Định nghĩa về nhà báo: Cần rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường

(PLO)-  PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường mong Hội Ngôn ngữ học Việt Nam rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường để bảo vệ uy tín của mình.

Như PLO đã đưa tin, cuốn Từ điển từ ngữ Nam Bộ của tác giả Huỳnh Công Tín do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 2007 đang gây phản ứng dữ dội với định nghĩa về nhà báo.

Cụ thể, trong cuốn sách này ghi rõ: “Nhà báo được diễn giải là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình.

“Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu”- cuốn từ điển dẫn chứng.

Trao đổi với PLO, PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng bày tỏ: “Tôi chưa từng nghe ai chơi chữ theo cách này cả”.

Định nghĩa về nhà báo: Cần rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường ảnh 1

“Có thể vì tôi không phải là người nói phương ngữ Nam Bộ và cũng không sống ở Tây Nam Bộ – vùng phương ngữ chính mà TS. Huỳnh Công Tín dựa vào để xây dựng cuốn “Từ điển từ ngữ Nam Bộ”. Tuy nhiên, tôi có hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì một số người nói cũng có nghe, dù không thật phổ biến. Những cách chơi chữ phổ biến hơn là “báo đời, báo cô, báo hại, báo cơm”- ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, từ điển có thể giải thích nghĩa gốc và nghĩa phái sinh của một từ. Nghĩa gốc là nghĩa ban đầu, nghĩa cơ sở của từ. Nghĩa phái sinh là những nghĩa xuất hiện sau nghĩa ban đầu, trong đó có nghĩa bóng.

Định nghĩa về nhà báo: Cần rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường ảnh 2

Trừ từ điển từ mới, còn các từ điển giải thích khác có một nguyên tắc là chỉ chọn giải thích những từ ngữ phổ biến, ý nghĩa hay khái niệm của chúng (các nhà chuyên môn gọi là nghĩa biểu niệm) đã ổn định và được công chúng sử dụng nhiều trong giao tiếp.

Do vậy, việc đưa nghĩa bóng theo kiểu chơi chữ “Nhà báo được diễn giải là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình”, theo ý kiến của cá nhân tôi là thiếu cân nhắc.

Quan trọng hơn, với những nghĩa có tính tiêu cực, đụng chạm đến một nghề nghiệp hay những người làm một nghề nghiệp nào đó trong xã hội thì cần hết sức thận trọng.

“Từ điển, do tính chất đặc thù của nó, có thể tác động đến kiến thức và cả nhận thức của nhiều người nên người làm từ điển càng phải thận trọng, thận trọng gấp đôi. Với những trường hợp “nhạy cảm” như thế này thì ví dụ dẫn trong từ điển nhất thiết phải được trích từ văn bản, tác phẩm,… có độ tin cậy, được nhiều người biết thay vì do tác giả tự điển tự viết hoặc nghe ai đó nói rồi viết lại”- PGS.TS. Ngôn ngữ học Lê Khắc Cường bày tỏ.

Từ đó, ông Cường cũng đề nghị nhân vụ việc này, mong Hội Ngôn ngữ học Việt Nam rà soát lại các ấn phẩm từ điển trên thị trường để bảo vệ uy tín của mình.

Ngoài việc giải thích nghĩa của từ ngữ, theo ông, tác giả cũng cần xem lại việc phiên âm vì nhiều chỗ chưa thật chuẩn, cả phiên âm âm vị học (phiên âm giữa hai dấu /-/) và phiên âm ngữ âm học (phiên âm giữa hai dấu [-]).

Cũng tỏ ra bất ngờ với định nghĩa nhà báo trong từ điển nêu trên, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Trang (Trường ĐH KHXH&NV) cho biết, bản thân bà cũng chưa nghe cách nói này.

“Tất nhiên tôi là người Bắc và tôi không sống ở Miền Tây Nam Bộ, nhưng tôi sống ở miền Nam hơn 20 năm rồi chưa nghe cách nói như thế với nghĩa phương ngữ. Đó chỉ là kiểu đùa không phải là định nghĩa trong từ điển”- bà Trang nói.

Sẽ cho kiểm tra thông tin từ điển định nghĩa 'Nhà báo' là người thất nghiệp, ăn bám

Sẽ cho kiểm tra thông tin từ điển định nghĩa ‘Nhà báo’ là người thất nghiệp, ăn bám

(PLO)- Trao đổi với PLO, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng định nghĩa theo tác giả trong sách là không được.

VIẾT THỊNH