Dịch tả heo châu Phi tái bùng phát mạnh
(CATP) Những tháng cuối năm, người nuôi heo tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã bắt đầu tăng đàn, tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thế nhưng, chưa kịp “hoàn hồn” vì giá heo hơi giảm sâu kỷ lục do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, người chăn nuôi lại tiếp tục đối mặt với tình trạng dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh trở lại.
Trước bối cảnh đối diện với nguy cơ “dịch chồng dịch”, cơ quan chức năng các tỉnh, thành đang huy động nguồn lực để vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa triển khai ngay các biện pháp giám sát, phòng chống dịch tả heo châu Phi đang có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng, giữa lúc nhu cầu sử dụng thịt heo dịp Tết Nguyên đán sắp tới dự báo sẽ tăng mạnh.
Nhiều địa phương bùng phát dịch tả heo Châu Phi
Từ đầu tháng 10 đến nay, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi nên dịch tả heo châu Phi đang bùng phát dữ dội tại Hà Giang với hàng trăm tấn heo nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến đầu tháng 10, Hà Giang đã có 7.669 con heo với tổng trọng lượng 348.890kg bị tiêu hủy, thuộc 969 hộ dân trên địa bàn 11 huyện của tỉnh. Trong đó, huyện Vị Xuyên có 19 xã phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi và là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tính đến giữa tháng 10, Vị Xuyên đã tiêu hủy 2.507 con heo với trọng lượng 106.108kg. Số heo này của 335 hộ gia đình trên 104 thôn.
Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương có dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp. Ngày 4-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, dịch tả heo châu Phi đang tiếp tục lan rộng tại tỉnh này. Tính từ cuối tháng 9-2021 đến nay, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 415 hộ thuộc 131 thôn, 37 xã của 8 huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với số heo phải tiêu hủy lên đến 1.980 con với tổng trọng lượng 131.019,6kg. Trước tình hình cấp bách, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các điểm phát dịch mới; cấp phát 13.500 lít hóa chất và 14,8 tấn vôi bột cho các địa phương để tiêu độc khử trùng; thành lập 33 chốt kiểm soát, 3 tổ kiểm soát lưu động để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào vùng dịch.
Tại Bình Thuận, vào giữa tháng 10-2021 xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Qua nắm địa bàn, ngày 15-10, lực lượng chức năng phát hiện 15 con heo bị bệnh, trong đó có 3 con heo bị chết trên tổng đàn heo lai 206 con của hộ gia đình. Đến ngày 21-10, số heo bị chết của đàn heo này tăng lên 28 con (trong đó, 10 con heo nái, 7 con heo thịt và 11 heo con). Số heo bị bệnh và chết đều có chung triệu chứng lâm sàng là sốt, bỏ ăn, tiêu chảy, xuất huyết… Cơ quan chức năng nhanh chóng hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi cách ly số heo bệnh, tiêu hủy số heo chết có sự giám sát của chính quyền địa phương, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại; cam kết không được vận chuyển, mua bán heo bệnh, heo chết, vứt xác heo chết ra môi trường…; công bố dịch tả heo châu Phi, khoanh vùng xung quanh, phải bao vây ổ dịch, thành lập chốt kiểm dịch bệnh Dịch tả heo châu Phi… để hạn chế lây lan trên diện rộng.
Tại Kiên Giang, tình hình dịch tả heo châu Phi cũng đang có dấu hiệu bùng phát mạnh. Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 917 con heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi tại 31 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố, tiêu hủy 917 con với tổng khối lượng trên 52 tấn. Riêng ngày 23-10, ghi nhận 80 con heo bị bệnh tại 4 hộ, trong đó có 3 ấp, 3 xã thuộc 3 huyện U Minh Thượng, Tân Hiệp, TP.Rạch Giá.
Tại Bạc Liêu, trung tuần tháng 10-2021 đã phát sinh 9 ổ dịch tả heo châu Phi mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở 14 hộ chăn nuôi với 9 ổ dịch mới và 5 ổ dịch cũ tại các huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi và TP.Bạc Liêu với tổng số heo bệnh và tiêu hủy trên 190 con. Tính từ đầu năm đến nay, Bạc Liêu 64 hộ chăn nuôi trên địa bàn phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi với tổng số heo bệnh chết và tiêu hủy 1.180 con.
Từ tháng 10 đến nay, tình hình dịch tả heo châu Phi cũng đang có dấu hiệu tái bùng phát tại nhiều tỉnh, thành như: Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Gia Lai, Tây Ninh, Trà Vinh…
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch
Theo thống kê của Cục Thú y, một số tỉnh có số lượng heo nhiễm bệnh lớn như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Quảng Nam… Trong đó, nguyên nhân dịch tả heo châu Phi tái bùng phát trở lại trong thời gian gần đây là do chưa có vắc-xin phòng bệnh; tỷ lệ chăn nuôi hộ nhỏ lẻ vẫn rất lớn, chưa bảo đảm yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học…
Tại một số địa phương, người dân còn nuôi heo theo phương thức thả rông, chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường nên khi dịch xảy ra sẽ lây lan nhanh và gây khó khăn trong công tác chống dịch. Đặc biệt, tại một số nơi, khi có heo bệnh chết, người dân không báo cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để tiêu hủy mà mổ để thịt tiêu thụ. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, lơ là trong việc xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch…
Tại TPHCM, địa phương đến thời điểm này chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, từ thực tế bùng phát dịch bệnh tả heo châu Phi tại nhiều địa phương, TPHCM cũng đã có kế hoạch phòng chống. Thời gian qua, TPHCM phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19, đến nay tình hình cơ bản đã được kiểm soát, song diễn biến dịch vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Để chủ động tránh tình trạng “dịch chồng dịch”, đặc biệt trong thời gian tới việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ thịt heo vào TPHCM sẽ gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, thì nguy cơ dịch tả heo châu Phi có thể xuất hiện và lây lan là rất lớn do đây là thị trường tiêu thụ thịt heo được xem là lớn nhất cả nước.
Thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đang tái bùng phát và có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương là rất cao. Để hạn chế thiệt hại và chủ động trong công tác phòng chống dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh theo quy định; tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh một cách thường xuyên; xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, vứt xác động vật ra môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn.
Vì vậy, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai thực hiện chặt chẽ các chỉ đạo của Chính phủ về diễn biến mới của dịch tả heo châu Phi, giao cho các sở, ban, ngành chủ động lên phương án phòng chống dịch bệnh.
Trong đó, với lực lượng công an, cần sâu sát nắm tình hình các ổ dịch tả heo châu Phi (nếu có) trên địa bàn, sẵn sàng các phương án để phối hợp kịp thời với chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng tổ chức các biện pháp xử lý triệt để các ổ dịch có thể xảy ra, ngăn chăn ổ dịch tái bùng phát lây lan trên diện rộng; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi giết mổ, tiêu thụ, bán tháo, vứt xác heo bệnh, nghi mắc dịch tả heo châu Phi trái quy định gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, trong thời gian cuối năm, lực lượng công an thành phố lên kế hoạch phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát xuất nhập khẩu, kiểm dịch thú y; việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc vào thành phố… để kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm về vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc, ngăn chặn triệt để heo và những sản phẩm từ heo có dịch mang về địa phương.
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là một số nước châu Á như: Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Philippine, Thái Lan… tạo ra những biến động với ngành chăn nuôi và thị trường thịt heo cũng chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1.850 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại 335 huyện, thị thuộc 56 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 136.008 con (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020). Tổng trọng lượng tiêu hủy ước tính hơn 5.500 tấn. Hiện nay, cả nước còn 497 ổ dịch tại 37 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.