Định vị sản phẩm là gì? Cách thức phân loại và 4 chiến lược tối ưu về hiệu quả
Để cạnh tranh, mở rộng thị phần thì định vị sản phẩm luôn được các doanh nghiệp chú trọng đến rất nhiều. Nếu định vị tốt, sản phẩm của bạn sẽ “ghi điểm” cao trong mắt khách hàng và dễ dàng được nhận diện khi thâm nhập thị trường.
Chính vì vậy, có thể nói rằng đây chính là “cuộc chiến” vô cùng khốc liệt của các doanh nghiệp trong các chiến lược phát triển, marketing của mình. Vậy định vị sản phẩm là gì? Đâu là khái niệm chuẩn, cách thức phân loại và các chiến lược triển khai hiệu quả. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong khuôn khổ bài chia sẻ ngày hôm nay nhé.
1/ Định vị sản phẩm là gì?
“Định vị sản phẩm là gì?” một câu hỏi ngắn gọn, nhưng có thể là đơn giản với người này và khó với người kia. Là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh và marketing. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc không phải ai cũng có thể giải thích một cách chính xác câu hỏi trên, nếu không làm việc trong hai lĩnh vực chúng tôi vừa đề cập đến. Định vị sản phẩm – Product Positioning là những sự tuyên bố, khẳng định về những đặc điểm nổi bật, ấn tượng nhất của sản phẩm (dịch vụ) bạn cũng cấp cho khách hàng.
Những tuyên bố, khẳng định này sẽ làm rõ những điểm khác biệt của bạn so với đối thủ cạnh tranh, tránh sự nhầm lẫn. Để từ đó, có thể dễ dàng nhận biết sản phẩm cũng giúp sản phẩm được in đậm sâu hơn trong tâm trí của khách hàng. Từ đó, khiến khách hàng có thể từ một vài đặc điểm mà gợi nhớ ra ngay sản phẩm của bạn khi có nhu cầu tìm hiểu, cân nhắc trong quá trình mua sắm và lựa chọn. Như vậy, định vị sản phẩm đồng thời cũng chính là quy trình xác định vị trí sản phẩm của bạn trên thị trường tiêu dùng là như thế nào.
Quá trình này sẽ liên quan trực tiếp đến việc hiệu chỉnh các yếu tố liên quan đến sản phẩm. Nổi bật chính là chất lượng và giá cả, vì đây là những yếu tố dễ tác động đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng thường dựa vào đây để tạo nên nhưng điểm mạnh thúc đẩy cho việc kinh doanh của mình. Định vị sản phẩm sẽ dựa vào lợi ích sản phẩm mang lại, khách hàng hướng đến là ai, đối thủ cạnh tranh như thế nào,… Từ đó mới có thể đưa ra những tuyệt bố, khẳng định có ý nghĩa, cô đọng và có tầm ảnh hưởng nhất.
Xem thêm: 9 Phương pháp và 6 bước để định vị thương hiệu chuẩn quốc tế
2/ Lợi ích của định vị sản phẩm
Phần lớn các doanh nghiệp lớn, thương hiệu lâu năm đều đã hoàn thiện quá trình định vị sản phẩm của mình rất tốt. Những thương hiệu này được người tiêu dùng ghi nhớ bằng những tuyên bố, khẳng định rất ấn tượng. Nhưng vẫn có rất nhiều người vẫn còn băn khoăn trong việc tại sao phải định vị sản phẩm? định vị sản phẩm có cần thiết không? Với bản chất của công việc kinh doanh và mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng như hiện nay, định vị sản phẩm là điều vô cùng quan trọng. Nhất là khi nó mang đến rất nhiều lợi ích và có tác động không nhỏ đến sự phát triển tổng thể của doanh nghiệp.
+ Tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm của công ty: Đây chính là lợi ích rất rõ ràng từ việc định vị sản phẩm thành công, lúc này sản phẩm của bạn sẽ dễ dàng ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Dễ dàng được nhận ra, dễ dàng được nhắc đến, nhớ đến khi họ có nhu cầu mua sắm. Người tiêu dùng sẽ thường ưu tiên cho các sản phẩm mà họ biết đến nhiều hơn là những cái tên mờ nhạt.
+ Thực hiện được phương châm bán những gì khách hàng cần: Định vị sản phẩm sẽ nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ góc độ mong muốn, nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó có sự hiệu chỉnh sao cho phù hợp, điều này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được mong muốn của khách hàng.
+ Tạo ra chiến lược quảng bá hiệu quả: Khi việc định vị sản phẩm thành công, chiến lược quảng bá, tiếp thị của bạn được triển khai sau đó bao giờ cũng trở nên dễ dàng và nhanh đạt được mục tiêu hơn rất nhiều.
+ Tìm kiếm được ưu thế cạnh tranh ngay cả khi đổi thị trường: Với việc định vị sản phẩm bằng những đặc điểm nổi bật, dù thay đổi thị trường bạn cũng đã có được ưu thế riêng của mình mà không phải chật vật như trước kia.
+ Củng cố và nâng cao giá trị thương hiệu: Định vị sản phẩm thành công cũng từ đó thương hiệu của bạn cũng sẽ được nhiều ngưới biết đến và đánh giá cao hơn so với các đối thủ của mình.
+ Thu hút được nhiều nhóm khách hàng tiềm năng: Dù quá trình định vị sản phẩm được dựa vào nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng cố định ban đầu của bạn, nhưng sau đó nó có thể giúp bạn thu hút được nhiều người hơn. Ngay cả khi sự chuyển đổi không có nhiều ở những nhóm đối tượng khác, nhưng sản phẩm, thương hiệu của bạn cũng đã được phủ sóng rộng rãi.
3/ Phân loại các cách định vị sản phẩm
Để đưa ra những tuyên bố, khẳng định đầy ý nghĩa và dễ dàng “đóng đinh” trong tâm trí của khách hàng. Các doanh nghiệp sẽ cần phải tìm kiếm cách định vị sản phâm phù hợp và hiệu quả nhất cho mình. Không chỉ có riêng một cách định vị dành cho sản phẩm duy nhất để bạn tham khảo, theo đó có rất nhiều cách thức triển khai khác nhau mà các doanh nghiệp có thể khai thác. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các cách định vị sản phẩm thường được nhiều doanh nghiệp sử dụng nhất và nó cũng mang đến hiệu quả cao.
Định vị sản phẩm theo chất lượng: Nếu chất lượng sản phẩm của bạn là một ưu thế tuyệt đối, việc định vị theo yếu tố này chắc chắn sẽ rất thành công. Bởi đây cũng chính là điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất khi mua bất kì sản phẩm nào. Bạn có thể đề cập đến cả vấn đề sản phẩm của mình sẽ giúp khách hàng giải quyết vấn đề như thế nào.
Định vị sản phẩm theo giá cả: Sau chất lượng thì giá thành là điều mà khách hàng sẽ quan tâm đến, hơn thế giữa các doanh nghiệp cùng sản phẩm vẫn thường có những “cuộc đua” về giá xảy ra. Định vị giá thấp, giá cao hay tầm trung đều cần phải đặt trong mối quan hệ tương quan về chất lượng, khách hàng và đối thủ.
Định vị sản phẩm theo đặc tính/công dụng: Nếu chất lượng hay giá thành không nổi bật thì hãy định vị dựa theo đặc tính/công dụng. Hãy làm nổi bật điều này trong các chiến dịch tiếp thị của mình để khách hàng chú ý đến nhiều hơn.
Định vị sản phẩm theo đối thủ cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh sẽ là tấm gương để bạn có thể nhận ra những thế mạnh, hạn chế của mình. Đồng thời cũng là nơi để bạn rút ra được những bài học, kinh nghiệm tốt cho việc định vị sản phẩm để làm nổi bật những thế mạnh, đặc điểm nổi bật của riêng mình.
Định vị sản phẩm theo mong ước của khách hàng: Khi mua sắm bên cạnh nhu cầu thực tế, bản thân mỗi khách hàng đều có mong ước riêng. Nếu điều này được đề cập ngay trong những tuyên bố, khẳng định về sản phẩm chắc chắn sẽ tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
4/ Chiến lược định vị sản phẩm hiệu quả cho doanh nghiệp
Chiến lược More For More
Chiến lược định vị sản phẩm More For More sẽ được sử dụng trong trường hợp ngay từ đầu các doanh nghiệp đã hướng đến việc cung cấp các sản phẩm thuộc dòng cao cấp, chất lượng hàng đầu và đồng thời giá bán cũng không hề rẻ chút nào. Khi áp dụng chiến lược này, khách hàng mà doanh nghiệp hướng đến sẽ là những người có mức thu nhập cao và thường sẽ là giới thượng lưu. Bạn có thể bắt gặp điều này dễ dàng ở những thương hiệu thời trang đắt đỏ như Dior, Chanel hay các hãng công nghệ với dòng sản phẩm cao cấp.
Chiến lược More For The Same
More For The Same là chiến lược được áp dụng trong trường hợp mức giá sản phẩm của bạn ngang bằng với đối thủ, nhưng chất lượng lại tốt hơn. Nếu sản phẩm cung cấp ra thị trường tiêu dùng bạn ngày càng gia tăng về số lượng đối thủ mà lại không có nhiều sự khác biệt về chất lượng, thì đây chính là chiến lược không nên bỏ qua. Khi mức giá ngang bằng nhau, chất lượng sẽ là “điểm sáng” để thu hút cũng như thuyết phục khách hàng của bạn.
Chiến lược More For Less
Khác biệt với More For The Same, chiến lược này được các doanh nghiệp sử dụng trong tình huống giá thành thấp hơn nhưng chất lượng lại cao hơn so với đối thủ của mình. Tức là hàng giá rẻ nhưng chất lượng lại đảm bảo, tất nhiên tâm lý số đông đều rất thích điều này. Nhưng đây lại là một chiến lược khó có thể thực hiện dài lâu, vì chi phí sản xuất cao trong khi lợi nhuận thu về lại thấp.
Chiến lược Less For Much Less
Trong trường hợp, đối tượng khách hàng tiềm năng mà bạn hướng đến là những người có mức thu nhập thấp thì nên sử dụng chiến lược định vị sản phẩm này. Trong trường hợp này, chất lượng sản phẩm không bằng đối thủ và mức giá niêm yết thì thấp nhất có thể. Giá thành sẽ là điều mà người tiêu dùng quan tâm nhất trong trường hợp này. Khi lựa chọn sản phẩm có mức giá rẻ, hấp dẫn thì họ cũng sẽ không yêu cầu quá cao về chất lượng.
5/ Quy trình định vị sản phẩm – 5 bước chuẩn xác
Khi đã hiểu rõ về bản chất của quá trình định vị sản phẩm, đồng thời lựa chọn được chiến lược phù hợp nhất cho thương hiệu đội ngũ nhân viên, marketing lúc này chắc chắn sẽ bắt tay vào triển khai ngay. Theo đó, quy trình định vị sản phẩm sẽ trải qua 5 bước với từng công việc cụ thể trong từng khâu. Từ đó, đảm bảo cho hiệu quả và có thể đưa ra những tuyến bố, khẳng định hiệu quả nhất.
Bước 1 – Xác định chân dung khách hàng mục tiêu: Vẽ được chân dung khách hàng, bạn cũng sẽ tìm hiểu được insight của họ là gì. Từ đó tạo ra những định vị dễ dàng được khách hàng ghi nhớ và nhận biết nhất. Dù đánh vào tâm lý hay mong muốn, nhu cầu cũng đều tạo được ấn tượng tốt.
Bước 2 – Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: Dù là chiến lược kinh doanh, định vị thương hiệu hay định vị sản phẩm thì việc nghiên cứu đối thủ luôn là điều không thể bỏ qua. Không chỉ khách hàng hiện tại mà bạn cần phải dự đoán được đối thủ trong tương lai, từ những nền tảng đang xuất hiện trên thị trường.
Bước 3 – Nghiên cứu thuộc tính sản phẩm: Muốn định vị được tốt nhất, bản thân bạn phải hiểu rõ nhất về sản phẩm của mình. Hãy nắm chắc tất cả các thuộc tính của sản phẩm, sau đó phân tính và tìm ra đâu là thuộc tính nổi bật nhất, ấn tượng nhất cần quan tâm.
Bước 4 – Xây dựng bản đồ định vị sản phẩm: Bản đồ sẽ bao gồm các trục thể hiện thuộc tính của sản phẩm, về mặt lý thuyết nó sẽ phải thể hiện được tất cả các biến số. Nhưng để hiệu quả hơn thì thường sẽ chỉ bao gồm một trục X và một trục Y. Các tiêu chí sẽ được thể hiện rõ ràng trên từng trục một.
Bước 5 – Quyết định lợi thế cạnh tranh và đưa ra kế hoạch định vị: Từ những bước trên, bạn sẽ tìm ra được những lợi thế cạnh tranh của mình. Sau đó dựa vào những điều này bạn sẽ đưa ra được kết hoạch định vị sản phẩm một cách rõ ràng nhất.
6/ Cách đo lường hiệu quả từ các chiến lược định vị sản phẩm
Không phải chiến lược định vị sản phẩm nào ngay khi áp dụng cũng sẽ đem lại sự thành công nhất định cho thương hiệu của bạn. Thậm chí, dùng cùng một chiến lược nhưng sau khi triển khai buộc phải có những sự điều chỉnh nhất định. Bởi chiến lược có thể là chung, nhưng mỗi một doanh nghiệp, sản phẩm lại có đặc tính khác nhau. Nên cách khai thác bên trong cần phải có sự thay đổi, xây dựng kế hoạch sao cho phù hợp. Vì vậy, buộc các đội ngũ Marketing và các doanh nghiệp cần phải biết cách đo lường hiệu quả từ các chiến lược định vị của mình.
Muốn biết được kết quả chính xác, làm căn cứ để triển khai và điều chỉnh bạn hãy đo lường dựa trên 4 yếu tố dưới đây:
Số lượng người tiếp cận: Bạn thu hút được bao nhiêu khách hàng mới sau khi thực hiện chiến lược định vị sản phẩm của mình? Ngoài ra, bạn nên đặt mục tiêu cụ thể ngay từ đầu cho tiêu chí này.
Tốc độ tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng có tăng và ổn định sau khi áp dụng các chiến lược hay không? Hãy đo lường một cách cụ thể nhất đối với yếu tố này.
Sự hài lòng của khách hàng: Nếu khách hàng không hài lòng về sản phẩm bạn cung cấp, thì rất buồn phải nói rằng chiến lược định vị của bạn đang gặp vấn đề rất lớn.
Chỉ số sử dụng: Sẽ được tính bằng tần suất và thời gian mà khách hàng sử dụng sản phẩm của bạn. Chỉ số càng cao, tức là khách hàng quan tâm và hài lòng với sản phẩm của bạn.
7/ Sự khác nhau giữa định vị thương hiệu và định vị sản phẩm
Có rất nhiều người vẫn thường nhầm lẫn hoặc không thể phân biệt giữa định vị thương hiệu và định vị sản phẩm khác nhau như thế nào. Trước đó, chúng tôi đã dành một bài phân tích định vị thương hiệu rất rõ ràng. Với bài ngày hôm nay, có lẽ bạn cũng hiểu rằng đây đều là những quá trình rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Không chỉ tạo nên ưu thế cạnh tranh mà còn giúp mang lại rất nhiều lợi ích cho danh tiếng, giá trị của thương hiệu tổng thể.
Điểm khác nhau giữa định vị thương hiệu và định vị sản phẩm thực chất rất rõ ràng. Trong khi định vị sản phẩm hướng đến việc sử dụng các thuộc tính của sản phẩm để làm nổi bật những giá trị, lợi ích nhằm thu hút khách hàng thì định vị thương hiệu hướng đến thứ hạng liên quan đến sự cạnh tranh so với các đối thủ trong mắt khách hàng. Ngoài ra, điểm khác nhau giữa hai thuật ngữ này còn liên quan đến việc doanh nghiệp tập trung vào quản lý sản phẩm hay phát triển hình ảnh, thương hiệu. Bạn có thể thấy rất nhiều sản phẩm đến từ một thương hiệu nhưng lại có cách quản lý khác nhau.
Xem thêm: Lựa chọn sản phẩm trong kinh doanh – 13 tiêu chí bạn cần đặt lên hàng đầu
Chỉ với câu hỏi “Định vị sản phẩm là gì?” đã mang đến một chủ đề thảo luận đầy hấp dẫn, hữu ích cho chúng ta. Quá trình mang đến những tuyên bố, khẳng định về đặc điểm nổi bật của sản phẩm này là giúp doanh nghiệp hình thành nên những ưu thế cạnh tranh riêng cho mình về mặt sản phẩm cung ứng. Từ đó, sản phẩm của bạn cũng sẽ có vị thế nhất định trong tâm trí của khách hàng. Đây là điều rất cần thiết trong “cuộc chiến” cạnh tranh của bạn.