Địa giới hành chính là gì? Cách xác định địa giới hành chính
Địa giới hành chính là gì? Khái niệm về địa giới hành chính được quy định như thế nào? Địa giới hành chính được lưu giữ ở đâu? Sau đây Luật Minh Khuê sẽ làm rõ vấn đề về địa giới hành chính trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Khái niệm địa giới hành chính
Địa giới hành chính tiếng Anh là Administrative Boundaries.
Địa giới hành chính là đường ranh giới phân chia các đơn vị hành chính được đánh dấu bằng các mốc địa giới, là cơ sở pháp lí phân định phạm vi trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước các cấp trong việc quản lí dân cư, đất đai, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở địa phương.
Mốc địa giới hành chính được cắm ở những nơi dễ thấy trên thực địa và được biểu thị đầy đủ trên bản đồ địa giới hành chính.
Sự ổn định của địa giới hành chính là một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước. Những căn cứ để xác định địa giới hành chính thường là: diện tích đất đai, dân số, các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, lịch sử, truyền thống, tập quán và tình cảm của dân cư địa phương.
Việc điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của Quốc hội; việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Hiện nay nước ta được chia thành 4 cấp hành chính là: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Giữa các đơn vị hành chính các cấp này đều có ranh giới được thực hiện bằng các mốc địa giới có tọa độ của vị trí các mốc đó.
2. Cơ sở pháp lý về địa giới hành chính
Điều 29 Luật đất đai năm 2013 quy định như sau:
“1. Chính phủ chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp trong phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
2. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện việc xác định địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ về địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.”
Thông qua việc ban hành các thông tư, quyết định của Bộ Nội Vụ, thông tư liên tịch giữa Bộ Nội Vụ và Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, Bộ Tài Chính, Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xác định, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp.
Thông qua việc ban hành các thông tư Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường quy định chi tiết định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp (định mức lao động, định mức vật tư và thiết bị).
Đối với UBND các cấp, UBND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ban hành các quyết định, chỉ thị, kế hoạch; UBND cấp huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh ban hành quyết định, kế hoạch; UBND cấp xã/phường/thị trấn tổ chức thực hiện việc xác định trên thực địa và lập hồ sơ địa giới hành chính trong phạm vi địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lí mốc địa giới hành chính trong địa phương mình, tổ chức tuyên truyền giáo dục nhân dân nơi có mốc địa giới hành chính nêu cao ý thức bảo vệ mốc địa giới, khi phát hiện mốc địa giới bị xê dịch, bị hư hỏng, bị mất phải kịp thời tổ chức khôi phục. Hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính là tài liệu để chính quyền các cấp sử dụng trong công tác quản lí nhà nước và làm căn cứ cho việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính ở mỗi cấp. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ UBND cấp xã/phường/thị trấn tiến hành kiểm quản lý mốc địa giới hành chính trên thực địa tại địa phương, trường hợp mốc địa giới hành chính bị mất, xê dịch hoặc hư hỏng phải kịp thời báo cáo UBND huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh.
3. Hồ sơ địa giới hành chính
Hồ sơ địa giới hành chính bao gồm tài liệu dạng giấy, dạng số thể hiện thông tin về việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính và các mốc địa giới, đường địa giới của đơn vị hành chính đó.
Hồ sơ địa giới hành chính là hồ sơ phục vụ quản lý nhà nước đối với địa giới hành chính, gồm 9 loại giấy tờ sau đây:
– Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thành lập đơn vị hành chính hoặc điều chỉnh địa giới hành chính (nếu có);
– Bản đồ địa giới hành chính;
– Sơ đồ vị trí các mốc địa giới hành chính;
– Bảng tọa độ các mốc địa giới hành chính, các điểm đặc trưng trên đường địa giới hành chính;
– Bản mô tả tình hình chung về địa giới hành chính;
– Biên bản xác nhận mô tả đường địa giới hành chính;
– Phiếu thống kế về các yếu tố địa lý có liên quan đến địa giới hành chính;
– Biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;
– Thống kê các tài liệu về địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp dưới.
4. Giải quyết tranh chấp địa giới hành chính
Tranh chấp địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính do Ủy ban nhân dân của các đơn vị hành chính đó cùng phối hợp giải quyết. Trường hợp không đạt được sự nhất trí về phân định địa giới hành chính hoặc việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:
a) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định;
b) Trường hợp tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp địa giới hành chính.
Như vậy, UBND của các đơn vị hành chính cùng phối hợp giải quyết tranh chấp địa giới hành chính, trường hợp không đạt được sự thống nhất hoặc kết quả giải quyết tranh chấp làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quyết như sau:
- Đối với tranh chấp cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương Chính Phủ trình phương án giải quyết, Quốc Hội quyết định phê duyệt hoặc yêu cầu điều chỉnh.
- Đối với tranh địa giới của đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn Chính Phủ trình phương án giải quyết, UBTVQH quyết định phê duyệt hoặc yêu cầu điều chỉnh.
5. Bản đồ hành chính
1. Bản đồ hành chính của địa phương nào thì được lập trên cơ sở bản đồ địa giới hành chính của địa phương đó.
2. Việc lập bản đồ hành chính được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn việc lập bản đồ hành chính các cấp trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính toàn quốc, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tổ chức đơn vị hành chính là thành tố quan trọng của cấu trúc hành chính nhà nước, thể hiện sự phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương với chính quyền của các cộng đồng lãnh thổ địa phương. Việc tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm lịch sử truyền thống và các đặc trưng vùng miền, khả năng quản lý của các cấp chính quyền, tạo thuận lợi cho đời sống của người dân là yêu cầu thiết yếu để chính quyền địa phương ở mỗi quốc gia hoạt động hiệu quả.
6. Bảo quản hồ sơ địa chính
Hồ sơ địa chính số được quản lý, bảo đảm an toàn cùng với việc quản lý bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Căn cứ theo Điều 30 quy định về bảo quản hồ sơ địa chính như sau:
“1. Hồ sơ địa chính dạng số được quản lý, bảo đảm an toàn cùng với việc quản lý bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
2. Hồ sơ địa chính dạng giấy được bảo quản theo quy định như sau:
a) Hồ sơ địa chính được phân nhóm tài liệu để bảo quản bao gồm:
– Bản đồ địa chính; bản trích đo địa chính thửa đất; tài liệu đo đạc khác sử dụng để đăng ký đất đai;
– Bản lưu Giấy chứng nhận;
– Hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất;
– Sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ cấp Giấy chứng nhận;
– Các tài liệu khác;
b) Hệ thống hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Thông tư này được sắp xếp và đánh số thứ tự theo thứ tự thời gian ghi vào sổ địa chính của hồ sơ thủ tục đăng ký lần đầu; số thứ tự hồ sơ gồm 06 chữ số và được đánh tiếp theo số thứ tự của các hồ sơ đã lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
3. Thời hạn bảo quản hồ sơ địa chính được quy định như sau:
a) Bảo quản vĩnh viễn đối với các hồ sơ địa chính dạng số và thiết bị nhớ chứa hồ sơ địa chính số; các tài liệu dạng giấy đã lập bao gồm: Tài liệu đo đạc địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ cấp Giấy chứng nhận, bản lưu Giấy chứng nhận; hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 23 của Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Bảo quản trong thời hạn 5 năm đối với hồ sơ thủ tục đăng ký cho thuê, cho thuê lại, đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã đăng ký xóa cho thuê, cho thuê lại, xóa thế chấp; giấy tờ thông báo công khai kết quả thẩm tra hồ sơ thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; thông báo về việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và các giấy tờ khác kèm theo.
4. Việc quản lý, bảo đảm an toàn cho hồ sơ địa chính dạng giấy và thiết bị nhớ được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ quốc gia.”