành. Ngoài các panô giới thiệu về những hoạt động tự làm ĐDDH, các hoạt động sử dụng ĐDDH tại đơn vị, trường học còn có 421 sản phẩm được trưng bày và dự thi. Hầu hết các sản phẩm đều đảm bảo tính khoa học, đáp ứng mục tiêu dạy học của các cấp học, dễ lắp ráp, kết nối và tiện sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm ở bậc mầm non hầu hết được làm từ các phế phẩm, những vật liệu dễ tìm, với lòng tận tuỵ và bàn tay khéo léo của các cô giáo đã làm ra những ĐDDH sinh động, đẹp mắt, có giá trị sử dụng trong giảng dạy và vui chơi của trẻ. Các ĐDDH cũng đã thể hiện được tư duy đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và hứng thú trong học tập. Không chỉ dừng lại ở các tiết dạy trên lớp, nhiều giáo viên đã tự làm đồ dùng để phục vụ cho các môn học ngoài trời như môn thể dục và các buổi sinh hoạt ngoại khoá như an toàn giao thông, trò chơi rèn luyện kỹ năng sống…

Thầy Trần Thị – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cho rằng: “Với việc phát động phong trào ĐDDH tự làm, nhiều giáo viên đã bỏ được quan niệm cho rằng nếu sử dụng tối đa các đồ dùng sản xuất đại trà hiện có thì không cần phải làm thêm nữa. Nhưng rõ ràng thiết bị dùng chung là yêu cầu tối thiểu phải đạt được, trong khi có một số chương, bài học, thậm chí là môn học có tính đặc thù, nếu có ĐDDH tự làm thì bài giảng sẽ sâu hơn”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều CBQL có băn khoăn như thầy Trần Thị, rằng làm sao để ĐDDH khi đi thi về phải được đưa vào giảng dạy thực tế và là đồ dùng chung của cả tập thể. Muốn như vậy, có vẻ như việc đơn thuần hỗ trợ một phần kinh phí cho giáo viên là chưa đủ tính thuyết phục.

Theo GD&TĐ