Dịch vụ cầm đồ biến tướng: Cần đưa vào khuôn khổ

Biến tướng bằng các loại phí

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khám xét trụ sở làm việc của Công ty F88. Trước khi lực lượng cảnh sát điều tra ập vào khám xét trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, F88 đã bị nhiều người tố về việc cho vay với mức lãi suất cao và đòi nợ kiểu khủng bố.

Theo đó, một số người cho biết, họ không có bất cứ giao dịch nào với F88 nhưng vẫn bị nhân viên công ty này gọi điện liên tục chửi rủa, thậm chí bị đe dọa tính mạng vì cho rằng có mối quan hệ với khách hàng vay vốn của họ. Trong khi đó, khách hàng của F88 thì phải chịu những áp lực nặng nề vì khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con sau khi vay.

Không chỉ F88, hiện trên thị trường có rất nhiều DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ tài chính với cách thức tương tự. Thời gian qua, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương liên tiếp xử lý những vụ việc đòi nợ kiểu khủng bố người vay, gây mất an ninh trật tự. Đây thực sự là một trong những vấn nạn làm khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính (vay vốn của công ty tài chính, cơ sở cầm đồ…) khốn khổ nhiều năm qua.

Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khám xét trụ sở làm việc của Công ty F88
Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khám xét trụ sở làm việc của Công ty F88

Thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự cho thấy, hiện toàn quốc có hơn 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, rất nhiều trong số đó có biểu hiện cho vay lãi suất cao và đòi nợ kiểu khủng bố. Ngoài các ngân hàng và công ty tài chính được hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng thì dịch vụ cầm đồ là mô hình duy nhất được cho vay và phù hợp với các khoản vay tiêu dùng bùng nổ.

Về góc độ pháp lý, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền, mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố. Công ty cầm đồ hoạt dộng theo Luật Dân sự, với lãi suất cho vay không quá 20%/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các công ty, cửa hàng cầm đồ đã biến tướng nhiều loại hình dịch vụ, lách luật bằng các loại phí. Cụ thể, ngoài lãi suất, người vay phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác như phí thẩm định, phí quản lý tài sản, bảo hiểm….

Do đó, số tiền khách hàng phải trả rất cao so với quảng cáo. Một số đơn vị cầm đồ thường sử dụng những đối tượng thu nợ là xã hội đen, trấn áp và khủng bố con nợ, thậm chí nhiều vụ án mạng liên quan tới cho vay cầm đồ đã xảy ra.

Mặc dù lãi suất cao nhưng nhiều người vẫn lựa chọn các cửa hàng cầm đồ khi có nhu cầu tài chính. Ưu điểm của hình thức cho vay này là thủ tục nhanh chóng, tài sản cầm cố đa dạng, số tiền vay được tùy thuộc giá trị tài sản cầm cố. So với việc vay từ ngân hàng, vay từ các cửa hàng cầm đồ dễ dàng hơn nhiều.

Luật hở, quản lý lỏng lẻo

Mặc dù cầm đồ được quy định là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP, nhưng hoạt động này vẫn chưa thực sự có một hành lang pháp lý đủ cụ thể và chặt chẽ, trong khi việc kinh doanh phức tạp, có nhiều yếu tố nhạy cảm.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS nêu quan điểm, việc quản lý hoạt động cho vay của hệ thống các cửa hàng của tiệm cầm đồ, chuỗi cầm đồ có đăng ký kinh doanh hiện nay còn lỏng lẻo, trong khi con số cơ sở kinh doanh cầm đồ trên cả nước là rất lớn, nhiều tiệm cầm đồ biến tướng thành tín dụng đen trá hình.

Bản chất vấn đề nằm ở chỗ chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh hoạt động cho vay theo hình thức cầm đồ, cắm giấy phép lái xe hoặc tín chấp qua các App. Mặc dù F88 và đa phần các cơ sở cầm đồ đều cho vay với lãi suất cắt cổ, song rất khó xử phạt những cơ sở này với tội danh cho vay nặng lãi.

 

Để bảo vệ quyền lợi người dân, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “Công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ nhằm tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng. Hiện Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi Sở KH&ĐT các tỉnh, TP rà soát lại.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng

Chỉ ra lỗ hổng của khung khổ pháp lý ở Việt Nam về cho vay nặng lãi, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nằm ở 2 vấn đề. Thứ nhất, trường hợp các cá nhân và pháp nhân khác khi cho vay với mức lãi suất từ trên 20% đến dưới 100%/năm, tuy vi phạm điều cấm của Luật nhưng lại không bị xử phạt vi phạm hành chính, vì chưa có quy định xử phạt.

Thứ 2, luật quy định về lãi suất cho vay mà không có quy định, định nghĩa lãi suất đó nên bao gồm cả lãi suất danh nghĩa của khoản vay và các chi phí đi kèm khoản vay đó. Hoặc ít nhất, các chi phí phát sinh quanh khoản vay không được vượt qua một tỷ lệ phần trăm nhất định của khoản vay, chỉ được tính một lần và không được tính theo tỷ lệ như lãi suất hàng tháng.

Dựa vào 2 lỗ hổng này của luật pháp, F88 đã cho vay nặng lãi theo đúng nghĩa nhưng lại không bị sờ gáy.

“Cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của công ty cầm đồ và các quy định chi tiết về những loại phí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện. Việc này giúp người dân đi vay sẽ không bị “bóp cổ” và tạo điều kiện cho DN không phải đứng trước ranh giới mong manh giữa hình sự và dân sự. Cần có quy định về không cho phép hoặc nếu cho phép, mức thu các loại phí này là bao nhiêu” – ông Tuấn khuyến nghị.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để ngăn chặn tín dụng đen, các hình thức cho vay lãi suất cắt cổ, Ngân hàng Nhà nước nên ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất vay và các loại phí.

Song song, việc hoàn thiện các quy định pháp luật, vai trò quản lý của Nhà nước cần được nâng cao thông qua hoạt động cấp phép thành lập và hoạt động, thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh và xử lý nếu có.

Song trước hết vẫn phải tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN, đưa ra các chế tài xử phạt thật nghiêm tội phạm cho vay nặng lãi. Điều quan trọng không kém là phải tăng giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch vụ tín dụng, giúp người dân biết đến các kênh tín dụng chính thức cũng như nhận diện tín dụng đen.