Định nghĩa bản đồ địa hình, Mục đích, yêu cầu và nội dung của bản đồ địa hình
1. Định nghĩa bản đồ địa hình
Bản đồ địa hình là một mô hình đồ họa về mặt đất, nó cho ta khả năng nhận thức bề mặt địa lý bằng cái nhìn tổng quát, dễ thấy, dễ lấy thông tin, đếm đọc chi tiết hoặc đo đạc chính xác. Trên bản đồ địa hình thể hiện tọa độ, độ cao của bất kì điểm nào trên mặt đất, xác định được khoảng cách giữa hai điểm… Ngoài ra bản đồ địa hình còn phản ánh được các định tính, định lượng, định hình, trạng thái của các yếu tố địa lý và ghi chú địa danh của chúng.
Bản đồ địa hình thể hiện các đối tượng có trong một khu vực trên bề mặt trái đất song không đưa tất cả đối tượng lên bản đồ mà chỉ bao gồm một lượng thông tin nhất định phụ thuộc vào không gian, thời gian và mục đích sử dụng bản đồ.
2. Mục đích sử dụng và yêu cầu đối với bản đồ địa hình
-
Mục đích sử dụng:
– Bản đồ địa hình được dùng làm tài liệu cơ bản để thành lập các bản đồ chuyên đề, bản đồ địa lý chung có tỉ lệ nhỏ hơn.
– Bản đồ địa hình tỉ lệ 1/500 và 1/1000 để lập thiết kế kỹ thuật các xí nghiệp công nghiệp và các trạm phát điện, dùng để tiến hành công tác thăm dò và tìm kiếm thăm dò chi tiết, tính toán trữ lượng các khoáng sản có ích.
– Bản đồ địa hình tỉ lệ 1/2000 và 1/5000 được dùng để thiết kế mặt bằng của các thành phố và các điểm dân cư khác, được dùng trong công tác quy hoạch…
– Bản đồ địa hình tỉ lệ 1/10000 và 1/25000 thường dùng trong công tác quy hoạch ruộng đất, quản lý ruộng đất, khảo sát các phương án quy hoạch thành phố, dùng để chọn các tuyến đường sắt và đường ôtô, làm cơ sở đo vẽ thổ nhưỡng thực vật, thiết kế các công trình thủy nông…
– Bản đồ địa hình tỉ lệ 1/50000 và 1/100000 được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế quốc dân, dùng trong công tác quy hoạch và tổ chức các vùng kinh tế, dùng để nghiên cứu các vùng về địa chất thủy văn… Các bản đồ tỉ lệ 1/100000 là cơ sở địa lý thành lập các bản đồ chuyên đề tỉ lệ lớn và trung bình.
-
Yêu cầu cơ bản đối với bản đồ địa hình
– Bản đồ phải được trình bày rõ ràng, dễ đọc, cho phép định hướng nhanh chóng ngoài thực địa.
– Các yếu tố thể hiện trên bản đồ cần phải đầy đủ, chính xác, mức độ chi tiết của bản đồ được xác định dựa vào mục đích sử dụng của bản đồ và đặc điểm của khu vực đó.
– Có đầy đủ các đặc điểm và tính chất chung của bản đồ địa lý.
3. Cơ sở toán học của bản đồ địa hình
Cơ sở toán học của bản đồ địa hình bao gồm các yếu tố: tỉ lệ bản đồ, hệ thống tọa độ, phép chiếu, sự phân mảnh bản đồ.
– Theo quy phạm bản đồ địa hình Việt Nam, tỉ lệ bản đồ địa hình bao gồm các loại tỉ lệ: 1/2000, 1/5000, 1/10000, 1/50000, 1/100000, 1/250000, 1/500000.
– Bản đồ địa hình được thành lập sử dụng phép chiếu UTM múi 6º đối với bản đồ tỉ lệ 1/10000 và nhỏ hơn, múi 3º đối với bản đồ tỉ lệ lớn hơn 1/10000.
– Bản đồ địa hình có hệ thống phân mảnh và danh pháp được dựa trên cơ sở phân mảnh và danh pháp của bản đồ tỉ lệ 1/1000000.
4. Nội dung của bản đồ địa hình
Trên bản đồ địa hình thể hiện 7 nội dung: địa vật định hướng, thủy hệ, dân cư, mạng lưới đường giao thông và đường dây liên lạc, dáng đất và chất đất, lớp phủ thực vật thổ nhưỡng, ranh giới phân chia hành chính-chính trị.
Để biết thêm nội dung chi tiết của 7 yếu tố thể hiện trên bản đồ địa hình bạn đọc có thể tham khảo tại đây.