Điểm nhấn giáo dục: Loạt nữ sinh ‘tố’ phó hiệu trưởng ở Tây Ninh có hành vi sàm sỡ

TPO – Thủ tướng ra Chỉ thị về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022; Giáo sư Ngô Bảo Châu làm thành viên hội đồng tín thác trường Đại học Fulbright Việt Nam; Bộ trưởng Giáo dục nói gì khi sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Thủ tướng ra Chỉ thị về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2022, trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, trong đó có khâu ra đề thi.

Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, đến nay, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đi vào nền nếp, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, tạo điều kiện hơn cho học sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành học. (xem chi tiết)

Giáo sư Ngô Bảo Châu làm thành viên hội đồng tín thác trường Đại học Fulbright Việt Nam

Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong năm thành viên mới tham gia hội đồng tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Ngoài Giáo sư Ngô Bảo Châu, 4 thành viên mới tham gia hội đồng tín thác trường Đại học Fulbright Việt Nam, gồm:

Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Đại học Columbia (Hoa Kỳ); bà Kathleen Matthews, chiến lược gia về chính sách công và truyền thông quốc tế; ông Chris Helzer, Phó Chủ tịch về chính sách toàn cầu và quan hệ chính phủ tại Tập đoàn NIKE; bà Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính của Arevo tại Việt Nam. (xem chi tiết)

Sách giáo khoa tăng giá 2-3 lần, Bộ trưởng Giáo dục nói gì?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sách giáo khoa mới đắt hơn vì khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành…, doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Ông Sơn cho rằng, khi so sánh giá sách, cần so sánh giá tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.

Đơn cử như sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành…, theo ông Sơn, do doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính. (xem chi tiết)

Loạt nữ sinh “tố” phó hiệu trưởng ở Tây Ninh có hành vi sàm sỡ

Đang “dính” nghi án sàm sỡ với 1 nữ sinh, ông Nguyễn Văn Trác (phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Khánh – huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) bị đình chỉ công tác. Sau khi sự việc xảy ra, lại có thêm 2 nữ sinh khác vừa ‘tố’ ông Trác với công an cùng hành vi tương tự. (xem chi tiết)

Bộ Giáo dục chỉ ra nhiều sai sót trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ở TPHCM

Theo Bộ GD&ĐT kỳ thi học sinh giỏi tại Hội đồng TPHCM có những thiếu sót, hạn chế như có số lượng thí sinh vượt quy định, không thực hiện xếp số báo danh theo thứ tự A-B-C; bố trí phòng thi không đúng quy định,… (xem chi tiết)

Nữ sinh lớp 11 bị bạn dùng dao cạo rạch mặt

Một nữ sinh ở Gia Lai cho rằng bạn cùng lớp học giỏi nên kiêu ngạo, dẫn đến mâu thuẫn. Trong quá trình xô xát, chính nữ sinh này đã bị bạn dùng dao cạo lông mày rạch trúng mặt.

Ông Lê Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai) xác nhận vụ việc xảy ra giữa 2 nữ sinh lớp 11A7 của trường, diễn ra cách đây vài ngày.

Ông Trọng cho hay, lý do xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau chỉ là bột phát từ lời qua tiếng lại về việc học. Trong quá trình giằng co giữa 2 nữ sinh, một em bị bạn dùng dao cạo lông mày rạch trúng mặt.

“Hai nữ sinh mâu thuẫn từ việc nói nhau về việc học. Nữ sinh này nói nữ sinh kia là học giỏi nên kiêu ngạo với bạn bè. Hai nữ sinh lời qua tiếng lại rồi dẫn tới thách thức, xô xát nhau. Trong quá trình xô xát, em bị nói kiêu ngạo đã dùng dao cạo lông mày rạch trúng mặt nữ sinh kia.

Sau đó, những học sinh cũng cùng chơi với 2 học sinh này đã vào can ngăn. Nhóm bạn cũng đã đưa nữ sinh bị rạch trúng mặt đến bệnh viện”, ông Trọng nói.

Giáo viên vay lãi, hàng loạt hiệu trưởng, lãnh đạo phòng bị “khủng bố”

Dù không liên quan đến việc vay nợ, nhưng giáo viên, lãnh đạo trường, lãnh đạo Phòng GD&ĐT ở Hà Tĩnh liên tục bị “khủng bố” bằng tin nhắn, thậm chí bêu rếu lên mạng xã hội.

Mới đây, ông Đặng Thái Mân – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh đã làm tờ trình gửi Sở TT&TT, Công an huyện Hương Khê làm rõ việc ông cùng nhiều giáo viên trong trường bị xúc phạm trên mạng xã hội.

Ông Mân cho biết, nhiều ngày qua, ông và hiệu phó cùng một số giáo viên trong trường bị đăng tải những thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội kèm theo đó là tên và hình ảnh của các giáo viên. (xem chi tiết)

Đỗ Hợp