Dịch vụ đẻ thuê “chui”
Con cái là khát khao cháy bỏng của bất cứ một cặp vợ chồng nào nhưng do nhiều nguyên nhân mà họ không có được thiên chức thiêng liêng ấy. Xuất phát vì mục đích nhân đạo, pháp luật Việt Nam đã cho phép mang thai hộ. Tuy nhiên, quy định này rất chặt chẽ, đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý nên nhiều người không đáp ứng được. Vì vậy, dịch vụ đẻ thuê “chui” đã ra đời và lên ngôi trong những năm trở lại đây.
Đổi đời nhờ… đẻ thuê
Một ngày đẹp trời, Nguyễn Thị Kiều T. (32 tuổi, quê Bình Định) nhắn tin rủ tôi đi uống cà phê. T. xuất hiện trước mắt tôi trong bộ dạng sồ sề vì suốt một thời gian dài không vận động. Vốn là bạn cùng trọ học tại thành phố từ hơn 10 năm về trước, câu chuyện của chúng tôi không có bất cứ một rào cản nào, cũng chẳng có bí mật gì phải giữ kín với nhau. T. nói rằng, vừa kiếm được một khoản tiền kha khá từ công việc… đẻ thuê.
T. đang mong đổi đời bằng nghề đẻ thuê.
Số tiền này, với mức lương nhân viên văn phòng như T. thì có thể phải tích góp chục năm chưa chắc có. Khi T. quyết định thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, cô muốn giấu tất cả, đặc biệt là gia đình. T. cho biết, vì sợ mọi người sẽ ngăn cản và sợ điều tiếng, dị nghị của thiên hạ. Khi sự việc đã trót lọt, đẻ xong, giao con và nhận tiền thì T. mới bắt đầu ra khỏi “ổ”.
T. cho biết, cô tiếp cận được dịch vụ đẻ thuê này rất tình cờ, không phải qua trung gian hoặc môi giới. Trong một dịp công ty tổ chức đi du lịch Vũng Tàu, T. quen với một người phụ nữ tên Hạnh (45 tuổi). Hạnh giới thiệu làm chủ một chuỗi Spa ở TP. Vũng Tàu và Đồng Nai. Sau vài mẩu chuyện xã giao, Hạnh nhận thấy ở con người T. sự hiền lành, thật thà, chất phác nên đem lòng cảm mến. Bà xin số điện thoại của T. để bữa nào lên TP. Hồ Chí Minh sẽ gọi uống cà phê.
Một tuần sau, cuộc hẹn được kết nối tại một quán ăn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP. Hồ Chí Minh). T. hoàn toàn vô tư, trong sáng, nhưng bà Hạnh đã có dự tính từ trước. Cuộc gặp này, bà thẳng thắn đề cập đến chuyện mang thai hộ. Vừa nghe tới từ “mang thai”, T. giật mình, thảng thốt và có chút sợ hãi. Tuy nhiên, bà Hạnh trấn an T., rằng đây là việc làm không vi phạm đạo đức, không làm hại ai, chỉ là giúp đỡ, cứu rỗi con người với nhau mà thôi.
Vợ chồng bà Hạnh lấy nhau 20 năm mà chưa một lần được làm cha làm mẹ, mặc dù họ đã làm đủ mọi cách, đã đổ không biết bao nhiêu tiền để đi kiếm con. Họ cũng đã tìm được vài mối mang thai hộ nhưng khi tiếp xúc thì thấy không hợp nên đã thất bại. Cuộc đời và hoàn cảnh của bà Hạnh đã lay động trái tim cô gái thôn quê. T. xin bà Hạnh một tuần để suy nghĩ. Trước khi chia tay, bà Hạnh chốt lại một câu: “Chị gửi em 500 triệu đồng. Sau khi mẹ tròn con vuông sẽ có thưởng. Chị biết đây là số tiền mà em làm cả đời chưa chắc kiếm được, hãy suy nghĩ thật kỹ”.
T. không thể nào ngủ được, trong đầu cô, số tiền nửa tỷ quả là khổng lồ, có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Nhưng cô sẽ phải đánh đổi rất nhiều, sức khỏe, danh dự… Đấu tranh mãi, cuối cùng tiền đã thắng lý trí và trái tim của T. Ba ngày sau, T. thông báo cho bà Hạnh quyết định của mình.
T. được đưa tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe sinh sản. Mọi thứ đều tốt đẹp, độ tuổi sinh nở được đánh giá “chín đỏ”. Một tháng sau, bác sĩ tiến hành các quy trình mang thai cho T.
Ngay lần cấy phôi đầu tiên đã thành công, niềm hạnh phúc lấp lánh trên khuôn mặt bà Hạnh. Bà đưa T. về sống tại căn hộ cao cấp tại Q.2, có kẻ hầu người hạ, chăm sóc cho T. từ A đến Z. Để làm yên lòng T., bà hào phóng ứng trước cho cô 300 triệu. Trong suốt thời kỳ mang thai, T. không được ra ngoài, trừ những lần đi tới bệnh viện kiểm tra thai kỳ.
Ngày trở dạ, T. được vợ chồng bà Hạnh thuê hẳn một phòng Vip trong bệnh viện. Họ canh ngày tốt, giờ lành để thực hiện ca mổ lấy con. T. không được quyền lên tiếng hay có bất cứ một chính kiến gì, mọi việc phải làm theo sự sắp đặt của bà chủ.
Sau một mũi thuốc mê, T. mở mắt ra đã thấy toàn thân phủ một lớp vải trắng toát, bụng bầu đã xẹp lép, đứa con đã bị người ta lấy đi.
Bà Hạnh rạng rỡ bước vào phòng giúi cho T. một chiếc phong bì dày cộm rồi dặn dò: “Trong này có cả tiền thưởng cho em nữa. Em nghỉ ngơi ở đây vài ngày rồi sẽ có người tới đón về căn hộ. Em cứ ở đó lúc nào thấy khỏe lại thì đi. Từ nay về sau, xem như chúng ta không hề quen biết”.
Đăng tìm người mang thai hộ công khai trên mạng xã hội.
Sau phi vụ đẻ thuê, T. thu về tổng cộng 550 triệu trọn vẹn mà không phải chi ra bất cứ một đồng nào tiền dịch vụ cũng như ăn ở suốt một năm trời.
Nghỉ ngơi một thời gian, T. đi xin làm văn phòng cho công ty thiết bị trường học với mức lương 8 triệu đồng. Nếu như ngày xưa, cũng công việc đó, cũng khoản lương đó, T. hài lòng và sống bình an. Nhưng bây giờ, nó không làm T. thoải mái và vui vẻ. T. luôn thấy công việc tẻ nhạt và đồng lương bèo bọt. Cô nghĩ đến việc sẽ mang thai hộ thêm vài lần nữa để có tiền mua nhà.
Lần gặp này, T. không ngần ngại bày tỏ ý định đó với tôi và nhờ tôi giúp. T. cho biết, đã kiếm được hai mối nhưng đều qua “cò” nên thu nhập bị xà xẻo hết, mỗi phi vụ cô chỉ được nhận 120 – 150 triệu. T. còn đăng cả thông tin cá nhân lên mạng tìm kiếm và đang chờ phản hồi. Trong thâm tâm, T. đã mặc định việc mang thai hộ chính là nghề giúp cô đổi đời.
“Cò” đẻ thuê xuyên Việt
Lần theo manh mối của T., chúng tôi tiếp cận được Nguyễn Văn L. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). L. là “cò” trong đường dây môi giới đẻ thuê có mạng lưới trải rộng khắp cả nước.
“Cò” L. trao đổi với nội dung mang thai hộ qua tin nhắn điện thoại.
Hiện giờ L. đang đi công tác ở Hà Nội nên tranh thủ làm việc với chúng tôi qua điện thoại. L. hỏi chúng tôi tỉ mỉ, cặn kẽ về lai lịch cá nhân, anh ta ưu tiên phụ nữ đã sinh con, từ 2 con trở lên càng tốt vì khi ấy cơ địa sẽ nở ra, khả năng thụ thai rất cao.
Sau cùng, anh ta yêu cầu chúng tôi gửi CMND cùng 2 tấm ảnh, một chân dung, một toàn thân để duyệt ngoại hình. L. cho biết, hiện đang có một hợp đồng ở ngoài Hà Nội, họ muốn chọn đối tác là người sống ở miền Nam. Họ muốn thực hiện thụ tinh tại TP. Hồ Chí Minh và sinh con tại đây luôn. “Càng xa càng tốt, tránh hệ lụy sau này”, L. nói.
Hiểu theo ý của L. thì, sau khi sinh con, chủ hợp đồng sẽ mang đứa trẻ đi thật xa, cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với người mang thai hộ. Dù trên thực tế, đứa trẻ không mang huyết thống của người mang thai hộ nhưng danh nghĩa họ là người mang nặng đẻ đau, có thể được xem là mẹ. Theo lời kể của T., có trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng, người mang thai hộ vẫn quyết đeo bám gia đình để vòi tiền. Vì làm “chui” nên gia chủ không dám báo chính quyền, họ chấp nhận mất một khoản “bịt miệng” cô gái kia. Để “cắt đuôi”, họ đã phải bán nhà, chuyển đi nơi khác sinh sống.
Sau một hồi nhắn tin trao đổi qua lại, cân nhắc mọi thứ, L. đưa ra đơn giá lần này là 150 triệu đồng bao toàn quá trình (9 tháng 10 ngày). Nếu đồng ý thì một tuần sau, L. sẽ dẫn chúng tôi ra Hà Nội gặp gia đình đối tác. L. căn dặn chúng tôi rất kỹ, gặp gia chủ chỉ việc trả lời, tuyệt đối không được hỏi câu nào. Nếu cuộc gặp thành công, L. sẽ đưa chúng tôi đi khám sức khỏe tổng quát. Kết quả tốt thì chúng tôi sẽ trở vào TP. Hồ Chí Minh thực hiện thụ tinh. Trong thời gian này, L. sẽ thuê một căn hộ gần bệnh viện và thuê người chăm sóc kiêm theo dõi nhất cử nhất động của người mang thai hộ. Ngay khi thụ tinh thành công, người mang thai hộ sẽ được ứng trước 50% tổng số tiền.
Sau buổi nói chuyện với “ông bầu” Nguyễn Văn L., chúng tôi quay lại gặp T. kể với cô về quá trình thỏa thuận cho một phi vụ mang thai hộ. Nghe xong, T. bảo: “Đó là giá chung trên thị thường mang thai hộ. Trong mỗi vụ như thế, “cò” sẽ đút túi từ 70 đến 100 triệu sau khi đã trừ tất cả chi phí ăn ở, sinh hoạt. Tuy nhiên, vì muốn tiết kiệm chi phí bệnh viện, chi phí phẫu thuật mà nhiều “cò” chọn dùng dịch vụ kém chất lượng hoặc những cơ sở y tế không có giấy phép dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe cũng như tính mạng của người mang thai hộ”.
Theo Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các cặp vợ chồng không thể tự sinh con có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản; Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; Người được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ và phải đáp ứng các điều kiện về sức khỏe.
Chính vì thủ tục phức tạp và chặt chẽ như vậy mà rất nhiều cặp vợ chồng đã không đủ điều kiện mang thai hộ, buộc họ phải “lách luật” bằng cách thông qua môi giới, làm “chui”