Dịch vụ cầm đồ: Những điều cần biết trước khi kinh doanh

Dịch vụ cầm đồ thường hoạt động dưới hình thức là các cửa hàng có quy mô nhỏ lẻ. Cá nhân nếu có ý định kinh doanh dịch vụ cầm đồ cần phải nắm rõ các quy định dưới đây để tránh những rủi ro từ khi bắt đầu hoạt động.

Dịch vụ cầm đồ là gì?

Cầm đồ là một hình thức của hoạt động cầm cố theo quy định tại Điều 309 Bộ Luật Dân sự 2015: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.

Một vài đặc điểm cần lưu ý của hình thức cầm cố như sau:

– Về chủ thể: Bên cầm cố, bên nhận cầm cố, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự.

– Về đối tượng: Động sản, các loại giấy tờ có giá như trái phiếu, cổ phiếu…

– Về việc trả lại tài sản: Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố.

Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác

– Hiệu lực đối kháng với người thứ ba: Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.

Trường hợp bất động sản là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố bất động sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

Như vậy, dịch vụ cầm đồ không được phép thực hiện các giao dịch với tài sản là bất động sản.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ

1. Có giấy phép an ninh, trật tự

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (ANTT).

Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm về ANTT của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT theo quyết định của Tòa án.

Xem chi tiết: Điều kiện đối với người chịu trách nhiện ANTT của cơ sở kinh doanh

2. Có giấy phép đăng ký kinh doanh

Cơ sở kinh doanh cần đăng ký thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể.

kinh doanh dich vu cam doKinh doanh dịch vụ cầm đồ (Ảnh minh hoạ)

Ngành, nghề hoạt động của dịch vụ cầm đồ

Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam, cầm đồ được xếp vào nhóm các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Hoạt động kinh doanh cầm đồ thường được đăng ký theo mã ngành nghề cấp 4 với mã là: 6492: Hoạt động cung cấp tín dụng khác.

Cũng theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hoạt động cung cấp tín dụng khác (6492) bao gồm:

– Các hoạt động dịch vụ tài chính chủ yếu liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay của các thể chế không liên quan đến các trung gian tiền tệ (như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư). Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ sau đây:

– Cấp tín dụng tiêu dùng;

– Tài trợ thương mại quốc tế;

– Cấp tài chính dài hạn bởi các ngân hàng chuyên doanh;

– Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng;

– Cấp tín dụng cho mua nhà do các tổ chức không nhận tiền gửi thực hiện;

– Dịch vụ cầm đồ.

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.

Hiện nay, ngoài dịch vụ cầm đồ truyền thống, có phát sinh thêm hoạt động môi giới cấm đồ. Tuy nhiên, hoạt động này chưa được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào.

Tóm lại khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh muốn kinh doanh những hoạt động liên quan đến dịch vụ cầm đồ cần phải đăng ký mã ngành nghề 6492 theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

Một số hành vi vi phạm khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Lưu ý, khi kinh doanh hoạt động cầm đồ, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể bị xử phạt nếu vi phạm các quy định sau (theo Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP):

STT

Hành vi vi phạm

Mức phạt tiền

1

– Không xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi có yêu cầu kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;

– Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

– Không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

500.000 – 01 triệu đồng

2

– Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó;

– Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định;

– Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố;

– Bảo quản tài sản cầm cố không đúng nơi đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền;

02 – 05 triệu đồng

3

Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.

05 – 15 triệu đồng

4

Cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có.

20 – 30 triệu đồng

Trên đây là một số quy định quan trọng mà cá nhân, tổ chức cần phải nắm rõ trước khi kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.