Diwali – Lễ hội độc đáo với nghi lễ thắp đèn đặc biệt ở Ấn Độ
(Xây dựng) – Tuổi thơ tôi đã biết đến nhiều câu chuyện cổ tích, về Sử thi Ramayana, về Hoàng tử Rama, công chúa Sita, thần khỉ Hanuman, về tình yêu, tình anh em, về thiện về ác, về ánh sáng và bóng đêm ở xứ Ayodya… Rồi lớn lên, những vở kịch, những cải lương, chèo, tuồng ngày ấy đã dần xa trong trí nhớ… chỉ còn biết đến Ayodya với tranh chấp về một thánh địa nào đó bên bờ sông Saryu giữa những người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo.
Rồi bất ngờ một ngày nhận được một lời mời đến đón Giao thừa tại chính nơi này, Ayodya, để chứng kiến nghi lễ Thắp Sáng chào đón Thần Ram với 1.200.000 ngọn đèn dầu!
Câu chuyện lại được tái hiện qua Ram Lilas trên sân khấu từ buổi chiều với những nghệ sỹ đến từ Sri Lanka, màn trình chiếu ánh sáng 3D, tia laser, pháo hoa, tranh cát truyền thống và 9.000 ngọn đèn dầu lung linh bên bờ sông Saryu. 3.000 đèn dầu còn lại được thắp khắp Ayodya. Đây là một kỷ lục mới của Uttar Pradesh!
Ayodya là kinh đô của Vương quốc Koshala cổ đại, ngày nay là một huyện của Bang Uttar Pradesh, cách Thành phố Lucknow 3 giờ chạy xe ôtô.
Rama (राम) là hóa thân thứ bảy của thần Vishnu, cùng với Krishna, Rama được coi là một trong những đại diện quan trọng nhất của Vishnu. Rama là một vị vua của Ayodhya trong kinh Hindu. Rama cũng là nhân vật chính của sử thi Ramayana, là người hùng với rất nhiều quyền năng không ai sánh nổi.
Năm Rama 16 tuổi, chuẩn bị được Vua cha Ramayana-Dasharath truyền ngôi thì người vợ thứ 3 của vua cha là Vương phi Kaikayi thỉnh nguyện truyền ngôi con con bà là Bahrata và buộc phải lưu đày Rama trong rừng sâu 14 năm. Vợ chàng là Sita đã nhất quyết theo chồng, người em Lakshmana là con của Vương phi KaiKayi cũng nhất quyết đi theo anh và bảo vệ chị dâu. Sau 14 năm khổ hạnh và chiến đấu với quỷ dữ họ đã trở về!
Để chào mừng, thần dân Ayodya đã thắp sáng tất cả các ngọn đèn trong nhà mình và nhảy múa hát ca. Họ cũng cầu nguyện, cảm ơn Nữ Thần Lakshmi – chính là hoá thân của nàng Sita – Người ban cho sức mạnh vượt mọi chướng ngại vật, mang lại may mắn, hạnh phúc, tài lộc cho mọi nhà.
Diwali hay Dīpāvali (còn được gọi là Deepavali và “Lễ hội đèn”,m tiếng Sanskrit nghĩa là một dãy đèn) là một lễ hội quan trọng trong văn hóa Ấn Độ Giáo. Đây là một lễ hội Hindu cổ đại. Còn được gọi là Lễ hội ánh sáng vì mọi người có phong tục thắp đèn dầu bấc vải (gọi là dipa) để ăn mừng chiến thắng của thần Krishna trước Narakasura, chiến thắng của ánh sáng trước bóng đêm, biểu tượng cho chiến thắng của cái thiện trước cái ác. Lễ hội cũng đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo, đạo Sikh và đạo Jain.
Trước đêm Diwali, người dân phải dọn dẹp, tân trang và trang trí nhà cửa và văn phòng của họ bằng đèn diyas (đèn dầu) và rangolis (các mẫu vòng tròn nghệ thuật đầy màu sắc). Vào đêm Diwali, người Ấn Độ giáo mặc những bộ quần áo đẹp nhất của họ, thắp sáng lên Diyas (đèn và nến) bên trong và bên ngoài nhà, thực hiện các nghi lễ thờ cúng Lakshmi – nữ thần của sự giàu có và thịnh vượng. Sau đó pháo hoa sẽ được bắn, rồi họ cùng tham gia một bữa tiệc gia đình, nơi Mithai (kẹo) và quà tặng được trao đổi giữa gia đình và bạn bè thân thiết.
Diwali là một lễ hội quan trọng đối với người theo đạo Hindu. Tên của ngày lễ hội cũng như các nghi lễ của Diwali khác nhau đáng kể giữa người Hindu, dựa trên các khu vực của Ấn Độ. Ở nhiều vùng của Ấn Độ, các lễ hội bắt đầu với Dhanteras, tiếp theo là Naraka Chaturdasi vào ngày thứ hai, Diwali vào ngày thứ ba, Diwali Padva dành riêng cho mối quan hệ vợ chồng vào ngày thứ tư, và lễ hội kết thúc với Bhau-beej dành riêng cho tình anh chị em vào ngày thứ năm. Dhanteras thường rơi vào mười tám ngày sau Dussehra.
Cùng đêm mà người Hindu mừng Diwali, Kỳ Na Giáo cử hành một lễ hội của ánh sáng để đánh dấu sự thành tựu moksha bởi Mahavira, và người theo đạo Sikh làm lễ hội Bandi Chhor Divas. Diwali là một ngày lễ chính thức ở Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Mauritius, Guyana, Trinidad và Tobago, Suriname, Malaysia, Singapore, Fiji và Pakistan.
Lễ hội đặc biệt này diễn ra từ ngày 2 đến 6/11 hàng năm.