Điều gì làm giảm bất bình đẳng trong giáo dục đại học? – Tạp chí Giáo dục International Higher Education

Koen Geven là một Nhà kinh tế làm viêc tại Ngân hàng Thế giới trong các dự án giáo dục ở khu vực Nam Á. E-mail: [email protected]. Estelle Herbaut là Nghiên cứu viên sau Tiến sĩ tại Science Po Paris, Pháp. E-mail: [email protected].

Bài này dựa trên một văn kiện đầy đủ có thể truy cập tại https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/31497 

 Tốt nghiệp đại học vẫn là một trong những cách tốt nhất để thoát nghèo. Nghiên cứu gần đây của Tiến sĩ Harry Patrinos (Ngân hàng Thế giới) cho thấy hiện nay ở hầu hết các quốc gia, đầu tư để theo học đại học đem lại nhiều lợi ích hơn so với theo học những trình độ thấp hơn. Phụ nữ có xu hướng thu được nhiều lợi ích hơn nam giới và thậm chí có một số bằng chứng (từ Hoa Kỳ) cho thấy con em những gia đình nghèo được hưởng lợi nhiều nhất từ ​​giáo dục đại học. Vì vậy, câu hỏi cho các nhà hoạch định chính sách không phải là có cần, mà là làm thế nào để giúp học sinh xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn được học lên cao và làm thế nào để giúp họ tốt nghiệp.

Tin xấu là ở hầu hết các quốc gia hiện nay, nhiều nhóm lớn những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (ví dụ như thu nhập thấp, thế hệ ngoại kiều đầu tiên, thuộc chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số, cũng như đồng thời thuộc các nhóm này) không thể tiếp cận giáo dục đại học, ngay cả khi họ đủ năng lực theo học. Một tin xấu khác đó là các chính phủ trên thế giới dường như không có chính sách thật sự hiệu quả dành cho những nhóm như vậy (xem Salmi, IHE số 98). Nhưng cũng có tin tốt là hiện nay đã có một khối lượng lớn tài liệu với chất lượng cao phân tích những chính sách can thiệp và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong giáo dục đại học. Trong văn kiện mới (văn kiện làm việc số 8802 của Ngân hàng Thế giới), chúng tôi đã nghiêm túc lựa chọn, tập hợp và so sánh hơn 200 trường hợp từ 75 nghiên cứu bán thử nghiệm, về ảnh hưởng của những can thiệp đó trên khắp thế giới. Bốn bài học chính rút ra từ đánh giá này có thể được các nhà hoạch định chính sách trên toàn thể giới áp dụng.

Các nhà hoạch định chính sách nên nhắm đến một số cơ chế loại trừ

Bài học đầu tiên là có các cơ chế khác nhau ngăn cản học sinh tiếp cận giáo dục đại học và mỗi cơ chế này có thể là mục tiêu của nhiều chính sách khác nhau. Cơ chế ngăn cản thứ nhất là học sinh thuộc các gia đình khó khăn không đủ khả năng tài chính để trả học phí đại học (đặc biệt khi hiện nay chi phí giáo dục đại học tư thục đã tăng vọt), họ còn phải kiếm tiềm để trả chi phí sinh hoạt, hoặc những hạn chế tín dụng không cho phép họ tiếp cận những chương trình hỗ trợ như chương trình cho sinh viên vay. Cơ chế ngăn cản thứ hai là thiếu mong muốn học tập, vì học sinh từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nói chung ít khi được khuyến khích học tập; họ học ở những trường kém chất lượng hơn và ít nhận được sự hỗ trợ bên ngoài trường học. Thiếu mong muốn học tập ngăn cản học sinh gia nhập, hoặc thành công trong giáo dục đại học. Thứ ba là, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thường thiếu thông tin về chi phí cần trả cho giáo dục đại học, về lợi ích của giáo dục đại học trong thị trường lao động và về các chương trình hỗ trợ tài chính hiện có. Cuối cùng là những nhận thức định kiến khác nhau khiến họ tránh xa trường đại học, chẳng hạn như định kiến hiện tại, quá tải nhận thức, tâm lý ngại thay đổi thói quen và nếp sống hiện tại. Những định kiến ​​này có lẽ phổ biến hơn trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, họ không được phụ huynh nhắc nhở đọc các tài liệu quảng cáo của trường đại học, giúp đưa ra lựa chọn chiến lược khi nộp đơn vào đại học hoặc đưa đi thăm trường. Xác định những cơ chế ngăn cản học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận giáo dục đại học là điều rất quan trọng, vì các chính sách can thiệp khác nhau có thể (và nên) nhắm đến các cơ chế khác nhau.

Tốt nghiệp đại học vẫn là một trong những cách tốt nhất để thoát nghèo.

Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét thực hiện những chính sách tiếp cận cộng đồng sâu rộng hơn

Kết luận thứ hai của nghiên cứu này là, nếu được thiết kế tốt, những chính sách can thiệp tiếp cận cộng đồng sâu rộng hơn sẽ tác động lớn đến tỷ lệ nhập học của học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thông thường, các hoạt động tiếp cận cung cấp thông tin và/hoặc tư vấn cho học sinh trường trung học. Chính phủ có thể thuê các cố vấn chiến lược để hỗ trợ tư vấn cho học sinh cuối cấp trung học về việc theo học đại học, giúp họ tìm được những chương trình bằng cấp và ngành học phù hợp và giúp họ có động lực trong suốt quá trình học tập cho đến khi tốt nghiệp. Mục tiêu của những chính sách này có thể là hỗ trợ bổ sung những kiến thức thiếu hụt, nâng cao khát vọng của họ, hoặc chỉ đơn giản giúp cho quá trình chuyển từ trung học sang đại học suôn sẻ. Chúng tôi thấy rằng các chính sách tiếp cận cộng đồng nhìn chung đều đạt hiệu quả làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nếu bao gồm cả tư vấn chủ động hoặc đơn giản hóa quy trình đăng ký vào đại học, mà không chỉ giới hạn ở việc cung cấp thông tin chung chung về giáo dục đại học. Nói cách khác, cung cấp một video về những lợi ích mà giáo dục đại học sẽ mang lại có lẽ không đủ để giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn một cách thực chất. Mặc dù vậy, một nghiên cứu từ Trung Quốc lại cho rằng chỉ cần cung cấp thông tin đã đủ hiệu quả, cho nên có lẽ vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về vấn đề này, tùy thuộc vào bối cảnh quốc gia.

Các nhà hoạch định chính sách nên sử dụng công cụ hỗ trợ tài chính một cách hiệu quả hơn

Bài học thứ ba là có rất nhiều công cụ tài chính có thể giải quyết những nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng trong giáo dục đại học, bao gồm các chương trình hỗ trợ tài chính thông thường, hỗ trợ tài chính theo nhu cầu, học bổng vì thành tích đặc biệt, học bổng vì thành tích học tập, chương trình cho vay và chính sách miễn thuế. Chúng tôi thấy rằng những chính sách này không phải đều thành công như nhau trong việc hỗ trợ sinh viên. Tin tốt mà chúng tôi phát hiện ra là những chương trình hỗ trợ tài chính theo nhu cầu khi thực hiện ở phạm vi rộng đem lại hiệu quả rất lớn và nhất quán trong việc giúp sinh viên tiếp cận và tốt nghiệp đại học. Ngược lại, chúng tôi không tìm thấy những tác động tích cực nhất quán của chương trình hỗ trợ tài chính theo nhu cầu ở quy mô nhỏ, học bổng vì thành tích đặc biệt và các chính sách miễn thuế.

Một phát hiện thú vị khác là một số nghiên cứu gần đây cho thấy việc sớm cam kết hỗ trợ (được học sinh biết đến từ khi đang học trung học) dường như rất hiệu quả để tăng số lượng tuyển sinh. Vì vậy, thời điểm thông báo về sự hỗ trợ nên được tính đến khi thiết kế các chương trình hỗ trợ tài chính. Cuối cùng, một điều lưu ý là chúng tôi vẫn chỉ biết rất ít về hiệu quả của các chương trình cho vay, và do đó điều này sẽ được ưu tiên trong các nghiên cứu tương lai, bởi vì cho vay là chương trình vẫn được giới hoạch định chính sách ưa thích. Mặc dù đang tiếp tục thu thập bằng chứng, nhưng chúng tôi thấy cần khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách không tạo ra những chương trình cho vay phức tạp, trong khi những bằng chứng hiện có về hiệu quả vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà nghiên cứu nên tìm kiếm thêm nhiều bằng chứng từ các nước đang phát triển

Bài học cuối cùng: Đã có nhiều nghiên cứu cực kỳ ấn tượng và chúng tôi hy vọng kho tài liệu về chủ đề này sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng. Một cảnh báo quan trọng là chúng tôi chỉ tìm thấy 5 nghiên cứu về các nước thu nhập thấp và trung bình. Có thể do những tiêu chí chọn lọc của chúng tôi quá khắt khe (hoặc chúng bị bỏ sót trong quá trình chọn lọc). Chúng tôi hơi lo ngại về tính xác thực tại ngoại của những phát hiện của chúng tôi, mặc dù những cơ chế loại trừ tổng quát thường tương tự nhau ở các quốc gia. Nhưng những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có một số đặc thù chung. Ví dụ, ở nhiều quốc gia, các trường trung học vẫn tập trung ở khu vực thành thị, và có những chuẩn mực xã hội nghiêm ngặt khiến học sinh nữ (và đôi khi học sinh người dân tộc thiểu số) phải nghỉ học. Cùng với các nhà nghiên cứu khác, chúng tôi hy vọng sẽ tìm hiểu những hiện tượng này trong tương lai để giải quyết khoảng cách này. Các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới sẽ muốn hiểu thêm về sự công bằng trong giáo dục đại học, đặc biệt khi nhu cầu học tập ngày càng tăng trên toàn thế giới, với nhiều trẻ em đến trường hơn bao giờ hết.