Đi học trở lại, Tây Ninh lo thiếu giáo viên mầm non
GD&TĐ – Từ ngày 21/2, hơn 32 nghìn trẻ mầm non nhiều khối lớp tỉnh Tây Ninh đã đến trường học 1 buổi/ngày. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh còn thiếu hơn 400 giáo viên mầm non.
Phụ huynh chờ bán trú
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, ngày 21/2 có 18.312 trẻ đến trường đi học trực tiếp trên số 32.187 trẻ đăng ký, chiếm tỷ lệ 56,8%. Trong đó, huyện Gò Dầu có tỷ lệ trẻ đến trường cao nhất là trên 74%; huyện Tân Biên có tỷ lệ trẻ đến trường thấp nhất với gần 43%.
Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh – cho hay: Toàn tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS và THPT đến lớp học trực tiếp từ ngày 14/2. Các trường thuộc Phòng GD&ĐT thị xã Trảng Bàng tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp từ ngày 21/2. Theo kế hoạch, từ ngày 21/2, toàn tỉnh tổ chức cho trẻ em các độ tuổi ra lớp và sẽ tổ chức bán trú cho các trường có đủ điều kiện từ ngày 28/2.
Nói về nguyên nhân khiến một số trẻ chưa đi học, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng: “Do một số phụ huynh chưa mạnh dạn cho trẻ đến lớp, chờ nhà trường tổ chức lại bán trú mới cho trẻ đi học lại vì việc đưa rước gặp khó khăn về thời gian. Một số trẻ bị bệnh thông thường không đến lớp, một số trẻ phụ huynh chưa yên tâm vì sợ ảnh hưởng dịch, bệnh…”.
Tại Trường Mầm non Rạng Đông (thị xã Hòa Thành, Tây Ninh), cô Võ Thị Thúy An – Hiệu trưởng nhà trường – thông tin: Trẻ các khối lớp đến trường học trực tiếp ngày 21/2 đạt 216 trẻ/461 trẻ đã huy động, chiếm tỷ lệ 46,85%.
“Số trẻ mẫu giáo ra lớp còn thấp so với mặt bằng chung của thị xã, do đa số phụ huynh là công chức nên việc tổ chức học 1 buổi rất khó khăn trong việc đưa đón trẻ…”, cô Võ Thị Thúy An nhận định.
Để đón trẻ, Trường Mầm non Rạng Đông đã hướng dẫn giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục, lựa chọn nội dung cần thiết, phù hợp với thời gian còn lại của năm học và khả năng của trẻ trong lớp, giúp trẻ em đạt mục tiêu, kết quả mong đợi theo Chương trình giáo dục mầm non. Trong đó, nhà trường tăng cường các hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng như rửa tay trước khi ăn sau khi đi vệ sinh, thực hiện đeo khẩu trang…. đảm bảo trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non khi kết thúc năm học.
“Trước khi đưa trẻ đến trường, phụ huynh thực hiện kiểm tra sức khỏe và thông tin với giáo viên về trường hợp có người thân là F0, F1 để nhà trường nắm bắt kịp thời nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch tại đơn vị. Tất cả giáo viên, phụ huynh học sinh của trường đều thực hiện ký cam kết về thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều đã tiêm mũi 3 đạt gần 100%…”, cô Võ Thị Thúy An cho biết.
Cô Võ Thị Thúy An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Rạng Đông (thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) báo cáo tình hình đi học của trẻ với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.
Chỉ tuyển được 17% chỉ tiêu giáo viên mầm non
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh có 1.801 giáo viên. Nếu tính nhu cầu giáo viên theo định mức 2 giáo viên trên nhóm/lớp thì tỉnh cần 2.064 giáo viên và đang thiếu 263 giáo viên. Còn nếu tính nhu cầu giáo viên theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV thì tỉnh cần 2.230 giáo viên và đang thiếu 429 giáo viên.
Đối với giáo dục tiểu học, tỉnh hiện có 4.432 giáo viên, trong khi nhu cầu giáo viên theo định mức cần 4.705 giáo viên, thiếu 273 giáo viên. Đối với bậc THCS, tỉnh hiện có 2.856 giáo viên, trong khi nhu cầu giáo viên theo định mức thì cần 3.173 giáo viên, thiếu 317 giáo viên. Đối với bậc THPT, có 1.371 giáo viên, trong khi nhu cầu giáo viên theo định mức cần 1.617 giáo viên, thiếu 246 giáo viên.
Nói về nguyên nhân thừa thiếu giáo viên, ông Nguyễn Văn Phước cho rằng: Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, việc tuyển dụng viên chức mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gặp nhiều khó khăn về nguồn tuyển dụng. Theo đó, tiêu chuẩn viên chức mầm non phải đạt trình độ cao đẳng trở lên, viên chức tiểu học và trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học trở lên. Điều này khiến nhiều ứng viên không đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng.
“Năm 2020 ở bậc mầm non, tỉnh có kế hoạch tuyển dụng 311 chỉ tiêu giáo viên nhưng chỉ tuyển được 105, chỉ đạt 34% so với kế hoạch; cấp học tiểu học có kế hoạch tuyển dụng 197 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 107 ứng viên, chỉ đạt 54% so với kế hoạch; cấp THCS có kế hoạch tuyển dụng 156 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 89 người, chỉ đạt 57% so với kế hoạch.
Năm 2021, ở bậc mầm non, tỉnh có kế hoạch tuyển dụng 249 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 43 chỉ tiêu, chỉ đạt 17% so với kế hoạch; cấp tiểu học có kế hoạch tuyển dụng 183 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 34 giáo viên, chỉ đạt 19% so với kế hoạch; cấp THCS có kế hoạch tuyển dụng 189 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 38 giáo viên, đạt 20% so với kế hoạch…”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh thông tin.
Thiếu 3 giáo viên để bố trí đủ 2 giáo viên/lớp, Trường Mầm non Rạng Đông đã ký hợp đồng với 3 giáo viên đang chờ tuyển dụng/bố trí nhiệm sở. Tình trạng trên diễn ra tại nhiều trường mầm non trong tỉnh.