Dịch vụ cầm đồ ở Ý ăn nên làm ra trong khủng hoảng Covid-19

Dịch vụ cầm đồ ở Ý ăn nên làm ra trong khủng hoảng Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Người dân Ý từng đem những món đồ giá trị để cầm cố vay tiền vào các thời kỳ xảy ra dịch bệnh, chiến tranh và suy thoái kinh tế trong nhiều thế kỷ qua. Giờ đây, dịch vụ cầm đồ – một phần của hệ thống ngân hàng chính thức tại nền kinh tế lớn thứ 3 Liên minh châu Âu (EU) – đang chứng kiến hoạt động kinh doanh đang bùng nổ nhờ nhu cầu cao trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 khiến cuộc sống của bà Anita Paris, một góa phụ 75 tuổi ở thành phố Roms, rơi vào tình thế eo hẹp. Con trai bà, một thợ sửa xe ô tô, đã mất việc. Khoản lương hưu nhỏ nhoi không đủ giúp bà trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Bà buộc phải gom những món nữ trang gồm nhẫn, vòng cổ, lắc tay vàng và những thứ có giá trị khác mang đến các tiệm cầm đồ cầm cố để vay tiền.

“Tôi có nhiều hóa đơn phải thanh toán. Tôi cần tiền để chi tiêu đến cuối tháng này”, bà nói sau khi trở về từ một tòa nhà nơi có một tiệm cầm đồ và các văn phòng cầm đồ của các ngân hàng lớn đã tồn tại trong hơn 400 năm qua.

Bức tranh kinh tế Ý ảm đạm

Dịch vụ cầm đồ ở Ý ăn nên làm ra trong khủng hoảng Covid-19

Khách hàng xếp hàng chờ trả lãi cho khoản vay cầm cố của họ bên ngoài chi nhánh cầm đồ của Ngân hàng Naples ở TP. Naples, Ý. Ảnh: NYTimes

Bức tranh kinh tế của Ý và người dân nước này đang ảm đảm. Các ngân hàng, vốn đang chịu áp lực bởi mức dư nợ lớn và rất thận trọng với nợ xấu, không thoải mái cung cấp tín dụng như trước. Các gói cứu trợ kinh tế và các biện pháp hỗ trợ việc làm của chính phủ Ý trị giá hàng tỉ euro dành cho những người dân gặp khó khăn sẽ hết hạn vào cuối mùa hè này. GDP của Ý được dự báo suy giảm gần 13% trong năm nay.

Tâm trạng lo lắng thể hiện rõ trên gương mặt của những người xếp hàng dài ở các tiệm cầm đồ trên cả nước. Họ lo ngại các hợp đồng việc làm ngắn hạn sẽ nhanh chóng kết thúc hoặc khách hàng sẽ không ghé cửa hàng của họ, hoặc du khách sẽ không thuê phòng của họ.

Nhưng các chủ tiệm cầm đồ không có gì phải phàn nàn về tình hình kinh tế nhờ lượng khách hàng tăng 20-30% ngay sau khi Ý áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc hồi đầu tháng 3. Giờ đây, khi chương trình cứu trợ kinh tế sắp kết thúc, họ kỳ vọng công việc kinh doanh sẽ lại phất lên.

“Vào mùa thu tới, người dân có thể sẽ gặp các khó khăn kinh tế nghiêm trọng hơn. Chúng tôi có thể hỗ trợ họ”,  Rainer Steger, Tổng giám đốc Công ty môi giới cầm đồ Affide ở Rome, nói.

Hoạt động kinh doanh cầm đồ ở Ý hình thành từ thời Trung Cổ. Ngày nay, dịch vụ cầm đồ vẫn là một mảng kinh doanh nhỏ của các ngân hàng lớn của Ý.

Hồi tháng 7-2018, Dorotheum, hãng đấu giá và dịch vụ cầm đồ, công ty mẹ của Affide, có trụ sở ở Vienna (Áo), đã mua lại mảng kinh doanh cầm đồ của Ngân hàng UniCredit (Ý). Hồi tháng 2, Dorotheum thâu tóm đối thủ lớn nhất tại Ý, Công ty môi giới cầm đồ Creval. Giờ đây, Dorotheum có hơn 40 chi nhánh cầm đồ trên khắp nước Ý.

Tiệm cầm đồ trở thành dịch vụ thiết yếu của người thu nhập thấp

Vào một buổi sáng gần đây ở TP. Naples, miền nam Ý, Silvia Agora, chủ một tiệm làm tóc, 47 tuổi, hòa lẫn trong dòng người đông đúc tập trung bên ngoài chi nhánh cầm đồ của Ngân hàng Naples. 

Vào đầu năm nay, Agora đã kiếm gần đủ tiền để chuộc lại các lắc tay vàng mà gia đình cô mang đi cầm cố thì lệnh phong tỏa được ban hành, khiến tiệm làm tóc của cô phải đóng cửa 3 tháng. Khi được phép tái mở cửa hồi tháng 5, tiệm của cô ế khách hẳn vì các quy định giãn cách xã hội vẫn được duy trì. Giờ đây, cô đến chi nhánh cầm đồ của Ngân hàng Naples để tiếp tục trả lãi cho khoản vay cầm cố lắc vàng.

 

Francesco Nardelli, 43 tuổi, cũng đến chi nhánh cầm đồ của Ngân hàng Naples để trả lãi cho món vay cầm cố bằng các lắc vàng của mẹ anh. Anh vốn là nhân viên phục vụ làm việc theo hợp đồng ngắn hạn tại một viện dưỡng lão địa phương. Hợp đồng lao động gần đây nhất của anh hết hạn vào tháng 3. Kể từ đó, anh làm việc theo hợp đồng từng tháng với mức lương giảm một nửa, ngang bằng với mức lương của người mới vào nghề, dù anh là nhân viên có kinh nghiệm.

Luigi Milano, chủ một tiệm cầm đồ ở Naples, Ý. Ảnh: NYTimes

Các tiệm cầm đồ ở Ý thường cầm cố tài sản của khách hàng để cho vay trung bình chưa đến 1.000 euro mỗi lần. Tại Ý, luật cho phép bên cầm đồ bán đấu giá tài sản cầm cố của khách hàng nếu họ mất khả năng trả nợ. Số tiền thu về được sẽ sử dụng để tất toán khoản vay và phần dư, nếu có, sẽ được trả lại cho khách hàng.

Các chủ tiệm cầm đồ lớn cho biết chỉ có khoảng 5% số món đồ mà họ cầm cố bị đem bán đấu giá. Họ cho rằng họ đang cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho những người dân lao động có thu nhập thấp, vốn đang cần tiền để trang trải trong thời kỳ dịch bệnh do thu nhập mất mát. Theo họ, dịch vụ cầm đồ với mức lãi suất cho vay hợp lý giúp những người dân dễ bị tổn thương tránh bị rơi cạm bẫy của những kẻ cho vay nặng lãi.

Họ tự hào rằng họ đang cung cấp một dịch vụ minh bạch, nhanh chóng hơn nhiều ngân hàng. Chỉ cần vượt qua cuộc kiểm tra tiền án hình sự và rửa tiền, khách hàng có thể được vay tiền ngay nếu như họ có món đồ thế chấp có giá trị. Trong khi đó, các ngân hàng thường kiểm tra gắt gao lịch sử tín dụng của khách hàng trước khi quyết định cho vay hay không.

Theo The New York Times