Điều kiện sử dụng súng hơi, sở hữu súng ở Việt nam có hợp pháp?

Súng hơi có được phép sử dụng theo quy định pháp luật Việt Nam? Người có hành vi sử dụng súng hơi sẽ phải đối mặt với những rủi ro pháp lý nào? Pháp luật Việt Nam có ghi nhận quyền sở hữu súng? Những thắc mắc này sẽ được Luật Minh Khuê giải đáp thấu đáo trong bài chia sẻ dưới đây.

 

1. Súng hơi là gì?

Súng hơi trên thực tế ở Việt Nam được một số bộ phận cá nhân sử dụng phục vụ mục đích săn bắn thú rừng. Súng hơi được chế tạ thủ công hoặc công nghiệp. Theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì súng hơi được ghi nhận là một trong các loại súng săn và mang tính chất của vũ khí nói chung, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất.

Như vậy, súng hơi theo quy định của pháp luật Việt Nam là một loại vũ khí.

 

2. Điều kiện để được sử dụng súng hơi ở Việt Nam là gì?

Khoản 1 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. (Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu). 

Khoản 2 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định, nghiêm cấm việc sử dụng trái phép vũ khí.

Bên cạnh đó, quy định trong Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chỉ ghi nhận các đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng (Điều 18); đối tượng được trang bị vũ khí thể thao (Điều 24); đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ (Điều 28) mà không hề ghi nhận đối tượng được trang bị súng săn (trong đó có súng hơi)

Cùng với luận giải ở mục 1, súng hơi là một loại vũ khí, nhưng pháp luật không ghi nhận đối tượng nào được sử dụng loại vũ khí này, đồng thời, còn có quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, sử dụng trái phép vũ khí. Do đó, có thể kết luận rằng, pháp luật Việt Nam không cho phép được sử dụng súng hơi trong mọi trường hợp đối với mọi cá nhân, tổ chức.

 

3. Sử dụng súng hơi bị xử phạt như thế nào?

Súng hơi là vũ khí bị nghiêm cấm sử dụng tại Việt Nam đối với mọi đối tượng, do đó hành vi sử dụng súng hơi trong mọi trường hợp là trái pháp luật. 

Súng hơi với tính chất là một loại vũ khí có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người, dù thực tế chỉ sử dụng với mục đích săn bắn nhưng nó vẫn sẽ tiềm ấn nguy cơ rủi ro, hoặc cũng có thể vô tình hữu ý trở thành phương tiện phạm tội. Do đó, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sử dụng súng hơi.

Người có hành vi sử dụng súng hơi tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính:

Hành vi sử dụng súng hơi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm h khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP “sử dụng vũ khí mà không có giấy phép”. Theo đó, mức phạt tiền đối với hành vi này là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, đồng thời sẽ bị tịch thu súng hơi.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự:

Người có hành vi sử dụng súng hơi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tái phép súng săn theo quy định tại Điều 306 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật hình sự năm 2015). 

Theo đó, người nào sử dụng súng hơi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép súng săn hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Đây là khung hình phạt nhẹ nhất của tội phạm này ghi nhận tại khoản 1 Điều 306. 

Như đã nói ở trên, súng hơi có khả năng sát thương, nguy cho tính mạng, sức khỏe con người, phá hủy kết cấu vật chất. Do đó, Bộ luật hình sự ghi nhận, sử dụng súng hơi làm chết người/gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây thiệt hại về tài sản là tình tiết định khung tăng nặng. Theo đó:

+ Người sử dụng súng hơi mà làm chết người/gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên/gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%/Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có thể sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

+ Người sử dụng súng hơi mà làm chết 02 người trở lên/Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên/ Gây thiệt hại về tài sản 500 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

 

4. Sở hữu súng ở Việt Nam có hợp pháp?

Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ghi nhận các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó tại khoản 1 có quy định rõ nghiêm cấm:

“Cá nhân sử hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển làm, đồ gia bảo.”

Trong khi đó, các loại súng chính là một trong những loại vũ khí được ghi nhận theo Luật này, do đó, việc cá nhân sở hữu súng ở Việt Nam trong các trường hợp là trái phép (trừ trường hợp sử dụng súng để trưng bày). Các đối tượng được trang bị theo quy định pháp luật là các đối tượng được phép sử dụng chứ không phải là có quyền sở hữu.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Điều kiện sử dụng súng hơi” và “quyền sở hữu súng ở Việt Nam“. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu đúng đồng thời nắm rõ quy định pháp luật về quyền sở hữu, sử dụng súng cũng như các vũ khí ở Việt Nam, để từ đó có hành vi xử sự đúng đắn tránh phải đối diện với những rủi ro pháp lý không đáng có.

Mọi thắc mắc pháp lý cần tham vấn ý kiến luật sư mời gọi: 1900.6162 để được tư vấn pháp luật bởi đội ngũ Luật sư của Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!