Dị vật ở tai và cách xử trí an toàn

Dị vật ở tai là tình trạng thường gặp ở trẻ em gây khó chịu, đôi khi còn gây hoảng sợ. Thường các dị vật ở tai bản chất không nguy hiểm, nhưng chính những cách xử trí, lấy dị vật ra không đúng cách có thể gây ra những biến chứng, tổn hại nặng nề.

1. Dị vật ở tai là tình trạng gì?

Dị vật ở tai là tình trạng một vật bị mắc kẹt trong ống tai (một ống dẫn từ màng nhĩ ra bên ngoài). Các dị vật phổ biến thường gặp là bông gạc, côn trùng (gián, ruồi, kiến), thực phẩm (đậu hoặc hạt), đồ chơi nhỏ, hạt…Khi có dị vật ở tai, người lớn có thể cảm thấy khó chịu và phát hiện, tuy nhiên một vài trường hợp không thể phát hiện. Đối với trẻ em, việc phát hiện dị vật trong tai khá khó khăn.

Tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Ống tai ngoài được cấu tạo bởi ống tai sụn ở ngoài và ống tai xương ở trong. Phần tiếp nối giữa ống tai ngoài và ống tai xương rất hẹp. Dị vật thường bị kẹt ở vị trí này, gây khó khăn cho việc lấy. Dị vật ở tai thường gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn. Những hành động cố gắng lấy dị vật của cha mẹ trẻ có thể đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc dễ gây tổn thương màng nhĩ.

2. Phân loại các dị vật ở tai thường gặp

Có hai loại dị vật thường gặp ở tai là dị vật bất động (vật thể) và dị vật cử động (côn trùng)

Dị vật bất động (vật thể)

Loại này thì thường xuyên gặp hơn. Và xảy ra với trẻ nhỏ nhiều hơn.

Thủ phạm:

+ Dị vật loại này có thể do cơ thể tự tạo ra (nút ráy tai, nút biểu bì ống tai).

+ Hoặc do người bệnh chủ động đưa từ ngoài vào như khi ngoáy tai bằng que gòn và đầu gòn bị rơi vào trong tai.

+ Đặc biệt trẻ nhỏ có thể tự đút vào tai nhiều dị vật từ viên giấy nhỏ, mẩu bánh kẹo cho đến hạt đậu, hạt cườm, viên bi nhỏ, thậm chí là tự đổ cát vô tai..

Ảnh hưởng: Nếu dị vật khá to sẽ gây bịt kín, tắt ống tai, làm cho tai bị ù, nghe kém hoặc gây cảm giác đau, ho do kích thích thần kinh.

Dị vật cử động (côn trùng)

Dị vật ở tai là côn trùng thì ít gặp hơn (nhưng gây cảm giác kinh khủng hơn)

Thủ phạm: Các loại côn trùng chui vào tai thường là gián, kiến, muỗi, ruồi nhặng, ong ruồi…

Khi chui vào tai, các côn trùng này thường di chuyển, cắn, quẫy đạp…gây đau đớn, phù nề hoặc chảy máu trong tai, đôi khi có thể gây tổn thương màng nhĩ.

Và khi côn trùng là gián hoặc dế thì các gai nhọn ở chân sẽ có thể gây rách da ống tai hay tổn thương màng nhĩ.

Côn trùng chui vào tai

Côn trùng chui vào tai (Ảnh: Internet)

Ảnh hưởng: các dị vật sống này nếu không xử trí đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như rách hay thủng màng nhĩ.

3. Triệu chứng khi bị dị vật ở tai

Tùy mỗi cá nhân, loại dị vật mà có các triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, nếu gặp phải các triệu chứng dưới dây thì nên chú ý và tìm cách xử trí sớm:

+ Đau tai, nhức bên trong tai nếu dị vật gây tổn thương tai hoặc màng nhĩ. Cảm giác đau ngày càng nghiêm trọng và có hiện tượng nhiễm trùng

+ Ù tai, có cảm giác nhột hay có tiếng vo ve trong tai nếu côn trùng chui vào ống tai

+ Có cảm giác tai nhói đau rồi hết, liên tục nhiều lần

+ Khả năng nghe của tai bị giảm hoặc không nghe thấy gì

+ Vùng tai bị đỏ, ngứa hoặc chảy máu trong tai

+ Chóng mặt, đau đầu, tai ù nặng.

+ Ngoài ra dị vật gây kích thích ống tai dẫn đến buồn nôn, nôn, ho…

u-tai-nguy-hiem-khong-3

Đau nhức, ù tai là triệu chứng thường gặp khi mắc dị vật ở tai (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp có dị vật ở tai nhưng không có bất kỳ triệu chứng gì.

4. Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp dị vật ở tai không phải là trường hợp cấp cứu. Nếu không thể tự lấy dị vật ra thì thông thường bạn có thể đến bác sĩ vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn cần phải đến phòng cấp cứu ngay để ngăn ngừa tổn thương nặng hơn.

+ Nếu vật kẹt trong tai là vật sắc nhọn, bạn hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, vì các biến chứng có thể xảy ra rất nhanh.

+ Trẻ nhỏ thường cho pin nút áo vào trong tai. Đây là kiểu pin tròn, nhỏ, thường dùng cho đồng hồ đeo tay hoặc các thiết bị gia dụng nhỏ. Nếu pin nút áo ở trong tai, bạn hãy tìm chăm sóc y tế ngay lập tức. Hóa chất trong pin có thể rỉ ra và gây tổn thương nghiêm trọng cho ống tai.

+ Tìm cấp cứu ngay nếu vật kẹt trong tai là nguyên liệu thực phẩm hoặc thực vật. Những thứ này sẽ nở ra khi tiếp xúc với độ ẩm, có thể gây tổn thương cho tai.

+ Nếu có các triệu chứng như sưng, sốt, chảy mủ, chảy máu, mất thính lực, chóng mặt hoặc cơn đau gia tăng, bạn cần đến bác sĩ ngay lập tức

+ Không thể tự loại bỏ dị vật dễ dàng

5. Cách xử trí khi bị dị vật trong ống tai

Khi có dị vật ở tai, nên xử lý theo các bước:

+ Xác định loại dị vật

+ Xác định có cần lập tức đến bác sỹ không

+ Biết rõ những điều không nên làm để xử lý dị vật

+ Tìm cách tự xử trí tại nhà

+ Nếu có bất thường, nên đến khám bác sỹ

Xác định loại dị vật ở tai

Không phải lúc nào chúng ta cũng biết được bằng cách nào hoặc tại sao một vật gì đó lại kẹt trong tai, nhưng cách xử lý sẽ khác nhau tùy vào việc vật đó là gì. Nếu có thể, hãy xác định dị vật trước khi quyết định cách xử lý.

Xác định có cần lập tức đến bác sỹ không

Phần lớn trường hợp dị vật trong tai không phải là trường hợp cấp cứu, nhưng trong một số trường hợp nghiêm trọng, nên đến gặp bác sỹ ngay lập tức.

Biết rõ những điều không nên làm để xử lý dị vật

Vật lạ ở trong tai thường gây khó chịu đến mức khiến nhiều người vội vã hành động ngay mà không kịp nghĩ đến hậu quả. Tuy nhiên, nên lưu ý những việc không nên làm vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng:

+ Không dùng tăm bông để lấy vật lạ ra khỏi tai. Tăm bông thường được chúng ta sử dụng khi xử trí các vấn đề ở tai, nhưng chúng không có tác dụng trong việc lấy dị vật ra khỏi tai. Trong một số trường hợp, tăm bông có thể đẩy dị vật sâu hơn vào trong ống tai.

nguy-hai-khon-luong-tu-viec-lay-ray-tai

Không dùng tăm bông để lấy dị vật ra khỏi tai (Ảnh: Internet)

+ Không cố gắng tự bơm rửa tai mà không có sự trợ giúp của bác sĩ khi có vật lạ kẹt trong tai.

+ Không dùng thuốc nhỏ tai cho đến khi biết thứ gì gây khó chịu trong tai. Hiện tượng có dị vật trong tai cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như các bệnh lý khác về tai. Thuốc nhỏ tai có thể làm vấn đề trầm trọng hơn, nhất là nếu vật đó có thể làm thủng màng nhĩ.

+ Nếu dị vật là côn trùng, không nên lấy dị vật bằng cách dùng tay, vì côn trùng có thể chích hoặc cắn vào tay.

+ Nếu dị vật nằm sâu trong ống tai, không dễ kéo hay gắp ra thì không cố hết sức khều móc vì có thể sẽ làm cho dị vật đẩy vô sâu thêm (đặc biệt là các vật tròn và trơn)

+ Không cố khều móc, dị vật di chuyển theo hướng không phù hợp vì có thể gây tổn thương ống tai, tổn thương màng nhĩ (nếu là dị vật cứng, sắc nhọn).

Các phương pháp xử trí dị vật tại nhà

Lắc tai cho dị vật rơi ra: Nếu dị vật nhỏ, biện pháp đầu tiên nên làm là nghiêng đầu xuống và dùng lực hấp dẫn để đẩy vật lạ ra ngoài. Nghiêng đầu về một bên sao cho bên tai bị tắc hướng xuống đất. Đôi khi chỉ cần như vậy là dị vật cũng có thể rơi ra. Không đập hoặc đánh vào bên đầu. Bạn có thể lắc nhẹ, nhưng động tác đập vào đầu có thể gây thêm tổn thương.

Dùng nhíp để gắp dị vật ra: chỉ nên dùng biện pháp này nếu một phần của dị vật thò ra ngoài và có thể dễ dàng lấy ra bằng nhíp.

dị vật ở tai

Chỉ nên dùng biện pháp này nếu một phần của dị vật thò ra ngoài và có thể dễ dàng lấy ra bằng nhíp (Ảnh: Wikihow)

+ Không đưa nhíp vào trong ống tai. Cố lấy bất cứ vật gì trong tai của trẻ em bằng nhíp không phải là ý tưởng hay. Thay vì thế, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa.

+ Rửa sạch nhíp bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn trước khi dùng. Các dị vật đôi khi có thể chọc thủng màng nhĩ, gây chảy máu hoặc rách bên trong ống tai. Điều này khiến tai dễ bị nhiễm trùng.

+ Dùng nhíp kẹp vật thể và kéo ra. Thao tác chậm và nhẹ nhàng để dị vật khỏi bị vỡ trước khi được gắp ra.

+ Không dùng phương pháp này nếu vật thể ở quá sâu và bạn không thể nhìn thấy đầu nhíp khi cố gắng lấy vật thể đó ra. Ngoài ra, không cố dùng cách này nếu nạn nhân không thể giữ yên. Những trường hợp như vậy tốt nhất là đến bác sĩ.

Dùng dầu để diệt côn trùng: Côn trùng lọt vào tai có thể cực kỳ khó chịu vì chúng bay loạn xạ và kêu vo ve. Hơn nữa bạn còn có nguy cơ bị đốt. Việc giết côn trùng có thể giúp lấy chúng ra dễ dàng hơn.

+ Đừng bao giờ dùng ngón tay để lấy côn trùng ra vì chúng có thể đốt.

+ Nghiêng đầu qua một bên sao cho bên tai bị kẹt hướng lên trần nhà hoặc lên trời. Đối với người lớn, kéo thùy tai ra sau và lên trên.

+ Dầu khoáng, dầu ô liu hoặc dầu em bé có hiệu quả nhất. Ưu tiên dùng dầu khoáng nếu có. Đảm bảo dầu phải ấm, nhưng không đun sôi hoặc bỏ vào lò vi sóng nếu bạn không muốn bị bỏng tai. Chỉ cần dùng một giọt nhỏ, bằng với lượng dung dịch cho một lần nhỏ tai.

+ Lý tưởng là con côn trùng đó bị chết đuối hoặc chết ngạt trong dầu và nổi lên trên bề mặt.

+ Chỉ nên dùng dầu nếu bạn đang cố gắng lấy côn trùng ra khỏi tai. Nếu thấy đau, chảy máu hoặc dịch tiết ra từ tai thì có thể bạn đã bị thủng màng nhĩ. Việc sử dụng dầu trong những trường hợp này có thể gây nguy hiểm; không dùng dầu nếu bạn có xuất hiện bất cứ triệu chứng nào như trên.

+ Đến gặp bác sĩ sau khi dùng phương pháp này để đảm bảo mọi bộ phận của côn trùng đã được lấy ra hết.

+ Phương pháp này không nên sử dụng cho trẻ nhỏ vì ống tai hoặc màng nhĩ có thể bị thủng.

Lưu ý:

Đừng cố gắng dùng ngón tay lấy vật lạ ra. Động tác này thường khiến vật bị đẩy sâu hơn vào trong tai.

Vì trẻ nhỏ thường không thể truyền đạt những rắc rối của mình với người lớn, bạn cần biết các biểu hiện của trẻ nếu có vật lạ lọt vào tai trẻ. Quấy khóc vô cớ, đỏ và sưng quanh tai, kéo tai là các biểu hiện cần chú ý.

Đối với trẻ nhỏ, chỉ nên áp dụng phương pháp lắc cho dị vật rơi ra. Các trường hợp còn lại, tốt nhất nên đến thăm khám bác sĩ

Đối với người lớn, nếu dị vật không được loại bỏ một cách dễ dàng và hoàn toàn hay nếu tiếp tục bị đau ở tai, giảm thính lực hay có bất thường gì khác, nên đến khám bác sỹ để kiểm tra chính xác.

6. Cách phòng ngừa mắc dị vật ở tai

Có thể hạn chế việc mắc dị vật ở tai bằng những biện pháp sau:

+ Chú ý đến trẻ em khi trẻ đang chơi các vật nhỏ, sắt nhọn

+ Không sử dụng bất kỳ vật gì, chẳng hạn như khăn giấy, bông gạc hoặc tăm xỉa răng, để làm sạch ống tai.

+ Vệ sinh nơi ở sạch sẽ để hạn chế các côn trùng như gián, kiến, muỗi, ruồi nhặng, ong ruồi…

KẾT LUẬN

Dị vật ở tai là tình trạng khá phổ biến có thể gây khó chịu, nhưng thường không gây nguy hiểm. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên hiểu rõ về bệnh để có cách xử trí thích hợp, tránh những hậu quả không đáng có.