Di sản thừa kế là gì? Quy định mới về các loại di sản thừa kế?

Di sản thừa kế là gì? Quy định mới nhất về các loại di sản thừa kế? Đất đai là một loại tài sản cần chú ý trong khi giải quyết tài sản là di sản thừa kế?

    1. Di sản thừa kế là gì?

    Khái niệm di sản thừa kế chưa được văn bản pháp luật nào đưa ra cụ thể mà hầu hết chỉ được nêu ra với cách liệt kê để xác định di sản gồm những tài sản nào. Khái niệm này đã được một số nhà khoa học đưa ra khi nghiên cứu pháp luật về thừa kế trên cơ sở một số phương diện nhất định.

    Xét trên phương diện khoa học luật dân sự: Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện.

    Điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

    Theo đó, di sản chính là các tài sản thuộc sở hữu của người để lại thừa kế lúc họ còn sống. Đó có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản thuộc di sản được phân loại thành bất động sản và động sản. Bất động sản thuộc di sản thừa kế có thể bao gồm: tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

    Xem thêm: Chia di sản thừa kế theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015

    2. Quy định mới nhất về các loại di sản thừa kế:

    – Các tài sản thuộc quyền sở hữu của người để thừa kế và thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt và những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ.

    – Các quyền về tài sản mà người để thừa kế được hưởng theo quan hệ hợp đồng hoặc do được bồi thường thiệt hại.

    – Các nghĩa vụ về tài sản của người để thừa kế phát sinh do quan hệ hợp đồng, do việc gây thiệt hại hoặc do quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ: Một món nợ, một khoản bồi thường thiệt hại v.v…).

    Cần lưu ý, đối với những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản gắn liền với nhân thân người chết (tức là không thể di chuyển cho người khác được), thì không phải là di sản thừa kế của người đó. Ví dụ: Các quyền được hưởng trợ cấp thương tật, tiền tuất, nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn…chỉ có thể được thực hiện khi người được hưởng quyền còn sống. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn chỉ phải thực hiện khi người có có nghĩa vụ còn sống. Vì vậy, các người thừa kế không được hưởng loại quyền tài sản gắn liền với thân nhân người chết, và cũng không phải thực hiện loại nghĩa vụ tài sản đó.

    Xem thêm: Quy định về thủ tục thực hiện từ chối nhận di sản thừa kế

    3. Đất đai là một loại tài sản cần chú ý khi giải quyết tài sản là di sản thừa kế:

    Theo Điều 19 và Điều 20 của Hiến pháp mới, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

    Như vậy, đất đai không thuộc quyền sở hữu riêng của công dân, nên không thể là di sản thừa kế. Nếu người đang sử dụng đất chết thì việc điều chỉnh quyền sử dụng phần diện tích đó sẽ do pháp luật về đất đai quy định. Quyền sử dụng đất, cây cối và hoa mầu thuộc quyền sở hữu của người đã chết, vẫn thuộc di sản thừa kế. Như vậy, khi nhắc tới thừa kế về đất đai ta phải nhắc tới câu chuyện thừa kế quyền sử dụng đất.

    Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển giao tài sản là quyền sử dụng đất từ người đã chết sang người còn sống. Những vấn đề xoay quanh thừa kế là vô cùng phức tạp dẫn đến nhiều tranh chấp. Vậy, quyền sử dụng đất được quy định là di sản khi nào?

    Căn cứ Mục 1 Phần II Nghị quyết 02/ 2004/NQ-HĐTP quy định quyền sử dụng đất là di sản khi:

    • Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, “Luật đất đai năm 2013” thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
    • Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của “Luật đất đai năm 2013”, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
    • Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà không có các giấy tờ trên nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với quyền sử dụng đất đó và có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được xem là di sản khi Tòa án giải quyết yêu cầu chia di sản.

    3.1. Điều kiện nhận thừa kế quyền sử dụng đất:

    Để được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, người nhận thừa kế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Cụ thể:

    • Đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
    • Đất không có tranh chấp;
    • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
    • Đất đai thừa kế đang trong thời hạn sử dụng đất.

    Lưu ý:

    • Việc thừa kế phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
    • Thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức không tiến hành đăng ký đất đai và hiển nhiên cũng sẽ không được đăng ký vào sổ địa chính. Lúc này, việc thừa kế chưa phát sinh hiệu lực dẫn đến nhầm lẫn trong quá trình sử dụng đất và phát sinh tranh chấp.
    • Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì không được nhận thừa kế quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được nhận thừa kế về giá trị quyền sử dụng đất.

    3.2. Nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc:

    Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, người đủ điều kiện lập di chúc theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) được quyền thể hiện ý chí mong muốn chuyển giao tài sản của mình cho bất kỳ ai bằng văn bản hoặc bằng miệng (trong trường hợp không thể lập di chúc bằng văn bản).

    Di chúc phải đảm bảo điều kiện về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 627, Điều 630, Điều 631 BLDS.

    Lưu ý:

    Thứ nhất, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

    • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
    • Con thành niên mà không có khả năng lao động.

    Quy định trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

    Thứ hai, đối với phần di sản dùng vào việc thờ cúng do người lập di chúc để lại thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc hoặc những người khác theo quy định của pháp luật quản lý để thực hiện việc thờ cúng.

    3.3. Nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật:

    Căn cứ chương XXIII Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

    Thứ nhất, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

    • Không có di chúc;
    • Di chúc không hợp pháp;
    • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
    • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Thứ hai, những người thừa kế theo pháp luật được hưởng thừa kế bằng cách xác định theo hàng thừa kế lần lượt theo thứ tự sau đây:

    • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
    • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
    • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

    Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Lưu ý: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

    3.4. Nhà thờ họ:

    – Nhà thờ có từ lâu đời hoặc nhà thờ do các thành viên trong họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng nên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người trong họ, nên không thể trở thành di sản của người trưởng họ (hoặc của bất cứ cá nhân nào). Nếu có tranh chấp thì giải quyết theo nguyện vọng chung của các thành viên trong họ.

    – Nhà thờ do người trưởng họ bở tiền riêng xây dựng rồi cho họ mượn làm nơi thờ cúng hoặc nhà của người trưởng họ được dành ra một phần diện tích để làm nơi thờ cúng vẫn thuộc quyền sở hữu của người trưởng họ. Nếu người trưởng họ chết thì nhà này là di sản thừa kế.

    3.5. Tư liệu sản xuất và nhà thuộc diện cải tạo:

    Những tư liệu sản xuất, phương tiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển của người tư sản cải tạo đã đưa vào công tư hợp danh, hoặc nhà cửa của người tư sản nhà cửa đã chuyển cho Nhà nước quản lý, đều thuộc sở hữu Nhà nước.

    Riêng phần diện tích nhà ở mà trong khi cải tạo xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã cho lại chủ nhà để ở thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người chủ nhà. Nếu chủ nhà chết, thì phần diện tích đó vẫn thuộc về di sản thừa kế.

    Tiền tỷ lệ phần trăm của tiền cho thuê nhà mà người tư sản nhà cửa được hưởng (theo Thông tư số 12-NV ngày 22-4-1964 của Bộ nội vụ và Thông tư số 31- BXD ngày 15-10-1977 của Bộ xây dựng) hoặc tiền lãi cố định hàng năm, tính theo tỷ lệ phần trăm của vốn mà người tư sản công thương nghiệp được hưởng (theo Quyết định số 71-CP ngày 13-4-1972 của Hội đồng Chính phủ) là để tạo điều kiện cho người tư sản lao động cải tạo dần, tiến tới sống bằng sức lao động của bản thân họ. Nếu họ chết, tiền đó không thuộc về di sản thừa kế.

    Xem thêm: Chia di sản thừa kế cho người chưa đủ 18 tuổi, chưa thành niên

    4. Tư liệu sản xuất của xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoặc thủ công nghiệp:

    Những tư liệu sản xuất đã công hữu hóa và thuộc quyền sở hữu tập thể của hợp tác xã. Những tư liệu sản xuất chưa được công hữu hóa thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người chủ cũ. Nếu người đó chết các tư liệu sản xuất này vẫn thuộc di sản thừa kế, nhưng khi chia thừa kế cần giải quyết hợp lý, hợp tình, để vẫn đảm bảo quyền lợi của các người thừa kế, mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất của hợp tác xã.

    Xem thêm: Quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng theo Bộ luật dân sự

    5. Đồ dùng mượn của cơ quan:

    Những đồ dùng sinh hoạt (như giường, tủ, bàn ghế) mà cán bộ, công nhân viên chức mượn theo tiêu chuẩn và khi về hưu đã được cấp hẳn (theo Quyết định số 296-CP ngày 20-11-1978 của Hội đồng Chính phủ), thì kể từ ngày được cấp hẳn, các tài sản này thuộc quyền sở hữu của người được cấp. Khi người được cấp chết, tài sản đã thuộc về di sản thừa kế.

    Những thứ được mượn nhưng không được cấp thì phải trả lại cho cơ quan, xí nghiệp.

    Xem thêm: Khai nhận di sản thừa kế: Ở đâu? Hồ sơ, thời hạn và thủ tục?

    6. Vàng, bạc, bạch kim và kim cương:

    Nhà nước công nhận quyền sở hữu chính đáng của người dân về vàng, bạc, bạch kim, kim cương không kể số lượng nhiều hay ít, đã chế biến hay chưa chế biến thành đồ trang sức, mỹ nghệ.

    Để bảo hộ quyền sở hữu chính đáng đó, Nhà nước quy định người có vàng bạc, bạch kim, kim cương phải kê khai để Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (theo Quyết định số 39-CP ngày 9-2-1979 của Hội đồng Chính phủ). Những thứ đã được kê khai và có giấy chứng nhận hợp lệ thì khi sở hữu chủ chết, được để làm di sản thừa kế như các tài sản hợp pháp khác.

    Những thứ không được kê khai và không có giấy chứng nhận hợp lệ thì Tòa án cần trao đổi với Ngân hàng về chủ trương giải quyết. Tuy nhiên, nếu số lượng ít (vàng từ 37,5 g, bạch kim 37,5 g, bạc 375 g, kim cương 0,600 g trở xuống) thì Tòa án cứ chia và báo cho người được chia đến Ngân hàng kê khai.