Địa giới hành chính là gì? Cách xác định địa giới hành chính

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ hữu ích liên quan đến địa giới hành chính. Từ đó, Quý vị giải đáp được cho mình những thắc mắc như: Địa giới hành chính là gì? Cách xác định địa giới hành chính như thế nào? Mời Quý vị tham khảo:

Khái niệm địa giới hành chính

Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lí phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lí dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương.

Trong mỗi đơn vị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì địa giới là cơ sở xác định các đơn vị quận, huyện, thị xã. Tiếp theo là địa giới hành chính của các cấp thuộc chính quyền ở địa phương. Việc phân chia địa giới hành chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển tất cả mọi mặt của đời sống xã hội từ chính trị đến kinh tế, văn hóa…

Cách xác định địa giới hành chính

– Những căn cứ để xác định địa giới hành chính thường là: diện tích đất đai, dân số, các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, lịch sử, truyền thống, tập quán và tình cảm của dân cư địa phương.

– Hồ sơ địa giới hành chính: 

Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.

Hồ sơ địa giới hành chính là hồ sơ phục vụ quản lý nhà nước đối với địa giới hành chính, gồm 9 loại giấy tờ sau đây:

+ Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có);

+ Bản đồ địa giới hành chính;

+ Sơ đồ vị trí các mốc địa giới hành chính;

+ Bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính;

+ Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành chính;

+ Biên bản xác nhận mô tả đường địa giới hành chính;

+ Phiếu thống kế về các yếu tố địa lý có liên quan đến địa giới hành chính;

+ Biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;

+ Thống kê các tài liệu về địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp dưới.

Thẩm quyền quản lý về địa giới hành chính như thế nào?

Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương; trường hợp mốc địa giới hành chính bị mất, xê dịch hoặc hư hỏng phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

Hồ sơ địa giới hành chính cấp dưới do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp xác nhận; hồ sơ địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Nội vụ xác nhận.

Hồ sơ địa giới hành chính cấp nào được lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp đó và Ủy ban nhân dân cấp trên, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;

– Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.