Dịch vụ logistics là gì? Dịch vụ logistics bao gồm những dịch vụ gì?

Khái niệm Logistics là gì? Dịch vụ logistics là gì? Dịch vụ logistics bao gồm những dịch vụ gì? Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics? Quyền, nghĩa vụ của thương nhân và khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics? Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics?

    Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, Logistics ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất. Do đó, mặc dù ra đời chưa lâu nhưng Logistics đã dần khẳng định được vai trò to lớn của mình đối với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

    Luật sư tư vấn pháp luật về dịch vụ Logistic trực tuyến: 1900.6568

    Căn cứ pháp lý

    • Luật thương mại 2005;
    • Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics;

    1. Logistics là gì?

    Logistics, hiểu một cách đơn giản nhất, là dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Công việc của các công ty Logistics là lên kế hoạch cụ thể, kiểm soát sự di chuyển của hàng hóa hay thông tin về nguyên liệu từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo yêu cầu khách hàng đặt ra. Để cạnh tranh hiệu quả trong ngành này, các công ty phải luôn cải tiến và chú trọng đến yếu tố số lượng, chất lượng, thời gian và giá cả dịch vụ.

    Bên cạnh nghiệp vụ giao – nhận, ngành Logistics còn bao gồm những hoạt động khác như bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hỏng… Nếu làm tốt ở khâu Logistics này, các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí về vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận cho công ty.

    Xem thêm: Logistics là gì? Phân tích các đặc điểm của dịch vụ Logistics?

    2. Dịch vụ logistics là gì?

    Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.

    Xem thêm: So sánh dịch vụ vận chuyển hàng hóa và dịch vụ Logistics

    3. Dịch vụ logistics bao gồm những dịch vụ gì?

    Dịch vụ logistics được cung cấp bao gồm:

    – Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay.

    – Dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển.

    – Dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải.

    – Dịch vụ chuyển phát.

    – Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa.

    – Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan).

    – Dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải.

    – Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng.

    – Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển.

    – Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa.

    – Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt.

    – Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ.

    – Dịch vụ vận tải hàng không.

    – Dịch vụ vận tải đa phương thức.

    – Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật.

    – Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

    – Các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật thương mại.

    Xem thêm: Phân loại dịch vụ logistics

    4. Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics:

    • Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.
    • Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.
    • Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics:

    – Ngoài việc đáp ứng các điều kiện, quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới được cung cấp dịch vụ logistics theo các điều kiện sau:

    + Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa):

    + Được thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam.

    + Công ty vận tải biển nước ngoài được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ vận tải biển (có thể dành riêng một số khu vực để cung cấp các dịch vụ hoặc áp dụng thủ tục cấp phép tại các khu vực này), được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ xếp dỡ container thuộc các dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ thông quan thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

    – Trường hợp kinh doanh các dịch vụ khác, bao gồm các hoạt động sau: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng; dịch vụ nhận và chấp nhận hàng; dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt, được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ, được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc được thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng không.

    – Trường hợp kinh doanh dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật

    – Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ được thực hiện dưới hình thức doanh nghiệp trong đó có vốn góp của nhà đầu tư trong nước sau ba năm hoặc dưới hình thức doanh nghiệp trong đó không hạn chế vốn góp nhà đầu tư nước ngoài sau năm năm, kể từ khi nhà cung cấp dịch vụ tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.

    – Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.

    – Việc thực hiện dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.

    • Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.

    Xem thêm: Quy định thuế suất và cách tính mức thuế kinh doanh vận tải, logistics

    5. Quyền, nghĩa vụ của thương nhân và khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics:

    • Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics

    – Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

    + Được hưởng thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác;

    + Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng;

    + Khi xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được một phần hoặc toàn bộ những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng để xin chỉ dẫn;

    + Trường hợp không có thoả thuận về thời hạn cụ thể thực hiện nghĩa vụ với khách hàng thì phải thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn hợp lý.

    • Khi thực hiện việc vận chuyển hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải.
    • Quyền và nghĩa vụ của khách hàng

    Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, khách hàng có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

    – Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng;

    – Cung cấp đầy đủ chỉ dẫn cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

    – Thông tin chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời về hàng hoá cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics;

    – Đóng gói, ghi ký mã hiệu hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá, trừ trường hợp có thỏa thuận để thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics đảm nhận công việc này;

    – Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí hợp lý phát sinh cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của mình hoặc trong trường hợp do lỗi của mình gây ra;

    – Thanh toán cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mọi khoản tiền đã đến hạn thanh toán.

    Xem thêm: Dịch vụ logistics là gì? Các loại dịch vụ logistic tại Việt Nam?

    6. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics:

    • Căn cứ theo Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại năm 2005 quy định về trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

    – Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

    – Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

    – Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

    – Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

    • Ngoài ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:

    – Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

    – Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;

    – Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;

    – Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;

    – Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;

    – Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.

    • Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về việc mất khoản lợi đáng lẽ được hưởng của khách hàng, về sự chậm trễ hoặc thực hiện dịch vụ logistics sai địa điểm không do lỗi của mình.