Dịch vụ công trực tuyến là gì? Vị trí, vai trò của dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ
Dịch vụ công trực tuyến nói chung là các dịch vụ được các cơ quan nhà nhà nước cung cấp tới người dân trên môi trường mạng. Trong bài viết lần này, Luật Minh Khuê sẽ cung cấp cho các bạn về khái niệm của dịch vụ công trực tuyến, vị trí cũng như vai trò của dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ hiện nay.
1. Dịch vụ công trực tuyến là gì?
“Dịch vụ công” là một trong những thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong khoa học và đời sống xã hội hiện đại, theo đó dịch vụ công chính là những dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước cho người dân trong một quốc gia. Còn “trực tuyến” (hay còn được gọi theo tiếng Anh là “online”) là một thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến việc chúng ta kết nối trực tiếp với mạng Internet hoặc chỉ liên kết trong mạng nội bộ ở một số trường hợp. Như vậy, có thể hiểu “trực tuyến” là một hệ thống kết nối toàn cầu (nhờ Internet) và mỗi cá nhân có thể trao đổi thông tin với mọi đối tượng khác trên phạm vi toàn thế giới. Con người sử dụng các phương tiện điện tử thông minh (như điện thoại, máy tính, …) để có thể kết nối trực tuyến, qua đó phục vụ cho việc tìm kiếm, trao đổi thông tin, giải trí cũng như nhiều tiện ích nữa trong không gian mạng.
Từ những phân tích kể trên, có thể suy ra “dịch vụ công trực tuyến” (trong tiếng Anh là “online public services”) là loại hình dịch vụ của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, cụ thể là tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thì:
“Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.”
2. Đặc điểm của dịch vụ công trực tuyến
Dịch vụ công trực tuyến trước hết mang đầy đủ những đặc điểm chung của một dịch vụ hành chính công thông thường, đó là:
Thứ nhất, việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến luôn phải gắn liền với thẩm quyền và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, các hoạt động cung ứng dịch vụ công trực tuyến không thể ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào ngoài các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện, và cũng chỉ có hiệu lực khi được cơ quan nhà nước giao quyền trực tiếp thực hiện.
Thứ hai, dịch vụ công trực tuyến được đặt ra nhằm mục đích phục vụ hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước.
Thứ ba, dịch vụ công trực tuyến là những hoạt động không nhằm mục tiêu thu lợi nhuận. Điều này được thể hiện ở việc các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công trực tuyến không phải trực tiếp trả tiền (vì đã trả thông qua hình thức đóng thuế vào ngân sách nhà nước). Trong một số trường hợp, người sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn phải trả thêm một khoản phí vào ngân sách nhà nước nhưng sẽ phải tuân theo quy định chặt chẽ của pháp luật.
Thứ tư, dịch vụ công trực tuyến có tính chất xã hội cao, những dịch vụ được đặt ra với mục đích chính là nhằm phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân. Đồng thời, tính xã hội của dịch vụ công trực tuyến còn được thể hiện ở việc mọi công dân và tổ chức đều có quyền bình đẳng trong tiếp nhận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Thứ năm, dịch vụ công trực tuyến không có tính loại trừ và không có tính cạnh tranh trong tiêu dùng hay nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh những đặc trưng tương tự dịch vụ công thông thường, dịch vụ công trực tuyến còn có những đặc điểm riêng biệt như sau:
- Đối với dịch vụ công trực tuyến, mọi tổ chức, cá nhân đều có thể thực hiện các thủ tục hành chính công ở bất cứ không gian nào, chỉ với điều kiện là có trong tay thiết bị có thể kết nối Internet.
- Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến không hạn chế về mặt thời gian. Người dùng có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở mọi thời điểm (24/7), không bị phụ thuộc vào các ngày như nghỉ lễ, cuối tuần, …
- Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng đòi hỏi người dùng phải có những điều kiện nhất định, cụ thể là có thiết bị thông minh kết nối được Internet và có khả năng, hiểu biết để sử dụng được các tính năng của thiết bị, mạng Internet cũng như các phần mềm, trang web của cơ quan nhà nước.
- Sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ hạn chế việc giao tiếp giữa công dân với các cán bộ công vụ, khi mọi công việc hỗ trợ, tiếp công dân hay thụ lý giải quyết hồ sơ đều được thực hiện trên môi trường mạng.
- Các đơn vị cung ứng dịch vụ công trực tuyến cũng phải đảm bảo được một số điều kiện để có thể cung cấp được dịch vụ công trực tuyến hiệu quả như: có nhân lực, kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, …
3. Vị trí, vai trò của dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ
So với 04 mức độ (từ mức độ 1 tới mức độ 4) mà trước đây được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, thì ở thời điểm hiện tại, dịch vụ công trực tuyến lại chỉ được phân cấp thành 02 mức độ theo quy định mới. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 11 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, ta có:
“1. Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ như sau:
a) Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
b) Dịch vụ công trực tuyến một phần: là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”
Như vậy, có thể thấy rằng việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng sẽ bao gồm 02 mức độ là dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần.
Về vị trí, vai trò của dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ kể trên, có thể thấy:
- Dịch vụ công trực tuyến toàn trình có vị trí, vai trò quan trọng khi nó đem lại khả năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhận hỗ trợ hay hỗ trợ, tiếp công dân của người dùng và cơ quan nhà nước sẽ được thực hiện hoàn toàn trên không gian mạng. Điều này đem lại rất nhiều tiện ích cho các bên, đảm bảo việc giải quyết được nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí. Do đó hiện nay, các cơ quan nhà nước đều cố gắng áp dụng mức độ dịch vụ công trực tuyến toàn phần để mang đến những dịch vụ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân.
- Dịch vụ công trực tuyến một phần thì lại có phần hạn chế hơn về các mặt thuận tiện so với dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tuy nhiên, đối với nhiều thủ tục hành chính yêu cầu độ phức tạp, kỹ lưỡng cao hơn thì việc cung ứng theo dịch vụ công trực tuyến một phần sẽ góp phần tránh những thiếu sót về mặt thủ tục, giảm áp lực cho phía cơ quan nhà nước về sau này.
Tóm lại, việc cung ứng và sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ mang lại nhiều lợi ích to lớn, khi giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.
Trên đây là toàn văn bài viết của Luật Minh Khuê về khái niệm của dịch vụ công trực tuyến và vị trí, vai trò của dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới bài viết hoặc các vấn đề pháp lý khác, khách hàng vui lòng gọi điện tới tổng đài trực tuyến 24/7 19006162 để được Luật sư tư vấn miễn phí.