Điện 3 pha là gì ? Điện 1 pha, 2 pha là gì và cách phân biệt chúng ra sao ?
Mến chào tất cả các bạn nhé, trong bài viết này mình và các bạn sẽ cùng nhau tìm hiểu về điện 3 pha là gì cũng như so sánh chúng với điện 1 pha và điện 2 pha. Vì đây là một vấn đề được nhiều bạn hiện nay thắc mắc nên mình cũng muốn thông qua bài viết này chia sẻ đến các bạn. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi qua các nội dung chính như khái niệm về điện 1 pha – 2 pha 3 pha như thế nào ? Đặc điểm về điện áp của chúng ra sao ? Đối tượng sử dụng là ai và các thông tin liên quan khác, từ đó chúng ta sẽ có thêm các kiến thức liên quan về vấn đề này nhằm phục vụ cho công việc và học tập.
Đây là bài viết chia sẻ kiến thức, bên mình không kinh doanh mặt hàng này. Vui lòng không gọi điện, nhắn tin hỏi hàng. Xin cám ơn !
Điện 1 pha là gì ?
-
Khái niệm: điện 1 pha là dòng điện được lấy từ 2 dây dẫn, trong đó 1 dây được lấy từ mạng điện 3 pha và 1 dây lấy từ dây trung tính của mạng điện, hay còn gọi là dây lửa và dây nguội.
-
Hiệu điện thế: tại Việt Nam thì hiệu điện thế giữa 2 dây là 220V. Tuy nhiên trên thực tế ở một số quốc gia khác ví dụ như Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, điện áp 1 pha theo quy chuẩn thấp hơn: 100V, 110V, 120V,…
-
Đối tượng sử dụng: điện 1 pha từ lâu đã được sử dụng dày đặc và phổ biến trong các việc sinh hoạt gia đình, dùng cho các thiết bị công suất thiết bị nhỏ, các thiết bị không bị hao phí về điện năng nhiều. Một số loại thiết bị có thể kể đến là điện dân dụng như đèn, đèn ngủ, quạt, quạt trần, nồi lẩu, bàn là, bếp điện từ,…Và đây cũng là dòng điện quen thuộc với chúng ta nhất từ trước cho đến nay.
Điện 2 pha là gì ?
-
Khái niệm: theo quy ước của ngành điện thì số pha sẽ được tính bằng với số dây nóng. Vì vậy, điện 2 pha sẽ có 2 dây nóng, thực tế thì điện 2 pha là một loại điện rất đặc biệt. Sở dĩ khái niệm điện 2 pha ít người biết đến bởi nó mới được phát minh cách đây không lâu. Thông qua việc nghiên cứu và chế tạo máy ổn áp, dòng sản phẩm ổn áp ra đời sau này có loại có 2 pha lửa. Về cơ bản, máy này sẽ sử dụng 2 dây pha nóng bất kì đấu vào đầu vào (input), không cần dây trung tính, và lấy ra được điện 1 pha ở đầu ra (output).
-
Hiệu điện thế: trên thực tế thì ở đầu ra cả 2 dây đều là dây nóng tuy nhiên có 1 dây có trị số rất thấp, khoảng từ 3V~5V, vì vậy vẫn tạo ra hiệu điện thế U = 220V để sử dụng cho các thiết bị điện 1 pha.
-
Đối tượng sử dụng: sử dụng cho các thiết bị điện 1 pha như các thiết bị điện dân dụng,…
Điện 3 pha là gì ?
-
Khái niệm: hệ thống điện 3 pha gồm có 3 dây nóng và 1 dây trung tính. Có 2 cách nối điện 3 pha đó là nối hình sao và nối hình tam giác. Đường điện 3 pha tương tự như 3 đường điện 1 pha chạy song song, chung 1 dây trung tính. Vì vậy hệ thống điện của chúng ta thường có 4 dây, 3 dây nóng và 1 dây lạnh (dây trung tính). Các bạn có thể thấy rõ điều này khi quan sát các đường dây điện hạ thế quanh khu vực đang sinh sống.
-
Hiệu điện thế: cũng giống như điện 1 pha, điện 3 pha ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới có thể khác nhau. Điều này phụ thuộc vào lịch sử, cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế, công nghệ….và một số yếu tố khác. Theo mình tìm hiểu được thì mỗi quốc gia sẽ có giá trị điện áp 3 pha như sau: 380V/3F – Việt Nam, 220V/3F – Mỹ, 200V/3F – Nhật Bản
-
Đối tượng sử dụng: điện 3 pha được sử dụng cho việc truyền tải, sản xuất công nghiệp sử dụng thiết bị điện có công suất lớn để giải quyết vấn đề tổn hao điện năng. Trên thực tế thì nhiều hộ gia đình có hệ thống điện 3 pha sẵn, lắp đặt thêm một chiếc ổn áp 3 pha để lấy đầu ra 220V 1 pha phục vụ cho sinh hoạt. Đây là cách làm rất tối ưu bởi tận dụng được lợi thế của nguồn cấp 3 pha. Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy điện 3 pha dùng nhiều nhất là vận hành các nhà máy chế biến lương thực thực phẩm, xay xác lúa gạo, có các băng chuyền sản xuất,…
Cách phân biệt đơn giản giữa dòng 1, 2 và 3 pha:
Chúng ta có thể không cần biết qua nhiều kiến thức khi muốn xác định đâu là nguồn 1,2 và 3 pha. Một mẹo để các bạn có thể phân biệt dù không biết quá nhiều đó là nhìn vào số dây và loại day nguồn điện sử dụng. Cụ thể như sau:
-
Mạng điện 1 pha: là dòng điện có 2 dây nóng và 1 dây lạnh.
-
Mạng điện 2 pha: tức là có 2 dây nóng và không sử dụng dây trung tính.
-
Mạng điện 3 pha: thì có tới 4 dây; bao gồm 3 dây nóng và 1 dây lạnh.
Phân loại điện 3 pha như thế nào ?
Hiện tại trên thực tế hiện nay chúng ta sẽ có 2 loại điện 3 pha khác nhau ở số dây sử dụng đó là:
-
Lưới điện 3 pha – 3 dây: dùng để truyền tải không cần dây trung tính điện áp trong khoảng (15Kv – …..), dùng khi tải không cần điện áp pha( chỉ tạo được 1 cấp điện áp) ưu điểm về mặt kinh tế, tiết kiệm dây. Bạn có thể hiểu nôm na như thế này : đặt ra tình huống 1 dây dẫn bị đứt, rơi xuống đất (chạm đất) thì 2 pha còn lại vẫn hoạt động bình thường nhưng điện áp không còn ở giá trị Udm nữa rồi. Khi có người chạm vào dây bị đứt thì sẽ bị tai nạn điện
-
Lưới điện 3 pha – 4 dây: sử dụng cho mạng hạ thế cấp trực tiếp tới thiết bị nên có dây trung tính, tạo được 2 cấp điện áp dây và pha, nhược điểm là tốn dây. ngược lại với điện 3 pha 3 dây, khi có 01 dây chạm đất thì rơ-le đầu nguồn sẽ tác động cắt hết 3 pha.
Ưu điểm của dòng điện 3 pha là gì ?
Theo cá nhân mình thấy thì mỗi dòng điện như 1 pha hay 3 pha đều có những ưu điểm riêng cả, tùy vào từng yếu tố mà chúng ta có thể sử dụng cho phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên mình thấy các ưu điểm lớn của điện 3 pha sẽ là:
-
Việc truyền tải điện năng bằng mạch điện sẽ giúp tiết kiệm dây dẫn hơn điện 1 pha.
-
Dòng điện 3 pha luôn có cấu tạo đơn giản và đặc tính tốt hơn rất nhiều so với dòng điện xoay chiều 1 pha.
-
Được sử dụng cả cho mạng lưới điện của gia đình và công nghiệp, nhưng để sử dụng cho gia đình bạn cần phải sử dụng ổn áp.
Cách tạo ra nguồn điện 3 pha như thế nào ?
Để tạo ra được nguồn điện 3 pha cần sử dụng mát phát điện xoay chiều 3 pha gồm:
-
3 dây quấn AX, BY, CZ và nam châm điện
-
Các dây quấn AX, BY, CZ có cùng số vòng dây và được đặt lệch nhau một góc 2pi/3 trong không gian.
Điện 3 pha có nguyên lý hoạt động: khi quay nam châm với vận tốc không đổi từ trường sẽ lần lượt quét qua các dây quấn và cảm ứng vào trong dây quấn, khi đó sức điện động xoay chiều cùng biên độ, tần số và lệch pha nhau 1 góc 120 độ nếu xét về mặt thời gian là 1/3 chu kì. Tải 3 pha thường là động cơ điện 3 pha với các tổng trở của các pha là A,B,C của tải là Za, Zb,Zc. Khi nối điện 3 pha bằng hình sao ta sẽ có 3 điểm cuối là X, Y, Z nối với nhau tạo thành điểm trung tính O. Cách nói còn lại là nối hình tam giác sẽ là đầu pha này nối với cuối của pha kia.
Cách đấu dây điện 3 pha như thế nào ?
Khi nhắc về dòng điện 3 pha thì chúng ta chỉ có 2 cách đấu dây chính đó là đấu hình sao và đấu tam giác. Cách thức đấu này chúng ta đã được giới thiệu sơ qua từ lúc học phổ thông ở bộ môn Công nghệ. Cần hết sức lưu ý về loại dây mà chúng ta đấu đó là dây nóng đấu với dây nóng và dây trung tính sẽ đấu với dây trung tính nhé. Các bạn có thể tham khảo sơ đồ đấu đây bên dưới.
Đấu dây điện 3 pha tam giác:
-
Mức điện áp định mức: 220V/380V
-
Điện áp của mạng lưới điện hiện tại: 110V/220V (3 pha)
-
Điểm phù hợp: phù hợp giữa mức điện áp thấp nhất (220V) của động cơ và mức điện áp cao nhất (220V) của lưới điện
Đấu dây điện 3 pha hình sao:
-
Mức điện áp định mức: 220V/380V
-
Điện áp của mạng lưới điện hiện tại: 220V/380V (3 pha)
-
Điểm phù hợp: phù hợp giữa mức điện áp thấp nhất (380V) của động cơ và mức điện áp cao nhất (380V) của lưới điện
Mạch điện 3 pha đối xứng là gì ?
Đối với mạch điện ba pha đối xứng, dòng điện, điện áp các pha có trị số bằng nhau và lệch pha nhau một góc 120°. Vì vậy khi giải mạch 3 pha đối xứng, ta tách ra một pha để tính. Khi tách riêng một pha thì mạch điện một pha thông thường với điện áp của mạch là Up. Thông số tính được cho một pha (dòng, áp) và suy ra các pha còn lại với góc lệch tương ứng là -120° và 120°. Công suất 3 pha bằng 3 lần công suất một pha hoặc theo biểu thức công suất mạch điện 3 pha.
Mạch điện 3 pha không đối xứng là gì ?
Khi tải không đối xứng ZA khác ZB khác Zc thì dòng điện và điện áp trên các pha không đối xứng. Ta phân biệt hai trường hợp:
-
Tải các pha không có liên hệ hỗ trợ cảm với nhau
-
Tải các pha có hỗ trợ cảm, mức độ không đối xứng còn phụ thuộc vào điện áp nguồn.
Đối với các tải không có hỗ trợ cảm ta coi mạch ba pha không đối xứng là mạch phức tạp gồm nhiều nguồn sức điện động.
Cách chọn dây điện 3 pha:
Dây điện 3 pha là loại dây điện có từ 03 đến 04 dây, tùy theo yêu cầu của khách hàng mà nhà sản xuất dây cáp điện sẽ cho ra loại sản phẩm phù hợp. Trong mỗi công trình, dây điện 3 pha có thể có vỏ bọc cách điện hoặc không có vỏ bọc cách điện. Chúng ta cũng có thể lựa chọn mức điện áp phân phối cho hợp lý với công trình và nhu cầu của mình, và cũng không cần lo lắng bởi giá dây điện 3 pha khá phù hợp với điều kiện kinh tế của mọi người.
Dây điện 3 pha (dây điện 3 pha) hiện nay đang được bán cũ trên thị trường khá nhiều. Nếu chưa có điều kiện để mua mới sản phẩm, mọi người có thể tham khảo nguồn cung cấp tại các công trường xây dựng. Chú ý những đặc điểm sau trước khi mua lại sản phẩm dây điện 3 pha cũ:
-
Kiểm tra cả cuộn dây điện nếu sản phẩm được cuộn trong lô
-
Kiểm tra số mm2 của sản phẩm: có đủ theo quy định hay không
-
Kiểm tra dây có bị đen ngầm bên trong hay không
-
Kiểm tra dây có bị bóc tách bên trong hay không
-
Nhưng tốt nhất là khách hàng vẫn nên mua mới sản phẩm dây điện 3 pha (dây điện 3 pha) 100% để đảm bảo an toàn về điện cũng như đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Lý do nên sử dụng dây điện 3 pha 4 lõi:
-
Dễ dàng ghép nối giữa các đoạn dây với nhau: dây điện 3 pha 4 lõi không chỉ giúp cường độ dòng điện được tối ưu hóa mà còn giúp dễ dàng ghép nối các đoạn dây điện với nhau. Vì dây điện nhiều lõi khiến việc tuốt bỏ lớp vỏ ngoài để phục vụ việc nối sẽ vô cùng dễ dàng do lớp lõi khá mềm và dễ uốn. Công việc nối hai đoạn dây điện nhiều lõi sẽ đơn giản và ít tốn thời gian hơn nhiều so với 2 đoạn dây điện 1 lõi.
-
Dẫn điện tốt hơn và dẫn được nhiều dòng hơn: khoa học đã chứng minh dây điện càng nhiều lõi thì khả năng dẫn điện và dẫn dòng càng tốt. Ví dụ như dây điện 3 pha 4 lõi thì lớp lõi sẽ được kết hợp từ cả đồng và nhôm (đồng nhiều hơn) nên nó sẽ mềm hơn, nối dễ hơn, dẫn điện và nhiệt tốt hơn cũng như dẫn được nhiều dòng điện khác nhau.
Điện 3 pha có sử dụng được cho hộ gia đình hay không ?
Câu trả lời cho vấn đề này là được nhé các bạn, tuy nhiên để sử dụng được điện 3 pha cho quy mô hộ gia đình thì thực sự không cần thiết. Thứ nhất là giá thành chi trả cho việc sử dụng điện 3 pha rất cao so với điện 1 pha. Thứ hai là các thiết bị sử dụng cho hộ gia đình thường được thiết kế với công suất nhỏ nên chỉ cần dùng dòng 1 pha là có thể sử dụng tốt. Mặt khác thì đối tượng sử dụng dòng 3 pha thường là các nơi sản xuất, kinh doanh cần vận hành máy móc có công suất cao và làm việc liên tục. Chính vì thế về mặt tối ưu hóa chi phí thì không ai sử dụng điện 3 pha cho quy mô hộ gia đình cả.
Trên đây là một số thông tin và kiến thức cơ bản về dòng điện 1, 2 và 3 là gì ?. Hy vọng nó sẽ cần thiết cho những bạn đang cần tìm hiểu. Vì là kiến thức cá nhân và thu thập được trên các trang mạng nên không thể tránh khỏi sai sót, rất mong được sự đóng góp của các bạn để bài viết được hoàn hảo hơn.
Website: congnghedoluong.com và thietbicambien.vn
Đây là bài viết chia sẻ kiến thức, bên mình không kinh doanh mặt hàng này. Vui lòng không gọi điện, nhắn tin hỏi hàng. Xin cám ơn !
[Total: 1 Average: 5/5]