”Định hướng” chuối trổ buồng

Trồng chuối laba giữa vùng đất xa xôi, với trang trại 5 ha chuyên canh rất thành công và ứng dụng ánh sáng để “định hướng” cho cây chuối trổ buồng theo ý chủ nhân; đó là những điểm đặc biệt của anh Vũ Văn Chiến, nông dân giỏi thôn Đoàn Kết, xã Tà Năng, xã vùng sâu của huyện Đức Trọng.

 

Anh Vũ Văn Chiến kiểm tra buồng chuối

Anh Vũ Văn Chiến kiểm tra buồng chuối

 

Chúng tôi gặp anh Vũ Văn Chiến giữa vườn chuối rộng mênh mông đang kỳ cho quả và nghe anh giới thiệu, xứ này, bà con thường trồng cà phê, trồng bắp. Dù đầu tư nhiều nhưng thu nhập không ổn định nên anh Chiến đã cải tạo vườn, chuyển sang trồng chuối laba, giống chuối đặc sản trái có vị đậm, thịt dẻo của xứ núi Lâm Đồng. Bắt đầu trồng chuối từ năm 2008 với số lượng nhỏ, hiện trang trại chuối của anh Vũ Văn Chiến đã có diện tích 5 ha. 

 

Anh Vũ Văn Chiến chia sẻ, anh nhập trực tiếp cây chuối laba cấy mô và trồng đơn gốc, 1 cây/hốc. Cây cấy mô rất nhỏ nên đến khi cây 8 tháng tuổi mới đạt độ trưởng thành và trổ buồng. Tới 12 tháng, chuối cấy mô sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình cây mẹ lớn lên thì cũng nảy khá nhiều cây chuối con ở gốc. Anh Chiến để lại 2 gốc con cạnh thân cây mẹ và sau khi cây mẹ cho thu hoạch, anh sẽ cắt ngang thân, để lại khoảng 1-1,2 m. Lượng nước từ thân cây chuối mẹ bị cắt sẽ nuôi dưỡng, giúp cây chuối con phát triển nhanh. Cũng vì vậy, cây chuối con trưởng thành rất nhanh, 3 tháng trổ buồng và 8 tháng là được thu hoạch. Trồng chuối một lần, nếu chăm sóc tốt có thể cho buồng tới 4 – 5 năm, là một trong những loại cây trồng bền bỉ, dễ chăm sóc. 

 

Điều khá kì lạ là vườn chuối của anh Vũ Văn Chiến không trồng phủ rộng, đều như các trang trại chuối khác. Anh Chiến cho biết, sau hàng chục năm trồng chuối, anh đã rút ra kinh nghiệm “định hướng” cho chuối trổ buồng. Anh chia sẻ: “Sau nhiều năm quan sát, tôi thấy cây chuối trổ buồng về nơi có nhiều ánh sáng nhất. Vì vậy, lợi dụng tính chất này của cây chuối, tôi đã thay đổi cách trồng để chuối trổ buồng theo ý của mình”. Cụ thể, thay vì trồng cây chuối cách đều, anh Chiến trồng chuối thành hàng “kẹp”. Hai hàng chuối được trồng sát vào nhau, hàng cách hàng, cây cách cây 1,5×1,5 m. Cách hàng 3,5 m anh Chiến mới trồng hai hàng chuối kẹp khác. Anh Chiến cho biết, sau nhiều năm thử trồng cách này, anh thấy buồng chuối được trổ về giữa rãnh thưa, phần nhiều ánh sáng. Xác định được hướng cây mẹ trổ buồng giúp anh để cây con ở lại gốc đúng hướng, tránh tình trạng buồng chuối từ cây mẹ đè đúng vào cây chuối con. Đồng thời, trồng kiểu “hàng kẹp” giúp vườn chuối thưa cây, nhiều ánh sáng, dễ chăm và dễ thu hoạch. Khi chuối lớn, buồng to anh Chiến cũng dễ chống buồng, không vướng phải các thân chuối khác. Nhìn vườn chuối của anh Vũ Văn Chiến thật đẹp, ngăn nắp với hàng trăm buồng chuối cùng trổ về một hướng cố định. 

 

Được biết, trang trại chuối của anh Vũ Văn Chiến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyên cung ứng theo hợp đồng với thương hiệu chuối Laba King xuất khẩu sang Nhật Bản. Vì vậy, hàng năm anh phải kiểm tra chất đất, nguồn nước, đảm bảo đủ tiêu chuẩn đối tác yêu cầu. Vườn chuối cũng sử dụng phân hữu cơ với lượng 1 bao/gốc chuối/năm để đảm bảo đất tơi xốp, hệ vi sinh vật trong đất ổn định. Chuối laba vốn ít bệnh nhưng khi trổ buồng, anh Chiến phải dùng bao chuyên dụng để bao lại, tránh việc côn trùng hoặc các tác nhân khác gây hại cho trái. Anh cho biết, năng suất trung bình của trang trại xấp xỉ 60 tấn/ha/năm, chi phí 50% và lợi nhuận 50%. Với giá cả hiện giờ, thu nhập của anh từ 150 – 200 triệu/ha/năm. Tuy nhiên, đầu tư cho chuối rất thấp, là giống cây phù hợp cho các nông hộ không có nhiều tiền đầu tư nhưng thu hoạch vẫn tốt hơn cây cà phê.

 

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Năng đánh giá, anh Vũ Văn Chiến là nông dân giỏi, năng động. Từ vườn chuối của anh Chiến, bà con trong xã cũng bắt đầu cải tạo vườn, trồng chuối laba. Đặc biệt, có trang trại chuối với số lượng lớn như của anh Chiến, chuối của bà con cũng dễ bán hơn, thương lái sẵn sàng vào thu hoạch. Điều này là rất khó nếu bà con trồng nhỏ lẻ. 

 

DIỆP QUỲNH