Định nghĩa tư vấn nghề nghiệp – Hướng nghiệp Sông An

Bởi tác giả Chadwick Royal

Các dịch vụ mà chuyên gia phát triển nghề nghiệp cung cấp thường không chỉ dừng lại ở tham vấn nghề nghiệp hoặc lập kế hoạch nghề nghiệp đặc thù. Một số trong các hoạt động này định nghĩa là hoạt động tư vấn nghề nghiệp có lẽ sẽ chính xác hơn. Từ quan điểm của một nhà giáo dục tham vấn, chúng ta cần phải làm rõ những hoạt động này có ý nghĩa ra sao đối với tham vấn viên nghề nghiệp trong thực hành hoặc trong đào tạo. Bài viết này sẽ làm rõ sự khác biệt giữa khái niệm tư vấn nghề nghiệp (career consultation), tham vấn nghề nghiệp (career counseling) và lập kế hoạch nghề nghiệp (career planning). 

Tham vấn viên nghề nghiệp được đào tạo làm những gì?

Là một nhà giáo dục tham vấn, tôi tin rằng chúng ta cần phải có chủ đích và rất rõ ràng trong việc đào tạo các tham vấn viên của mình về điều họ cần phải làm. Đôi khi họ sẽ tham vấn và lập kế hoạch nghề nghiệp (đó là những gì trong chương trình đào tạo đặc trưng của họ), và đôi khi họ sẽ tư vấn. Đôi lúc, các thực tập sinh tham vấn nghề nghiệp rơi vào tình trạng chỉ cung cấp tư vấn cho thân chủ và không thực hiện tất cả các tham vấn mà họ có thể làm. Nếu đây là những gì thân chủ cần thì cách tiếp cận này không sai. Trọng tâm của việc đào tạo tham vấn nghề nghiệp là các kỹ năng tham vấn như: kỹ năng lắng nghe, đồng cảm, khuyến khích sự phát triển và bình an, hoặc thúc đẩy thay đổi hành vi, v.v. Trở thành một nhà tham vấn nghề nghiệp có nghĩa là tận dụng những điều cơ bản đó, những điều vượt xa việc tư vấn đơn thuần.

Định nghĩa tham vấn và tư vấn

Tham vấn xoay quanh chuyện thiết lập mối quan hệ hợp tác và hỗ trợ thân chủ của mình. Theo NCDA, “tham vấn nghề nghiệp” tạo cơ hội cho thân chủ tham gia ở mức độ sâu hơn, dựa trên việc thiết lập mối quan hệ tham vấn chuyên nghiệp và tiềm năng hỗ trợ thân chủ giải quyết các mối bận tâm về nghề nghiệp và phát triển cá nhân, những bận tâm nằm ngoài những vấn đề về kế hoạch nghề nghiệp (NCDA, 2015; trang 3). Khi một tham vấn viên hoặc tư vấn viên cung cấp một bản nhận xét hồ sơ ứng tuyển, đôi khi đây không thực sự là một nỗ lực có tính hợp tác (nó thường là trao đổi thông tin một chiều) – và không thực sự yêu cầu hình thành mối quan hệ với thân chủ. Ví dụ, tại các trung tâm hướng nghiệp của trường đại học, khi sinh viên nộp hồ sơ trực tuyến, một chuyên gia phát triển nghề nghiệp sẽ xem và nhận xét tài liệu đó trực tuyến mà có thể không cần phải gặp thân chủ. Cách tiếp cận này là một hình thức tư vấn hợp lý; thậm chí điều này có thể cực kỳ thuận tiện cho một sinh viên bận rộn. Tuy nhiên, hình thức này không phản ánh tham vấn nghề nghiệp hoặc lập kế hoạch nghề nghiệp đặc thù. Đây là một hoạt động tư vấn nghề nghiệp vì mối quan hệ không được phát triển (Scott, Royal, & Kissinger, 2015). Tư vấn nghề nghiệp có thể là một phần của tham vấn nghề nghiệp và lập kế hoạch nghề nghiệp, nhưng các yếu tố này không phụ thuộc vào nhau. Tư vấn nghề nghiệp không phải là một hoạt động mang tính hợp tác và nó không kết hợp những bận tâm về phát triển cá nhân với những bận tâm về nghề nghiệp.

Những hoạt động thiên về tư vấn hơn là tham vấn hoặc lập kế hoạch

Với nhiều chuyên gia phát triển nghề nghiệp, các hoạt động tư vấn sau đây là các hoạt động chính – những việc mà  họ tham gia làm một cách thường xuyên: 

  • Viết, nhận xét và chỉnh sửa hồ sơ;

  • Viết, nhận xét và chỉnh sửa thư ứng tuyển;

  • Giảng dạy các chiến lược phỏng vấn ứng tuyển;

  • Giảng dạy các chiến lược kết nối mạng lưới; và

  • Giảng dạy/đào tạo các kỹ năng (tổ chức, quản lý thời gian, các phương pháp học tập hiệu quả, v.v.).

Một số có thể cho rằng họ đang tiến hành tham vấn khi tham gia vào các hoạt động này. Trong một số trường hợp, điều này sẽ chính xác – khi các cuộc thảo luận có sự đan xen các mối quan tâm phát triển cá nhân nhiều hơn và trở thành một cuộc trao đổi hai chiều.

Khi tư vấn, ý kiến hay thông tin từ ​​chuyên gia được cung cấp cho thân chủ. Các hoạt động này không phải là “tham vấn” vì có thể chúng chưa đủ chiều sâu và tập trung vào mối quan hệ. Tư vấn không giống như các hoạt động “lập kế hoạch” khác bởi vì tính chất trao đổi thông tin một chiều. Các chuyên gia không có chứng chỉ sẽ không thể tham vấn và/hoặc thực hiện, giải thích một số bài trắc nghiệm hướng nghiệp, nhưng họ có thể cung cấp kiến ​​thức chuyên môn liên quan đến hồ sơ ứng tuyển, thư ứng tuyển, xây dựng mạng lưới chuyên nghiệp v.v. và điều này hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Các hoạt động tư vấn nghề nghiệp là các hoạt động nhằm cung cấp lời khuyên hoặc ý kiến ​​chuyên gia để hỗ trợ hoàn thành các nhiệm vụ hướng nghiệp (ví dụ: nhận xét, phê bình và chỉnh sửa hồ sơ ứng tuyển của thân chủ) – và không yêu cầu bằng cấp sau đại học về tham vấn (Scott, Royal, & Kissinger, 2015). Dịch vụ này không phải là một hoạt động mang tính hợp tác và nó không kết hợp mối quan tâm cá nhân với mối quan tâm nghề nghiệp. Dịch vụ tư vấn được cung cấp là trao đổi thông tin một chiều, chứ không phải là trao đổi hai chiều. Khi sự tương tác trở thành sự trao đổi hai chiều và chuyên gia bắt đầu thảo luận nhiều hơn về các mối quan tâm phát triển cá nhân, thì nó có thể chuyển từ tư vấn sang tham vấn.

“Lập kế hoạch” nghề nghiệp bao gồm các hoạt động như “…xác định nghề nghiệp dựa trên giá trị, sở thích, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trước đây và/ hoặc các đặc điểm khác; hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm việc làm; và các bài trắc nghiệm trên giấy và/hoặc trực tuyến về sở thích, khả năng, tính cách, giá trị liên quan đến công việc và/hoặc các đặc điểm khác ”(NCDA, 2015, trang 3). Những hoạt động này, giống như tham vấn, đòi hỏi sự trao đổi thông tin và đối thoại hai chiều.

Ai cung cấp dịch vụ tư vấn nghề nghiệp?

Các chuyên gia có liên quan đến nghề nghiệp khác (không phải là tham vấn viên) có đủ điều kiện để cung cấp các hoạt động tư vấn (chẳng hạn như nhận xét/ chỉnh sửa hồ sơ, nhận xét/chỉnh sửa thư ứng tuyển, cung cấp các chiến lược phỏng vấn ứng tuyển và chiến lược kết nối mạng lưới). Hãy nghĩ về khối lượng thông tin về những chủ đề này mà chúng ta có thể tìm thấy trên Internet và trong các hiệu sách, được viết bởi các nhà khai vấn, người điều phối phát triển nghề nghiệp, người viết hồ sơ ứng tuyển chuyên nghiệp được chứng nhận và những người có thể làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp và có các chứng chỉ khác nhưng không được đào tạo như những nhà tham vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp.

Một kinh nghiệm gần đây của tôi có thể giúp minh họa những thời điểm mà các hoạt động này cần được các nhà giáo dục tham vấn làm rõ. Học kỳ vừa qua, tôi có một sinh viên thực tập (chuyên ngành tham vấn nghề nghiệp) mà tôi sẽ gọi là “Carly”. Carly đang cùng thực tập (tại một trung tâm dịch vụ nghề nghiệp trong trường đại học) với một cá nhân khác đang theo học bằng Lãnh Đạo Giáo Dục (tôi sẽ gọi người này là “Ed”). Đôi khi, Carly và Ed đang làm rất nhiều việc giống nhau như nhận xét hồ sơ ứng tuyển, nhận xét các thư ứng tuyển, và đưa ra các gợi ý về chiến lược phỏng vấn. Trong một cuộc thảo luận, Carly và tôi đồng ý rằng Ed có vẻ đủ hiểu biết để làm một số việc này nhưng anh ta không được đào tạo để đi vào lĩnh vực tham vấn. Dịch vụ mà Ed cung cấp chỉ có một chiều (từ Ed đến thân chủ của mình). Một dịch vụ mang tính hợp tác, hoặc có sự kết hợp giữa mối quan tâm phát triển cá nhân với mối quan tâm nghề nghiệp sẽ đòi hỏi sự đào tạo chuyên môn và chuyên nghiệp của Carly. Tôi muốn đảm bảo rằng Carly hiểu rằng cô ấy đã được đào tạo để làm nhiều hơn thế – rằng cô ấy có thể vượt xa những gì Ed đang làm. Các nhà giáo dục tham vấn nên đảm bảo rằng sinh viên thực tập và kỳ thực tập của họ sẽ giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm tham vấn khác nhau – và nhiều hơn là kinh nghiệm tư vấn chỉ giới hạn trong các vị trí thực tập của họ.

Các điểm khác biệt quan trọng trong lĩnh vực này

Điều quan trọng là phải định nghĩa và xác định các nhiệm vụ và kỹ năng một cách rõ ràng khi NCDA chuẩn bị tiến hành cấp chứng chỉ (Pritchard & Maze, 2016). Có thể sẽ có những nguyên tắc đạo đức liên quan đến việc phân biệt các hoạt động. Một số chuyên gia phát triển nghề nghiệp có thể được cấp chứng chỉ chỉ để thực hiện những gì được coi là nhiệm vụ tư vấn nghề nghiệp. Việc giữ các nhiệm vụ tư vấn được kết hợp với việc lập kế hoạch nghề nghiệp có thể tạo ra một số nhầm lẫn liên quan đến việc diễn giải về đạo đức. Chúng tôi khuyến khích các độc giả cân nhắc các nguyên tắc đạo đức bằng cách tham khảo  Quy tắc đạo đức NCDA 2015 (NCDA, 2015).

Thông tin tác giả

Chadwick Royal, Tiến sĩ, LPCS là Phó Giáo Sư trong Chương trình Giáo dục Tham vấn tại Đại học Trung tâm Bắc Carolina ở Durham, NC – và là Phó Tổng biên tập cho Phòng Nghiên cứu và Giáo dục Tham vấn tại Career Convergence. Ông là một Giám Sát Viên Tham Vấn Chuyên Nghiệp Được Cấp Phép cũng như là một nhà tham vấn trường học được cấp phép ở Bắc Carolina. Ông giảng dạy các khóa học về tham vấn nghề nghiệp nhập môn và nâng cao, tư vấn, phát triển con người, tham vấn gia đình, đánh giá lâm sàng nâng cao, thực hành và thực tập. Ông cũng là đồng tác giả của “Tham vấn viên như Tư vấn viên”, được SAGE xuất bản vào năm 2015. Ông có thể được liên hệ theo địa chỉ này [email protected].

Người dịch:  Hà Phạm

Biên tập:  My Vu

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/135125/_PARENT/CC_layout_details/false 

Photo by Alexander Suhorucov from Pexels