Đi tìm ‘hình bóng phụ nữ Việt Nam’ qua những bức ảnh
Bức ảnh “Nụ cười Tây Bắc số 3”. Năm 2014, lần đầu tiên đến xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, ấn tượng và choáng ngợp với búi tóc, y phục và nụ cười của các thiếu nữ dân tộc Mông Đỏ nơi đây, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đã bấm máy liên tục như thể sợ các cô thiếu nữ… biến mất
“Bạn tôi – một nhà thơ – hỏi rằng: Tại sao ảnh của tôi đều có hình bóng người phụ nữ? Tôi bảo: Đó là nửa thế giới mà tôi luôn muốn khám phá, ngưỡng mộ, chia sẻ và kiếm tìm vì sự sống, vẻ đẹp hiện hữu từ ấy” – nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt (Bình Định) chia sẻ “mối lương duyên” gắn bó với rất nhiều đề tài phụ nữ Việt Nam.
Ông bén duyên với nhiếp ảnh từ cuối những năm 1990, cũng là ngần ấy năm ông theo đuổi đề tài “Con người”.
Nón Gò Găng – trong hình là bà Nguyễn Thị Thuộc ở thôn Bình Đức, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đang làm nghề nón
Điều dễ nhận ra và ấn tượng hơn cả chính là những bức hình ông ghi lại về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, ấn tượng về phụ nữ Việt. Những khoảnh khắc tuyệt đẹp được ông bắt gặp và thu vào ống kính máy ảnh.
Bức ảnh Nụ cười Tây Bắc số 2 được ông chụp cuối đông 13 năm trước. Ông khởi hành từ bến xe Giáp Bát (Hà Nội) đi Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, mưa rì rào cả đêm đập vào kính như “điệp khúc”. Thế nhưng sáng hôm sau vào bản Hoàng Hồ (xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ) gặp nụ cười thật tươi của bà cháu người Mông khiến ông quên tất cả khó nhọc trên chuyến xe đò.
“Đường phèn kết tinh” tạo thành đường nét lung linh như cung đàn
Hay một lần đến với vùng đất Quảng Ngãi, đến tham quan và “săn ảnh” tại một cơ sở sản xuất đường phèn ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Bà Trần Thị Ánh Nghĩa – chủ cơ sở – đã nhiệt tình cho nghệ sĩ nhiếp ảnh vào chụp hình.
Ông nhớ lại, khoảnh khắc nắng sớm mai xuyên qua mái nhà lọt qua những chiếc rọ bằng chỉ chồng trên lò đường (được dùng để kết tinh đường phèn) vô tình tạo thành đường nét lung linh như cung đàn. “Cuộc sống rất đẹp nếu ta chịu khó đi tìm và trải nghiệm” – ông thốt lên.
Nhưng đề tài mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt “tốn nhiều shot hình” hơn cả mang tên Lo lắng. Ông giãi bày, lo lắng là sự suy nghiệm, trăn trở về cuộc sống đương đại, nên trong những lần đi săn ảnh khi có cơ hội là ông thực hiện ngay.
“Lo lắng số 1” – người mẹ trẻ với đôi mắt khắc khoải như lo lắng cho tương lai, trong khi đứa bé ngoái đầu nhìn lại phía sau như tiếc nuối khung trời cũ ở bản làng
Bức hình Lo lắng số 1 được ông ghi lại trong chuyến đi lần đầu tiên đến Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong ảnh là người mẹ trẻ với đôi mắt khắc khoải như lo lắng cho tương lai, trong khi đứa bé trên lưng mẹ ngoái đầu nhìn lại phía sau như tiếc nuối khung trời cũ ở bản làng.
Lo lắng số 2 ông thực hiện trong một chuyến đi thăm cơ sở sản xuất lộc bình tre ghép ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Trong ảnh, người mẹ – chủ cơ sở lo lắng khi nền kinh tế thị trường khủng hoảng lúc bấy giờ, hàng hóa tồn kho ứ đọng khó tiêu thụ. Điều lo lắng của bà trở thành hiện hữu, sau đó không lâu cơ sở này đóng cửa!
Lo lắng số 2, ảnh chụp ở Ý Yên, Nam Định
“Hơn 20 năm qua, những chuyến đi rong ruổi khắp ba miền Tổ quốc đã “kết duyên” cho tôi gặp được nhiều nhân vật, mang đến nhiều cảm xúc mãnh liệt, lưu lại khoảnh khắc khó quên.
Qua các cuộc thi ảnh quốc tế cho tôi cơ hội chia sẻ những hình ảnh đẹp về quê hương và con người Việt Nam đến với mọi người, tiếp thêm động lực sáng tạo nghệ thuật” – nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt bày tỏ.
“Cầu phước” – bức hình được chụp tại TP.HCM
Bức ảnh “Lo lắng số 3” chụp tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai vào cuối năm 2019. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt muốn gửi đến mọi người nỗi lo về môi trường sống bị tác động từ việc đốt phá rừng
Chuẩn bị mùa biển mới, ảnh chụp ở Bạc Liêu
Thu hoạch muối ở Hòn Khói, Khánh Hòa
Mùa lúa chín Tây Bắc. Nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt kể, khi nhóm của ông đang săn ảnh thì chủ ruộng đốt gốc rạ tỏa khói mịt mù. Khói đốt đồng tỏa ra ngược trong nắng chiều đã tạo cho bức ảnh đẹp huyền ảo
Chiều thu Tây Bắc – Mù Cang Chải, Yên Bái
Nụ cười Tây Bắc số 2. Ảnh chụp nụ cười thật tươi của bà cháu người Mông ở bản Hoàng Hồ, xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu
Hơn 20 năm theo nghiệp cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt đã đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Trong đó đáng kể đến như Cúp vàng nhà nhiếp ảnh của năm 2005 – Ý (Golden Cup of Photographer of the Year 2005), huy chương vàng xuất sắc nhất châu Á 2006 – Ý (Gold Medal Best of Asia 2006).
Ông đã giành hơn 320 huy chương vàng, 3 cúp Hong Kong (2006, 2013), Thụy Điển (2009); giải nhất ảnh năm 2011 của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (First Place Award – PPD Photo of the Year 2011 of PSA)…
3 lần xếp thứ nhất thể loại ảnh nhỏ đơn sắc và màu các năm 2010, 2013 và 3 lần xếp thứ nhì ảnh kỹ thuật số, ảnh nhỏ đơn sắc các năm 2010, 2011, 2012 trong Top các nhà nhiếp ảnh thế giới Overseas Exhibitors in “Who‘s Who in Photography”) do Hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ bầu chọn.
Ông được lựa chọn tham gia hội đồng giám khảo nhiều cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế và nhận bằng khen của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Bình Định và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam chỉ đẹp trong lao động?