Dị ứng thức ăn: Nguyên nhân, dấu hiệu & cách xử lý nhanh chóng

2023-05-26 08:42:17

Dị ứng thức ăn không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng gây phiền toái khiến nhiều người mệt mỏi, khó chịu, chán ăn. Vậy nguyên nhân do đâu, dấu hiệu nhận biết thế nào, cách điều trị hiệu quả ra sao?

I – Tổng quan về tình trạng dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn có thể hiểu một cách đơn giản là phản ứng của tự nhiên của hệ thống miễn dịch khi chúng ta ăn một loại thức ăn nào đó. Ngay cả khi chúng ta ăn chỉ một lượng nhỏ thức ăn cũng có thể bị dị ứng gây nổi mề đay mẩn ngứa, nổi ban, thậm chí xảy ra tình trạng ngứa ngáy dữ dội gãi nhiều mà không đỡ. Đi kèm với đó là các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa, hô hấp.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, dị ứng thức ăn có thể gây ra những triệu chứng trầm trọng gọi là sốc phản vệ, cần phải đưa đi cấp cứu kịp thời tránh ảnh hưởng đến tính mạng. Số liệu thống kê cho thấy tình trạng dị ứng thức ăn có thể xảy ra khoảng 9% trẻ em dưới 5 tuổi và lên đến 4% đối với người trưởng thành. Một số trẻ khi lớn lên hệ thống miễn dịch hoàn thiện sẽ đỡ bị dị ứng hơn.

Dị ứng thức ăn là tình trạng gì?

II – Dấu hiệu nhận biết dị ứng với thức ăn qua các triệu chứng, biểu hiện

Các biểu hiện dị ứng thức ăn có đủ các mức độ từ nhẹ đến nặng, thường xảy ra vài phút đến vài giờ ngay sau khi cơ thể ăn thức ăn lạ. Nhận biết một số triệu chứng điển hình để có cách xử lý nhanh chóng vừa tránh gây khó chịu vừa tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

  • Dị ứng thức ăn nổi mề đay, mẩn ngứa: Toàn thân hay một số bộ phận cơ thể nhất là chân tay, thân mình phát ban đỏ hoặc trắng, rất ngứa và sưng đỏ.
  • Thở khò khè, nghẹt mũi hoặc khó thở: Khi đối mặt với tác nhân gây kích ứng sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Khi này cả xoang và niêm mạc mũi đều sẽ bị kích ứng dẫn đến tình trạng nghẹt mũi, khó thở, thở khò khè, tức ngực.
  • Đau bụng, nôn và buồn nôn, tiêu chảy: Dị ứng sẽ gây ra tình trạng kích thích hệ tiêu hóa để đào thải những thức ăn bị dị ứng ra ngoài nên dễ dẫn đến những cơn đau bụng dữ dội, kèm theo buồn nôn, nôn mửa.
  • Chóng mặt hoặc bị ngất xỉu: Choáng váng, tụt huyết áp, bất tỉnh là các triệu chứng có thể xảy ra ngay sau khi “nạp” thức ăn lại. Đây là biểu hiện khi cơ thể đang nỗ lực chống lại những chất ngoại lai xâm nhập vào bên trong cơ thể.

Triệu chứng và biểu hiện của người bị dị ứng thức ăn

III – Một số loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng thức ăn

Dị ứng thức ăn có nhiều nguyên nhân nhưng thường xảy ra do cơ chế bên trong hệ miễn dịch. Theo nghiên cứu, lý do chính yếu gây ra tình trạng này là do phản ứng của hệ miễn dịch với protein – những chất gây dị ứng có trong thực phẩm. Khi thức ăn đi vào trong cơ thể, sự phản ứng này gây kích thích giải phóng ra kháng thể Immunoglobulin E nhằm ngăn chặn những chất có hại trong đồ ăn xâm nhập vào cơ thể. Cùng với đó chất histamin cũng được tiết ra, gây ra những biểu hiện nổi mề đay, sưng viêm, ngứa ngáy liên tục trên da.

Những loại thực phẩm dưới đây sẽ dẫn đến nguy cơ dị ứng cao như:

1. Dị ứng hải sản

Một số loại động vật có lớp vỏ bên ngoài cứng như tôm, cua, hến, ghẹ, bạch tuộc, sò, điệp, hùm… Đây cũng được xác định là một trong những loại dị ứng phổ biến cũng như nguy hiểm nhất. Các biểu hiện có thể từ nhẹ như bị dị ứng, nghẹt mũi đến nặng như buồn nôn, tiêu chảy, đe dọa đến tính mạng.

Khi xác định cơ địa bản thân bị dị ứng với những loại hải sản, động vật giáp xác này thì các bạn cần chủ động phòng ngừa, tránh xa nguồn thực phẩm đó.

Dị ứng thức ăn: Hải sản, đồ biển

2. Dị ứng đậu nành, đậu phộng

Protein được tìm thấy trong các loại đậu nành, đậu phộng có thể là tác nhân gây dị ứng. Điều này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của người bệnh xác định nhầm protein là một yếu tố gây hại và giải phóng ra một loạt các hóa chất gây dị ứng đi thẳng vào máu.

Các biểu hiện thường gặp có thể sưng tấy, ngứa ran ở khu vực xung quanh miệng và cổ họng, thở khò khè, gặp các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, nôn hoặc buồn nôn.

Đặc biệt dị ứng đậu nành, đậu phộng rất dễ xảy ra ở trẻ em, nhất là các bé sơ sinh. Khi trưởng thành hơn, hệ tiêu hóa ổn định thì ít có nguy cơ phản ứng với thực phẩm gây dị ứng.

Dị ứng đậu nành, đậu phộng thường thấy ở trẻ em

3. Dị ứng với lúa mì

Dị ứng lúa mì là phản ứng dị ứng với nguồn thực phẩm có chứa lúa mì, phản ứng có thể do ăn trực tiếp hoặc gián tiếp hít phải hơi lúa mì.

Các protein có trong lúa mì bao gồm albumin, globulin, gluten là các tác nhân gây dị ứng. Từ đó dẫn đến tình trạng dị ứng ngứa ngáy, rối loạn tiêu hóa hay vấn đề về hô hấp.

4. Dị ứng sữa bò

Dị ứng với sữa bò rất hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia hai loại protein được tìm thấy trong sữa bò là whey và casein sẽ gây ra các phản ứng dị ứng.

Người bị dị ứng có thể bị sưng khu vực môi, lưỡi, cổ họng ngứa và cũng có thể dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa hay sốc phản vệ. Cần chủ động ngăn ngừa bằng cách hạn chế các loại chế phẩm từ sữa, thực phẩm chứa sữa bò, sữa chua, phô mai.

Dị ứng thực phẩm, sữa bò

5. Dị ứng trứng

Các protein có trong lòng trắng trứng gây ra các phản ứng dị ứng dẫn đến tình trạng nổi mề đay, mẩn ngứa và các vấn đề về tiêu hóa.

Để có thể phòng ngừa chúng ta nên chủ động hạn chế ăn trứng. Với những người bị dị ứng trứng gà có thể chuyển sang ăn một số loại trứng khác như trứng ngỗng, trứng chim cút.

6. Dị ứng cá

Các loại protein và parvalbumin được tìm thấy trong các loại cá như cá ngừ, cá hồi, cá da trơn gây ra một loạt các biểu hiện khó chịu như cơ thể phát ban, sưng đỏ, đau dạ dày, khó thở. Đối với những người bị dị ứng cá nên tránh ăn tất cả các loại cá và những sản phẩm từ cá.

Dị ứng đồ ăn từ cá, nhất là cá biển

7. Dị ứng các loại hạt

Các loại hạt như hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt điều… đều thơm ngon, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng dùng được. Có rất nhiều người bị dị ứng khi ăn vào, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nếu đã bị dị ứng với một loại hạt thì chỉ cần ăn một lượng nhỏ thôi các triệu chứng khó chịu cũng xuất hiện.

Mức độ phản ứng có thể từ nhẹ đến nặng, nghiêm trọng nhất khi cơ thể bị sốc phản vệ cần đi cấp cứu kịp thời.

Khi đi ăn uống nên thận trọng đối với những món ăn lạ, chú trọng đến nguyên liệu chế biến món ăn cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế tối đa nguy cơ dị ứng. Đối những loại hạt mà bạn nghi ngờ có khả năng gây dị ứng cũng không nên ăn hoặc thay thế bằng các loại hạt khác.

8. Những nguyên nhân khác gây dị ứng thực phẩm

Ngoài ra một số nguyên nhân khác gây dị ứng thức ăn phổ biến như dưới đây.

  • Dị ứng thực phẩm do phấn hoa: Một số loại trái cây, rau củ quả tươi, các loại hạt gia vị có chứa protein có thể gây ra các phản ứng dị ứng tương tự như có trong một số loại phấn hoa. Người bị dị ứng thường thấy ngứa miệng, cổ họng. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới sốc phản vệ.
  • Dị ứng thực phẩm do tập thể dục: Ăn một số loại thực phẩm lạ có thể khiến nhiều người bị ứng, ngứa và chóng mặt ngay sau khi tập thể dục xong. Vậy nên để ngăn ngừa vấn đề này cần không ăn những loại thực phẩm nguy cơ gây dị ứng trong khoảng vài giờ trước khi tập thể dục.
  • Chứng quá mẫn cảm với thức ăn: Là tình trạng ruột phản ứng và không hấp thụ thức ăn. Khi được nạp vào cơ thể dù chỉ là một lượng nhỏ cũng sẽ gây ra một số triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng. Nguyên nhân có thể do cơ địa, tương tác thuốc men, dược lý trong thực phẩm…
  • Dị ứng thức ăn cũng có thể do ảnh hưởng bởi tâm lý hay khi ăn quá nhiều một thực phẩm dẫn đến dư thừa gây ngộ độc dẫn tới dị ứng.

Một số nguyên nhân gây dị ứng thức ăn khác

IV – Những ai dễ bị dị ứng thức ăn?

  • Người bị dị ứng theo di truyền: Trong một số trường hợp nếu anh chị em, người thân trong gia đình bạn bị dị ứng thức ăn thì bạn cũng có nguy cơ cao bị dị ứng với những loại thức ăn đó.
  • Người từng bị dị ứng thực phẩm: Nếu trước đây, cơ địa bạn đã từng bị dị ứng với thực phẩm, thì tình trạng này có thể lặp lại ở lần sau đối với bất kỳ thức ăn nào gây dị ứng. Và nếu đã bị dị ứng thức ăn thì ở những lần tiếp theo, mức độ dị ứng sẽ trầm trọng và biểu hiện cũng sẽ nặng hơn.

  • Trẻ em, trẻ sơ sinh: Dị ứng thức ăn thường hay gặp ở trẻ nhỏ, sơ sinh do hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch còn yếu, làn da nhạy cảm nên dễ sinh ra dị ứng nổi mề đay.

  • Người mắc bệnh hen suyễn: Có thể bạn chưa biết, nhưng những ai bị bệnh hen suyễn có khả năng bị dị ứng với thực phẩm cao hơn người khỏe mạnh. Thống kê cho thấy khoảng hơn 30% người bị hen bị dị ứng thức ăn.

Những đối tượng hay bị dị ứng thức ăn

V – Dị ứng thức ăn có nguy hiểm hay không?

Dị ứng thức ăn, thực phẩm có thể gây ra một số triệu chứng như phát ban, nổi mề đay, nghẹt mũi, nôn mửa, khó thở, thậm chí là ngất xỉu bất tỉnh gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc thường ngày.

Cũng tùy vào cơ địa của mỗi người mà dị ứng thức ăn có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hay không. Trường hợp mức độ dị ứng nhẹ thì không cần quá lo lắng, có thể gây khó chịu một chút nhưng không đến mức nghiêm trọng.

Dù khá hiếm nhưng đôi khi dị ứng thức ăn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như sốc phản vệ. Những triệu chứng này sẽ thường xuất hiện sau vài phút hoặc nửa tiếng sau khi nạp vào cơ thể nguồn thực phẩm gây dị ứng. Cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng dị ứng đồ ăn nguy hiểm:

  • Có cảm giác thắt nghẹt đường thở, cảm giác như trong cổ họng sưng đỏ, ngứa ran.
  • Mạch yếu và nhanh, huyết áp giảm thấp.
  • Chóng mặt, choáng váng, mất ý thức.
  • Da dẻ tím tái, vã mồ hôi, ngất xỉu.

Những triệu chứng sốc phản vệ thường xấu đi rất nhanh vì vậy cần mau chóng xử lý sớm để tránh gây biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, dị ứng thức ăn cũng làm trầm trọng thêm các bệnh lý vốn có sẵn có như hen suyễn, chàm… Bệnh cũng ảnh hưởng đến tâm lý, những người có tiền sử bị dị ứng luôn phải đề cao tinh thần cảnh giác, thận trọng khi ăn uống để hạn chế bị dị ứng.

Sốc phản vệ do dị ứng thức ăn

VI – Dị ứng với thức ăn sau bao lâu thì hết nổi mề đay, mẩn đỏ ngứa?

Không có thời gian cụ thể do tình trạng dị ứng sẽ tùy thuộc vào loại thực phẩm, số lượng đã ăn và cơ địa của người mắc. Thông thường triệu chứng sẽ kéo dài từ 4 tiếng đến 1 ngày, đôi khi tới 2-3 ngày mới hoàn toàn hết.

Khi bị dị ứng gây ngứa ngáy, nhiều người có thói quen gãi để giảm bớt đi cơn ngứa tuy nhiên lại gây nhiễm trùng da và khiến cho thời gian khỏi dị ứng lâu hơn.

Ở mức độ nhẹ cần ngừng ngay những thức ăn gây dị ứng, có thể sử dụng kem bôi hay các thuốc kháng histamin để giảm đi các hiện tượng nổi mề đay, phát ban, phù nề. Sau vài tiếng các triệu chứng sẽ giảm dần và khỏi hẳn. Nếu nhanh chóng xử lý kịp thời thì thời gian sẽ còn nhanh hơn.

Trường hợp nặng hơn xuất hiện các dấu hiệu sốt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sưng phù nề cơ thể thì thời gian khỏi sẽ lâu hơn.

Dị ứng thức ăn có tự khỏi? Bao lâu thì hết?

VII – Biện pháp xử lý tại chỗ khi phát hiện bị dị ứng thức ăn

Khi gặp trường hợp bị dị ứng thực phẩm, để giảm nhẹ triệu chứng các bạn nên xử lý kịp thời theo các bước như sau:

  • Ngừng ăn ngay những loại thực phẩm bị nghi ngờ gây dị ứng.
  • Nếu chỉ xuất hiện triệu chứng mẩn ngứa, nổi đỏ phát ban thì bạn có thể dùng các loại kem bôi, dầu gió phù hợp.
  • Trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm nên đi thăm khám để có biện pháp xử lý hiệu quả, kịp thời.
  • Trong trường hợp bị sốc phản vệ, cần được hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực rồi đưa người bị dị ứng tới bệnh viện.

VII – Những cách chữa dị ứng thức ăn hiệu quả, an toàn nhất

Dị ứng thực phẩm hoàn toàn có thể điều trị an toàn, hiệu quả bằng các phương pháp thích hợp. Khi dị ứng được kiểm soát đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt đi được các triệu chứng khó chịu.

1. Mẹo chữa dị ứng thức ăn tại nhà, tác dụng nhanh chóng

Trường hợp dị ứng nhẹ, các triệu chứng không quá dữ dội ở mức độ nhẹ hoặc trung bình thì mọi người hoàn toàn có thể xử trí dị ứng tại nhà, không phải đi cấp cứu tốn kém chi phí.

Uống nhiều nước lọc

Uống nhiều nước giúp cơ thể thanh lọc tốt hơn, cơ thể đào thải những độc tố bên trong cơ thể ra ngoài. Vì vậy khi bị dị ứng thức ăn cũng như các loại dị ứng khác, người bệnh nên chú ý uống nhiều nước hơn để cải thiện nhanh tình trạng.

Bổ sung thêm nước lọc để chữa dị ứng đồ ăn tại nhà

Chườm lạnh hoặc tắm nước mát

Đây là cách phổ biến mà nhiều người lựa chọn, khi thấy các triệu chứng nổi mẩn đỏ, phát ban đa phần mọi người tắm nước mát hoặc chườm đá để nhanh chóng làm dịu đi cơn ngứa, đem lại cảm giác thoải mái. Đồng thời đây cũng là cách để ngăn chặn các đám mẩn đỏ lan rộng ra các vùng da khác.

Nhưng lưu ý khi chườm đá lạnh cần bọc vào khăn sạch và mềm, tránh áp trực tiếp đá lạnh trên da kẻo gây ra các nhiễm trùng khác.

Uống trà hoặc hoa quả

  • Khi bị dị ứng thức ăn có thể uống một ly trà gừng nóng sẽ làm giảm đi triệu chứng mẩn ngứa. Bên cạnh đó gừng còn có tác dụng làm ấm bụng, đỡ đi các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
  • Uống nước giấm táo để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, củng cố lại hệ thống miễn dịch.
  • Cũng tương tự như gừng, uống ly nước chanh hoặc một số loại nước ép hoa quả khác như cam, nho giúp giảm đi các triệu chứng mẩn ngứa, phát ban. Đồng thời những loại nước ép hoa quả cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch rất tốt.

Uống trà gừng, ăn hoa quả để giảm triệu chứng dị ứng

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể áp dụng một số cách chữa dân gian hữu ích, đơn giản, dễ thực hiện như sau:

  • Có thể dùng gel nha đam để làm dịu đi các vết mẩn ngứa, rát đỏ trên da. Hoặc đắp lá trầu không cũng ngăn ngừa tốt tình trạng nổi mẩn trên da.
  • Nhai tép tỏi sống để tăng cường đề kháng, cải thiện tốt tình trạng dị ứng nhưng chú ý không nên ăn khi bụng đói.
  • Tắm bằng nước lá chè xanh hay nước lá khế, ngâm mình trong nước yến mạch cũng đem lại hiệu quả rất tốt đối với chứng viêm nhiễm, mẩn ngứa phát ban ngoài da.
  • Thoa mật ong lên vùng da bị ngứa, tổn thương giúp giảm nhanh triệu chứng bởi trong thành phần của mật ong có chứa lượng chất kháng viêm dồi dào. Hoặc uống trực tiếp mật ong kết hợp với một số biện pháp khác giúp làn da khỏe mạnh, hạn chế bị kích ứng.
  • Nhai tép tỏi sống để tăng cường đề kháng, cải thiện tốt tình trạng dị ứng nhưng chú ý không nên ăn khi bụng đói.

Mẹo dân gian chữa dị ứng thức ăn nhanh chóng

2. Sử dụng thuốc trị dị ứng thức ăn

Khi thấy có những triệu chứng của dị ứng thức ăn, mọi người cần bình tĩnh quan sát để thấy được mức độ nặng nhẹ của các phản ứng dị ứng. Từ đó có hướng xử lý đúng đắn, hiệu quả.

Đối với phản ứng dị ứng nhẹ

Theo cơ chế sinh bệnh, thức ăn gây dị ứng là do chứa nhiều histamin hoặc do khi thức ăn chuyển hóa sản sinh ra nhiều chất này. Vì vậy trong điều trị dị ứng thức ăn có thể dùng loại thuốc kháng histamin để nhanh chóng cải thiện tình trạng.

Đối với những phản ứng dị ứng nhẹ, triệu chứng không quá dữ dội và nguy hiểm thì chúng ta hoàn toàn có thể dùng thuốc kháng histamin giúp giảm đi triệu chứng mẩn ngứa hoặc phát ban. Một số loại thuốc kháng histamin phổ biến như phenergan, periactin, cimetidin…

Tuy mang lại công dụng đặc hiệu trong chữa trị song nhóm thuốc này cũng gây ra tác dụng phụ không mong muốn như ù tai, chóng mặt, choáng váng, buồn ngủ… Do vậy khi dùng thuốc mọi người nên hạn chế lao động trên cao, lái xe…

Điều trị sau cơn dị ứng người bệnh có thể uống glucocorticoid hoặc kháng histamin giúp ngăn ngừa cơn dị ứng quay trở lại.

Dị ứng thức ăn sẽ ngày càng khó chịu và nặng hơn nếu dùng thuốc không đúng. Vì vậy việc sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối tự ý dùng thuốc.

Dị ứng thức ăn nên uống thuốc gì?

Đối với phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Khi các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, các triệu chứng dữ dội hơn và nghiêm trọng hơn có thể gây ra sốc phản vệ với những biểu hiện trầm trọng hạ huyết áp, khó thở khò khè… đe dọa tính mạng. Trong trường hợp này cần dùng đến biện pháp chuyên sâu khác như tiêm epinephrine.

Epinephrine là một loại thuốc được biết đến giúp làm thuyên giảm hoặc khỏi được hoàn toàn các triệu chứng dị ứng nặng chỉ sau một vài phút tiêm vào cơ thể. Lợi ích mà epinephrine mang lại khá nhiều so với tác dụng phụ không đáng kể khi dùng.

Lưu ý trong quá trình điều dị ứng thức ăn, người bệnh cố gắng hạn chế không gãi nhiều vì càng gãi sẽ càng ngứa dữ dội hơn, tăng mẩn đỏ phù nề. Mọi người có thể chọn mua các loại kem làm dịu mau chóng cơn ngứa da có chứa menthol, sulfat kẽm hoặc kem bôi thảo dược.

Xử lý tình trạng dị ứng với đồ ăn nghiêm trọng

VIII – Những cách phòng tránh tình trạng dị ứng đồ ăn

Dị ứng thức ăn hoàn toàn có thể phòng tránh được, mọi người cần lưu ý về thói quen ăn uống lành mạnh, cẩn thận trước những đồ ăn lạ.

  • Không sử dụng đồ ăn bị mốc, hoặc hết hạn sử dụng.
  • Vệ sinh nhà bếp sạch sẽ, giữ dụng cụ nấu nướng cẩn thận, tránh bụi bẩn.
  • Khi đã từng bị dị ứng nên chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc dị ứng trước khi đi du lịch hoặc ra ngoài ăn uống.
  • Để không mua phải những thực phẩm gây dị ứng, mọi người cần phải học cách đọc nhãn hiệu cũng như các thành phần trên bao bì thực phẩm.
  • Nếu bạn có tiền sử dị ứng khi đi ăn nhà hàng gặp những món lạ mọi người cần để ý kỹ đến các thành phần nguyên liệu.

Biện pháp phòng tránh dị ứng thức ăn

Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh hệ tiêu hóa chưa ổn định rất dễ bị dị ứng nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 6 tháng. Trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong nửa năm đầu đời. Khi mẹ cho bé uống sữa công thức bên ngoài cần lưu ý đến các thành phần của sữa.
  • Nên sử dụng các loại bột ăn dặm lành tính, an toàn cho trẻ như gạo, các loại củ.
  • Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn như thịt muối, thịt xông khói, hải sản đóng hộp, chất tạo màu thực phẩm…
  • Khi biết trẻ dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, các mẹ cần loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn. Song điều đó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thế nên các mẹ cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia để tìm được một chế độ ăn thay thế hợp lý, giàu vitamin và dinh dưỡng.

Dị ứng thức ăn cần nắm được nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách điều trị phòng tránh hiệu quả, nhất là đối với những người có nguy cơ cao cần được chú trọng.