Diễn viên, nhà thiết kế Trần Nữ Yên Khê:Tôi nghĩ quốc tịch của tôi là con người tôi”

VIỆT VĂN thực hiện

  –  

Thứ bảy, 10/09/2016 08:30 (GMT+7)

Dáng đẹp như người mẫu, Trần Nữ Yên Khê gây ấn tượng nhất ở cặp mắt luôn mở to. Ăn mặc giản dị, lúc sơ mi, lúc áo thun, Yên Khê xuất hiện tại Hà Nội vào dịp Viện Pháp tại Việt Nam và Green Media công chiếu bộ phim mới “Vĩnh cửu” (tên gốc tiếng Pháp là “Éternité”) của đạo diễn Trần Anh Hùng, chồng chị.

Diễn viên, nhà  thiết kế Trần Nữ  Yên Khê:Tôi nghĩ quốc tịch của tôi là con người tôi”

* Trong “Vĩnh cửu”, chị đóng vai trò gì?

– Yên Khê lo tất cả những cái khán giả có thể xem thấy trên màn ảnh: từ bối cảnh (décor), kiểu tóc, giày dép, áo quần của nhân vật đều là lựa chọn của Yên Khê, để tạo ra một bộ phim đặc biệt. Thời gian trong phim trải dài 100 năm, nhân vật rất đông và Yên Khê cùng 2 cộng sự người Bỉ và Pháp phải chạy khắp nơi, tìm áo quần cũ, vải làm như hồi xưa chứ không phải vải của thế kỷ 21, để lên được sự chân thật của bộ phim. Có hôm, 4h chiều vừa xong phần phục trang ở Paris lại hối hả leo lên tàu chạy một tiếng rưỡi đến Brusell (Bỉ) để làm décor. Rất mệt nhưng rất thú vị… Anh Hùng cần một người hiểu rõ nhất anh Hùng, và anh ấy cũng không cần kiểm tra, để Yên Khê tự do lựa chọn vì phim này không có nhiều thời gian.

 

 Ảnh do nhân vật cung cấp. 

* Theo chị, thiết kế trang phục đóng bao nhiêu phần trăm vào thành công của phim?

– Rất quan trọng. Yên Khê cũng là diễn viên, nếu mình đi giày cao hay giày thấp, mặc quần chật hay váy thì mình diễn sẽ và đóng một kiểu khác. Việc của Yên Khê là giúp diễn viên tìm áo quần hợp với hành động, tâm lý để diễn viên có thể diễn dễ dàng hơn. Làn da của diễn viên rất quan trọng, “lớp da” thứ 2 là áo quần, “lớp da” thứ 3 là bối cảnh. Bối cảnh trong phim phải làm người xem cảm nhận được cá tính, tâm hồn của nhân vật.

* Thiết kế phục trang trong các phim Việt chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các phim lịch sử, chị thấy sao?

– Phim “Tấm Cám” của Ngô Thanh Vân, Yên Khê chưa được xem, mới chỉ xem qua Facebook, trailer và một số cảnh phim, Yên Khê thấy phim Việt tiến bộ rồi, không có gì kém các phim Hồng Kong, thực sự phim VN có nhiều bước tiến bộ rõ rệt qua các Liên hoan phim quốc tế, qua đĩa DVD mà Yên Khê xem.

* Lâu lắm rồi, từ sau “Mùa hè chiều thẳng đứng”, không thấy chị đóng phim gì khác?

– Vì Yên Khê mải lo 2 đứa con, thêm nữa bên Pháp không có nhiều vai cho người Á Châu. Mà một số vai họ mời Yên Khê đóng, như phim hài, nó rất nhỏ, và họ lại mang sẵn một cái nhìn định kiến một phụ nữ Á Châu qua mắt người Âu Châu. Nó khác xa với phụ nữ Á Châu thực tế, chưa nói đến phụ nữ VN. Nếu tham gia, Yên Khê sẽ mất đi một cái gì đó trong tâm hồn, nên mình không nhận… Còn ở VN giờ thấy thị trường phim đang nổi…

* Chị có thể về VN tham gia phim nào đó?

– Có chứ, Yên Khê rất thoải mái, sẵn sàng. Nhưng nhiều đạo diễn Việt không dám mời, họ ngại vì nghĩ Yên Khê chỉ đóng phim anh Hùng thôi.

* Nhưng chị hứng thú với dạng vai nào?

– Khó nói lắm. Kịch bản phải hay, mạnh.

* Chị diễn theo bản năng hay trải nghiệm sống nhiều hơn?

– Cả hai. Khi vào phim “Mùi đu đủ xanh”, anh Hùng nói phải thể hiện được cái mạnh của sự ngây thơ. Yên Khê xem rất nhiều phim tài liệu về động vật và khi nhìn dáng đi những con thú, Yên Khê biết mình phải đi đứng, tạo hình như thế nào. Những con thú mềm mại có duyên, cá tính mạnh, và có con rất sang trọng.

 Ảnh do nhân vật cung cấp. 

* Chị có giấc mơ làm đạo diễn?

– Sau “Rừng Na Uy”, phim mà Yên Khê làm Production Desginer (thiết kế sản xuất) và Costume Designer (thiết kế phục trang), đã rất thích làm đạo diễn. Nhưng hiện tại anh Hùng cần Yên Khê ở những phần việc như thiết kế bối cảnh, phục trang, để anh Hùng hoàn toàn thoải mái tập trung làm đạo diễn. Nếu mà Yên Khê làm đạo diễn, mình cũng rất muốn có người hiểu mình, bên cạnh mình như vậy.

* Cách nhìn về phụ nữ của anh Hùng và Yên Khê có giống nhau không?

– Giống! Hai đứa mình gặp nhau lúc còn rất trẻ. Như anh Hùng nói: cái cách mình nhìn nhau. Anh Hùng nhìn Yên Khê như mẫu phụ nữ đặc biệt từ đó suy ra các mẫu khác. Hai đứa chỉ nhìn nhau là hiểu ngay cần phải làm gì.

* Xem phim chị đóng, thấy nhân vật của chị không hẳn là phụ nữ Việt, cũng không ra người Pháp, phải chăng đúng như anh Hùng nói, đó là dạng phim không quốc tịch, có thể mượn bối cảnh, nhân vật ở nước này, nước khác để chuyển tải thông điệp toàn cầu? Nhưng tôi lại nghĩ trong một thế giới phẳng, toàn cầu hóa thì mỗi cá nhân lại càng phải bám chặt vào một cái gốc rễ nào đó để tồn tại và sáng tạo. Chị nghĩ sao?

– Hồi Yên Khê sang Pháp mới 1 tuổi, anh Hùng thì lớn hơn. 1 tuổi thì đi còn chưa vững, tiếng Việt phải học lại. Hồi nhỏ, Yên Khê suy nghĩ rất Tây vì xung quanh toàn người Pháp. Thỉnh thoảng, Yên Khê đi qua cái gương nhìn vào và nhận ra mình là người Việt khác với các bạn Pháp. Đến thời kỳ 15 – 18 tuổi, thì mình có cảm giác khó chịu vì muốn giống bạn bè. Sau thì thấy chính vị trí của mình, không ngồi ở một mảnh đất vững chắc nào lại là hay, nó giống như ngồi chông chênh giữa hai cái ghế vậy, giúp mình sáng tác tốt hơn. Ngồi chông chênh luôn phải mở to mắt, để ý mọi thứ xung quanh, tìm hiểu chỗ này, chỗ kia, mình không thể ngồi thoải mái trong một cái ghế để rồi ngủ thiếp đi. Mình và anh Hùng ở nước ngoài lâu có có cách nhìn về VN khác với người Việt. Hồi Yên Khê về Đà Nẵng lúc 15, 16 tuổi, mình biết làm nhiều thứ mà bạn bè Việt Nam không làm được. Vì các bạn sống ở đây không quan tâm đến chuyện đó, còn bố mẹ mình ở Pháp không muốn mình quên đi truyền thống, nên dạy mình.

Yên Khê càng già đi thì càng thấy mình là người Việt. Nhiều bạn bè người Việt ở Pháp lấy tên Pháp, họ đổi cả cách ăn, cách uống, dường như họ không để ý đến, còn Yên Khê thì ngược lại vì đương nhiên cái gốc của mình là Việt Nam.

 Ảnh do Việt Văn chụp.

* Chị từng nói rất thích đọc tiểu thuyết của nhà văn Nhật – Haraki Murakami. Trong những tiểu thuyết của H. Murakami luôn có một nhân vật Tôi tinh tế, nhạy cảm nhưng cô đơn đến tận cùng và luôn đi tìm kiếm điều gì đó thiếu hụt trong mình. Còn chị?

– Tôi nói tiếng Pháp và viết đúng chính tả còn hơn nhiều người Pháp nhưng người Pháp nhìn mình không phải là người Pháp, còn người Việt Nam nhìn mình không phải là người Việt. Sự cô đơn nằm ở đó. Sau cùng, tôi nghĩ quốc tịch của tôi là con người tôi.

* Mỗi một con người, sự vật sinh ra đều có lý do để tồn tại trong vũ trụ. Sứ mệnh của chị là gì?

– Tôi và anh Hùng làm những bộ phim để chia sẻ và để lại cho thế hệ sau những cảm xúc, những suy nghĩ về cuộc sống, về lòng tốt của con người.

* Điện ảnh đem lại và lấy đi của chị những gì?

– Điện ảnh chắc chắn là lấy đi tuổi trẻ, sức lực. Còn mang lại niềm vui, mình có tác phẩm để lại mà ba bốn thế hệ sau muốn xem vẫn có thể xem được.

Xin cám ơn Yên Khê và chúc chị luôn dồi dào cảm hứng sáng tạo!