Dịch vụ chăm sóc thú cưng ngày Tết: Không chỉ là cho ăn và thu tiền
–
Thứ sáu, 20/01/2023 14:53 (GMT+7)
Nghề chăm sóc thú cưng có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Nhanh chóng nắm bắt được xu hướng này và xuất phát từ tình yêu dành cho thú cưng, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp và kiếm được bộn tiền với nghề chăm sóc thú cưng.
Những người làm nghề chăm sóc thú cưng đều có một tình yêu đặc biệt dành cho chó mèo. Ảnh: Thu Hiền
Có tâm huyết thì sẽ thành công
Xuất phát từ niềm yêu thích đối với chó mèo, chị Phan Thị Thu Hà, chủ cơ sở chăm sóc tại đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã mở dịch vụ này tại nhà.
“Kinh doanh loại hình này khó vì phải biết chăm sóc và am hiểu bệnh tật, đặc thù sinh hoạt của con vật. Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng ở trong nước ngày càng gia tăng nên tôi tin rằng nếu thực sự có tâm huyết và đầu tư thì sẽ thành công”, chị Hà chia sẻ.
Là bác sĩ chính và quản lý cửa hàng chăm sóc thú cưng Halo Pet, anh Đào Thanh Hải (29 tuổi) chọn theo nghề chăm sóc này tới nay đã hơn 10 năm.
Anh Hải chia sẻ về những khó khăn trong nghề suốt hơn 10 gắn bó. Ảnh: Thu Hiền
Anh Hải đến với nghề này cũng là một cái duyên, tất nhiên phải yêu nghề và có một tình yêu đặc biệt dành cho thú cưng. Không phải lúc nào chúng cũng sạch sẽ, rác thải, chất thải thường có mùi khó chịu. Trong đó, việc chăm sóc rất vất vả với các công đoạn như tỉa lông, làm sạch da, hồi phục sức khỏe…
Theo anh Hải, chỉ có những người gần gũi, chăm sóc chúng thì mới biết tình trạng sức khỏe như thế nào. Nghề này thu nhập cũng cao vì mình vừa làm bác sĩ, vừa quản lý cửa hàng nên thu nhập mỗi ngày cũng phải trên 1 triệu.
Anh Hải cũng từng cố gắng hết sức để cứu một bé mèo cách đây 2 năm, do chính tay anh nhặt được nhưng không thể cứu được. Điều này khiến trong tim anh để lại một kỉ niệm khó quên và khiến anh quyết tâm nhiều hơn.
Thú cưng được cắt, tỉa lông thường xuyên theo nhu cầu. Ảnh: Thu Hiền
“Nghề này cũng rất nguy hiểm vì có một số bệnh lây truyền từ chó sang người, nhất là bệnh dại. Bởi vì khi chúng đến môi trường lạ, gặp nhiều người sẽ nhút nhát, không hợp tác và phản ứng lại. Tất nhiên tôi cũng từng bị bị cắn, để lại rất nhiều sẹo.
Tôi cũng từng có một đồng nghiệp vừa mất do bị một chú cún và sau đó đã bị bệnh dại. Dù rất yêu nghề nhưng cũng phải nói thật nghề này cũng mang lại nhiều nguy hiểm”, anh Hải tâm sự.
Tay của anh Hải bị nhiều vết sẹo do mèo cào. Ảnh: Thu Hiền
Đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ
Chị Nguyễn Thị Hồng, 24 tuổi, nhân viên chăm sóc thú cưng tại quán PetLove đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bén duyên với nghề này cũng rất tình cờ, vì trong quá trình học đại học chị phải tự đóng tiền học của mình nên đã nộp đơn xin làm thêm ở đây và từ đó gắn bó với nghề được hơn 5 năm.
Thời gian đầu, bố mẹ chị Hồng phản đối gay gắt vì sợ con gái ảnh hưởng đến học tập và… mất vệ sinh. Nhưng với tình yêu động vật, chị đã thuyết phục được phụ huynh, với lời hứa phải đạt kết quả học tập như yêu cầu.
Nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với việc chăm sóc chó mèo. Ảnh: Thu Hiền
Hàng ngày chị chịu trách nhiệm cho chó mèo ăn, thay nước, cắt móng, dọn chất thải… công việc diễn ra từ 8h sáng đến 5h chiều. Thậm chí có khi phải làm ca tối và vào tất cả các ngày trong tuần.
Về thu nhập, hàng tháng chị sẽ kiếm được hơn 15 triệu đồng/tháng, những ngày lễ lương sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Đây là con số mà nhiều người trẻ mới ra trường ao ước. Chia sẻ thêm về công việc này, cô nói rằng đây là công việc thú vị và chị cảm thấy rất hài lòng và muốn tiếp tục trong thời gian dài.
Có lẽ kỷ niệm mà chị nhớ nhất chính là với chú chó tên Cay. Do bố mẹ của chủ chú chó ở Sài Gòn bị dị ứng nên dù rất yêu Cay nhưng chị đã gửi ở đây đến nay hơn 3 năm.
“Tôi là người trực tiếp chăm sóc, tắm rửa, tỉa lông,… cho Cay nên tình cảm với bạn đấy cũng đặc biệt. Mới đầu nhận về chưa quen nên Cay nghịch lắm, cắn đồ đạc suốt, dần quen với tôi nên nghe lời tôi lắm, bám tôi hơn chủ. Tôi nhớ nhất những lúc Cay bị ốm, không chỉ tốn thuốc men, công sức mà trong lòng cảm thấy rất xót xa. Tôi cứ nghĩ bản thân bị đứt tay đã đau lắm rồi mà chúng bị ốm như vậy thì thương lắm”, chị Hồng tâm sự.
Chị Hồng cùng với chú chó tên Cay. Ảnh: Thu Hiền
Với chị Hồng, công việc này thì đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ vì mỗi chú chó mèo sẽ là một tính cách nên làm nghề này phải bình tĩnh mới được. Với tôi những chú chó mèo ở đây không đơn giản chỉ là thú cưng, mà chúng giống như một người thân trong gia đình, ăn ngủ cùng nhau. Hơn nữa, tụi nó rất hay làm trò, là niềm vui và giúp chị giải tỏa căng thẳng.
Những khách hàng luôn tin tưởng, gửi gắm chú chó của mình. Ảnh: Thu Hiền
Là khách hàng thân viên tại cơ sở chăm sóc thú cưng PetLove, chị Lương Hải Yến (37 tuổi) cho rằng, nghề này rất đặc biệt và cần thiết trong thời đại hiện nay. Nếu không có các cửa hàng chăm sóc, chị cũng không biết xoay sở ra sao để trông cún, vì công việc khá bận rộn, đặc biệt là dịp Tết.
“Dù bỏ ra số tiền lớn hơn chục triệu mỗi tháng để chú chó của mình được chăm sóc tôi cũng thấy đáng và an tâm khi làm việc của mình”, chị Yến chia sẻ.