Độ ẩm và sức khỏe
Độ ẩm không khí là một đại lượng chỉ hàm lượng hơi nước có trong không khí. Độ ẩm không khí lý tưởng nên vào khoảng từ 30% đến 50%. Sức khỏe của con người bị ảnh hưởng bởi độ ẩm trong không khí. Độ ẩm không nên quá cao vì tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều vi sinh vật gây bệnh phát triển và không nên quá thấp vì gây khô da, kích ứng niêm mạc đường hô hấp.
Độ ẩm không khí là khái niệm nhằm chỉ mức hơi nước có bên trong không khí. Một số khái niệm chuyên sâu khác liên quan đến độ ẩm không khí bao gồm:
- Độ ẩm không khí tuyệt đối là lượng hơi nước có bên trong một đơn vị thể tích không khí.
- Độ ẩm không khí tương đối là đại lượng thường được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, chỉ phần trăm lượng hơi nước chiếm trong không khí. Khi độ ẩm tương đối đạt 100% nghĩa là không khí đạt trạng thái bão hòa về hàm lượng hơi nước.
- Độ ẩm tỉ lệ chỉ mức độ ẩm thay đổi tùy theo từng mức nhiệt độ khác nhau.
Các chỉ số đo lường liên quan đến độ ẩm không khí có nhiều vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống như sản xuất nông lâm ngư nghiệp, sức khỏe, di chuyển, …
Bề mặt của trái đất được bao phủ hơn 70% là nước đến từ các đại dương, sông suối, ao hồ. Dưới tác động của gió và ánh sáng mặt trời, lượng nước này có thể bốc hơi và bay vào không khí. Nhiệt độ càng cao, các phân tử nước chuyển động càng nhanh và hỗn loạn khiến lượng hơi nước phát tán vào không khí càng nhiều hơn. Đây chính là cơ chế chính của việc hình thành độ ẩm trong không khí. Độ ẩm không khí chịu sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường, áp suất và gió. Khi nhiệt độ không khí tăng lên cao vào các tháng mùa hè, độ ẩm không khí sẽ giảm xuống thấp.
Ngược lại vào các tháng mùa đông, độ ẩm không khí tăng cao và có thể đạt được mức bão hòa. Như vậy, nhiệt độ và độ ẩm là hai đại lượng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Con người ứng dụng điều này bằng cách điều chỉnh nhiệt độ nếu muốn thay đổi và kiểm soát độ ẩm ở mức phù hợp.