Điều 8. Khái niệm tội phạm theo Bộ luật hình sự

Điều 8. Khái niệm tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.

 

Bình Luận:

Từ khái niệm nêu trên ta xác định được các yếu tố cấu thành của tội phạm, bao gồm:

1. Hành vi nguy hiểm cho xã hội.

2. Yếu tố có lỗi.

3. Do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện.

4. Xâm phạm các mối quan hệ được qui định tại Bộ luật hình sự.

Do vậy không phải mọi hành vi đều cấu thành tội phạm mà chỉ khi hành vi đó thỏa mãn đồng thời 4 yếu tố nêu trên thì mới xác định có tội phạm xảy ra.

Khái niệm tội phạm theo qui định trên có nhiều điểm mới so với khái niệm tội phạm được qui định trong Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Bộ luật hình sự 1999). Cụ thể:

– Tăng cường chủ thể chịu trách nhiệm hình sự. Nếu trước đây chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân thì hiện nay đã có thêm chủ thể mới là các pháp nhân thương mại. Hai chủ thể này có đặc điểm hoàn toàn khác nhau, chính vì vậy mà trách nhiệm hình sự của họ cũng khác nhau. Điều này thể hiện ở chỗ, cá nhân khi thực hiện hành vi phạm tội thì các loại hình phạt được áp dụng theo qui định tại Điều 32 (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình….), pháp nhân thương mại khi phạm tội thì được áp dụng một số loại hình phạt mang tính riêng biệt phù hợp với đặc điểm chủ thể qui định tại Điều 33 (phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm huy động vốn….) và tất nhiên phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cũng chỉ giới hạn ở các loại tội phạm được qui định tại Điều 76, cụ thể Điều 188 (Tội buôn lậu), Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả), Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm), Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuộc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh), Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi), Điều 196 (Tội đầu cơ), Điều 200 (Tội trốn thuế), Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước), Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch, hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán), Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán), Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán), Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm), Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động), Điều 217 (Tội vi phạm qui định về cạnh tranh), Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan), Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp), Điều 227 (Tội vi phạm qui định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên), Điều 232 (Tội vi phạm qui định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản), Điều 234 (Tội vi phạm qui định về bảo vệ động vật hoang dã), Điều 235 (Tội gây ô nhiễm môi trường), Điều 237 (Tội vi phạm qui định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường), Điều 238 (Tội vi phạm qui định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê diều và phòng chống thiên tai; vi phạm qui định về bảo vệ bờ, bãi sông), Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam), Điều 242 (Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản), Điều 243 (Tội hủy hoại rừng), Điều 244 (Tội vi phạm qui định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm), Điều 245 (Tội vi phạm qui định về bảo tồn thiên nhiên), Điều 246 (Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại), Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố), Điều 324 (Tội rửa tiền). Xem xét các loại tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chúng ta dễ dàng nhận thấy chỉ đối với một số hành vi liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, thuế, tài chính, môi trường … thì mới qui định trách nhiệm hình sự.

– Tinh gọn các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Cụm từ “xâm phạm quyền con người” đã thay thế cho “xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản”. Cách qui đinh này trước hết làm cho khái niệm tội phạm đảm bảo được tính ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn khái quát được toàn bộ các quan hệ mà pháp luật hình sự phải can thiệp. Thay vì theo cách liệt kê, dự liệu chi tiết từng mối quan hệ thì đến đây các nhà làm luật đã nhìn nhận một cách tổng thể hơn, khái quát hơn, khắc phục nhược điểm, tư tưởng liệt kê mà bấy lâu nay vẫn áp dụng. Phương pháp liệt kê trong Bộ luật hình sự 1999 có ưu điểm là chỉ điểm cụ thể các quan hệ hay nói cách khác là xác định đích danh, tuy nhiên phương pháp này không mang tính bao quát. Việc qui định cụm từ quyền con người là phù hợp với hiến pháp 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta ghi nhận một cách trân trọng về quyền con người tại một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Tiếp nối sự khẳng định trong việc tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ quyền con người mà Bộ luật hình sự sửa đổi đã có cách ghi nhận mới. Do vậy việc ghi nhận như hiện nay là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn trong tiến trình hội nhập quốc tế, Nhà nước đã sử dụng công cụ mạnh mẽ nhất để bảo vệ quyền con người.

– Xác định lại phạm vi chịu trách nhiệm hình sự: Khái niệm tội phạm thể hiện rất rõ một chủ thể chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi và chỉ khi xâm phạm các mối quan hệ mà theo qui định Bộ luật hình sự hành vi đó phải bị xử lý. Chính vì vậy mà khi một hành vi xảy ra trên thực tế, bên cạnh xác định các yếu tố cấu thành khác thì chúng ta phải xác định hành vi đó có cấu thành một trong các loại tội phạm được thể hiện trong Bộ luật này hay không. Mặc dù một hành vi có xâm phạm đến một mối quan hệ xã hội nhất định nhưng không thuộc phạm trù được liệt kê tại phần các tội phạm thì đương nhiên hành vi này không phải chịu trách nhiệm hình sự, có chăng nó sẽ cấu thành một trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm hành chính, dân sự. Bộ luật hình sự 1999 chưa thực hiện được điều này và từ đó tạo ra sự nhầm lẫn, mâu thuẫn trong chính khái niệm cũng như trong từng loại tội phạm nhất định.

Một hành vi khi thỏa mãn được 4 yếu tố nêu trên thì cấu thành tội phạm. Tuy nhiên xét yếu tố về tính nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật có thể loại trừ nó ra khỏi các biện pháp chế tài của Bộ luật hình sự hay nói cách khác hành vi đó không phải chịu trách nhiệm hình sự, nó sẽ được xem xét ở các trách nhiệm pháp lý khác như hành chính hay dân sự. Như vậy một câu hỏi được đặt ra là mức độ nguy hiểm của một hành vi được xác định như thế nào? Đây là một vấn đề rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính phải chịu trách nhiệm hình sự của một hành vi.

Để đánh giá một cách chính xác tính nguy hiểm của hành vi cần phải xem xét một cách tổng thể, đối chiếu qua lại giữa nhiều yếu tố khác nhau như: chủ thể thực hiện là ai, hoàn cảnh khi nào, ở đâu, hậu quả mà hành vi đó gây ra…có như vậy mới đưa ra được nhận định đúng đắn. Không có một khuôn mẫu, chuẩn mực nào để chúng ta có thể xác định ngay lập tức mức độ nguy hiểm của hành vi mà phải phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá của các cơ quan điều tra, tố tụng. Để đảm bảo tính công bằng, đòi hỏi các cá nhân, cơ quan chức trách khi xem xét hành vi phải thật sự khách quan.