Dịch vụ pháp lý là gì? Khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý?
Hoạt động dịch vụ pháp lý được hình thành và phát triển qua một thời gian khá dài, gần 20 năm. Trong sự phát triển đó, hoạt động dịch vụ pháp lý đã từng trải qua những thăng trầm và đến nay, dù chưa hẳn đã hoàn thiện nhưng ít ra cũng đi vào khuôn khổ.
Mục Lục
1. Dịch vụ pháp lý là gì?
Trong đời sống hàng ngày, mọi người thường nghe nói đến cụm từ “dịch vụ pháp lý”. Vậy dịch vụ pháp lý là gì, được quy định như thế nào và ai được quyền hành nghề dịch vụ pháp lý? Câu hỏi này không phải ai cũng có thể trả lời được và trả lời một cách rành mạch. “Dịch vụ pháp lý” là một lĩnh vực khá rộng, là “đặc quyền” của giới Luật sư, được pháp luật bảo hộ. Bởi lẽ, chỉ có văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề Luật sư (Pháp lệnh Luật sư và văn bản hướng dẫn thi hành) mới quy định về lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Pháp lệnh Luật sư năm 1987 và Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đều quy định về vấn đề này, tuy mỗi thời điểm, khái niệm về “dịch vụ pháp lý” được hiểu ở mức độ khác nhau.
Theo Pháp lệnh Luật sư năm 1987, “dịch vụ pháp lý” là sự giúp đỡ pháp luật, bao gồm: Việc tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc đại diện cho người bị hại và các đương sự khác trong vụ án hình sự, kể cả vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án quân sự; Đại diện cho các bên đương sự trong các vụ án dân sự hôn nhân gia đình và lao động; Làm tư vấn pháp luật cho các tổ chức kinh tế nhà nước, tập thể và tư nhân, kể cả tổ chức kinh tế nước ngoài; Làm các dịch vụ pháp lý khác cho công dân và tổ chức.
Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định “dịch vụ pháp lý” bao gồm ba lĩnh vực: Tố tụng, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác. Đó là: Việc tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can bị cáo hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự; Việc tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, kinh tế, lao động hoặc hành chính; Việc tham gia tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp; Tư vấn pháp luật, soạn thảo hợp đồng, đơn từ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; Đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức để thực hiện công việc có liên quan đến pháp luật; Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cả Pháp lệnh Luật sư 1987 và Pháp lệnh Luật sư 2001 đều có cụm từ “dịch vụ pháp lý khác”. Thế nhưng dịch vụ pháp lý khác là gì thì hai văn bản quan trọng nhất này lại không nói rõ. Mặc dù Pháp lệnh Luật sư 1987 đã hết hiệu lực thi hành, trong khi Pháp lệnh Luật sư mới chưa có văn bản hướng dẫn về “dịch vụ pháp lý khác”. Do vậy, “Dịch vụ pháp lý khác” “tạm thời” vẫn phải sử dụng theo văn bản hướng dẫn trước đây. Điều 30, Quy chế đoàn Luật sư ban hành kèm theo Nghị định 15/HĐBT ngày 21-2-1989 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Luật sư 1987 do Hội đồng Nhà nước ban hành thì các dịch vụ pháp lý khác là: Việc hướng dẫn, giải thích về những vấn đề có liên quan đến pháp luật; Hướng dẫn làm các đơn, từ, hợp đồng; Hướng dẫn viết di chúc, giấy tờ tặng cho và các văn bản có tính chất pháp lý. Việc hướng dẫn có thể bằng văn bản hoặc bằng miệng.
2. Ai được làm dịch vụ pháp lý?
Như đã nói trên, hoạt động dịch vụ pháp lý được hình thành và phát triển qua một thời gian khá dài, gần 20 năm. Trong sự phát triển đó, hoạt động dịch vụ pháp lý đã từng trải qua những thăng trầm và đến nay, dù chưa hẳn đã hoàn thiện nhưng ít ra cũng đi vào khuôn khổ.
Trước đây, theo Pháp lệnh Luật sư 1987, đối tượng được làm dịch vụ pháp lý bao gồm Luật sư, Luật sư tập sự và những người có đủ các tiêu chuẩn đã quy định tại phần II, Thông tư 1119/QLTPK ngày 24-12-1987 của Bộ Tư pháp (gọi tắt là “Người khác”). “Người khác” theo Thông tư 1119 phải hội đủ điều kiện: Có tư cách đạo đức; Đã tốt nghiệp đại học pháp lý hoặc đã qua công tác pháp lý từ 5 năm trở lên và có kiến thức tương đương đại học pháp lý. Điều đáng lưu ý là vào thời điểm đó, chuyên viên tư vấn pháp luật tại các văn phòng dịch vụ pháp lý (bao gồm Luật sư, Luật sư tập sự, “người khác”) chỉ được thực hiện tư vấn về giải đáp pháp luật; Tư vấn về cơ sở pháp lý của các hoạt động kinh tế, xã hội, quản lý xí nghiệp: Tư vấn trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, dân sự và lao động; Hướng dẫn xây dựng các nội quy, quy chế cơ sở… mà không được phép đại diện cho đương sự để tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng kinh tế và tranh chấp dân sự hoặc thay mặt đương sự trực tiếp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đề nghị giải quyết một việc cụ thể.
So với Pháp lệnh Luật sư 1970, quy định về đối tượng được làm dịch vụ pháp lý theo pháp lệnh hiện hành có hạn chế lớn nhưng phạm vi lại được mở rộng hơn rất nhiều. Theo Pháp lệnh Luật sư 2001 và Nghị định 94/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-12-2001 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư, chỉ những người được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư và tham gia một tổ chức hành nghề Luật sư (Văn phòng Luật sư hay Công ty luật hợp danh) thì mới được làm dịch vụ pháp lý. Luật sư tập sự khi hoạt động dịch vụ pháp lý là theo sự phân công của Luật sư hướng dẫn và phải được sự đồng ý của khách hàng. Luật sư tập sự không được ký vào văn bản tư vấn pháp luật và phải chịu trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình thực hiện trước Luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề Luật sư nơi mình tập sự.
Văn bản pháp luật hiện hành không quy định “người khác” được hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ pháp lý. Như vậy có thể thấy, theo quy định mới này, chỉ Luật sư mới được làm dịch vụ pháp lý. Ngoài việc hoạt động dịch vụ pháp lý trong nước, Pháp lệnh Luật sư và Nghị định 94 còn cho phép Luật sư được quyền thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài theo sự phân công của Văn phòng Luật sư hoặc Công ty luật hợp danh nơi Luật sư đó tham gia hành nghề. Việc thoả thuận về công việc, mức thù lao trong hợp đồng dịch vụ pháp lý bên ngoài lãnh thổ Việt Nam do các bên thoả thuận nhưng không được trái với Pháp lệnh Luật sư, Nghị định 94 và các quy định pháp luật khác.
3. Khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý:
Hợp đồng dịch vụ: Theo quy định tại Điều 513 BLDS 2015 thì hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Hợp đồng dịch vụ pháp lý: Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có một quy định nào thể hiện thế nào là hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên có thể khái quát khái niệm như sau:
- Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại hợp đồng thuộc ngành dịch vụ nghề nghiệp, theo đó bên luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho bên thuê luật sư, còn bên thuê luật sư phải trả tiền thù lao theo thỏa thuận,
- Các chủ thể có thể cung ứng dịch vụ pháp lý: tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, văn phòng Thừa phát lại, Tổ chức trọng tài thương mại.
4. Hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý
Theo quy định của khoản 2 Điều 26 Luật luật sư năm 2006: “Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản…”. Như vậy, luật chỉ ghi nhận duy nhất hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý là văn bản”. Luật đã loại trừ các hình thức thể hiện sự thoả thuận của các bên thông qua lời nói hoặc các hành vi cụ thể .
Vậy, trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng lời nói (hay còn gọi là hợp đồng miệng) mà không lập thành văn bản thì sẽ như thế nào? Theo quy định tại Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng thông tuân thủ điều kiện về hình thức sẽ bị vô hiệu trừ trường hợp “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”. Như vậy, trong trường hợp hợp đồng dịch vụ pháp lý không được lập thành văn bản nhưng đảm bảo các điều kiện sau đây thì vẫn có thể coi như các bên đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản:
– Một bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ;
– Cả hai bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ (một bên cung cấp dịch vụ tư vấn, một bên thanh toán tiền).
Về phía khách hàng, việc chứng minh đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ không khó vì dựa trên khoản tiền phí dịch vụ mà các bên đã thoả thuận và số tiền mà khách hàng đã thanh toán thì có thể đưa ra được một con số chính xác. Tuy nhiên, về phía tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, sẽ khó xác định thế nào là đã thực hiện được hai phần ba nghĩa vụ. Bởi lẽ dịch vụ pháp lý là một dịch vụ tương đối đặc thù, rất khó định lượng được. Nó chỉ có thể xác định được khi có những căn cứ cụ thể hoặc là chứng minh được tổ chức hành nghề luật sư đã hoàn thành nghĩa vụ tư vấn của mình.
5. Nghĩa vụ của các bên khi ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý
5.1. Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ:
- Đảm bảo các thông tin, tài liệu do bên thuê dịch vụ cung cấp cho bên cung cấp dịch vụ là sự thật;
- Cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết để bên cung cấp dịch vụ thực hiện công việc;
- Thanh toán tiền thù lao, chi phí cho bên cung cấp dịch vụ;
- Bồi thường các thiệt hại thực tế xảy ra cho bên cung cấp dịch vụ nếu bên thuê dịch vụ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
5.2. Nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ:
- Thực hiện công việc đã thỏa thuận với tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm để đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho bên thuê dịch vụ;
- Không được giao cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện công việc nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ;
- Thông báo kịp thời cho bên thuê dịch vụ về mọi vấn đề liên quan tới quá trình thực hiện công việc;
- Giữ bí mật các thông tin, tài liệu, chứng cứ hoặc sự kiện liên quan đến bên thuê dịch vụ mà bên cung úng dịch vụ biết được trong quá trình thực hiện công việc. Chỉ được công bố các thông tin, tài liệu, chứng cứ sự kiện đó nếu được sự đồng ý của bên thuê dịch vụ;
- Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu hoặc tiết lộ thông tin trái thỏa thuận;
- Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ nếu đơn phương hợp đồng trái pháp luật.