Đi bứt ngó sen – Báo Tây Ninh Online

Xã hội

Đi bứt ngó sen

Chắc chắn hơn một lần trong đời, bạn đã được thưởng thức món ngó sen. Dù là món gỏi ngó sen tôm thịt hay đơn giản hơn là món ngó sen ngâm giấm chua ngọt dành cho dân nhậu, thì bản thân ngó sen đã là một cái tên thanh cảnh, một món ăn… sang. Dù bây giờ món gỏi ngó sen đã phổ thông lắm rồi, nhưng cũng ít ai biết, để lấy được cái cọng ngó trắng ngần kia, người trồng sen phải ngâm gần nửa người trong nước bùn, cúi người lần tay “vuốt” từng cọng ngó mà bứt…

Để có được những cọng ngó tươi non phải chịu khó ngâm mình xuống nước bùn.

1. Chị Màu, chủ một ruộng sen ở xã Hiệp Tân (Hoà Thành) ngó tôi lom lom: “Tướng tá vầy, nhắm lội ruộng nổi không đó?”. Tôi bật cười: “Dạ, chị lội nổi thì em lội nổi chớ chi đâu mà sợ.” Nói vậy, chứ “lội” theo chị hết gần 3 cây số đường bờ, suýt té nhào mấy trận vì những lỗ hang lổn nhổn bị cỏ che khuất, tới ruộng sen thì tôi cũng… hết thấy đường. Chị biểu: “Nghỉ mệt chút đi cô!”. Tôi lau mồ hôi trán và tự dưng… hết thấy đường, mắt hoa lên. Ba giờ chiều, nắng chang chang giữa đồng, không hoa mắt mới là chuyện lạ!

Ruộng sen của chị là một khu ruộng trũng, nằm lọt thỏm giữa những vuông lúa đang uốn câu. Nghỉ chưa ráo mồ hôi, chị đã lấy mớ dây thun đem theo cột túm hai ống quần lại rồi lội ào xuống ruộng, cắm cúi mò, chụp… tôi chỉ thấy chị lom khom trên mênh mông ruộng sen, như người ta đi cấy lúa. Đồng chiều đẹp mê mẩn. Tôi loay hoay chụp ảnh. Thoắt cái đã thấy chị bì bõm lội vô bờ, ôm vô một ôm ngó trắng ngần. Tôi dẹp máy, xăn quần, hăng hái: “Cho em xuống hái thử…” Chị lại cười ngất: “Được không đó? Té trên bờ tui còn đỡ được chứ té dưới ruộng là thôi rồi nghe cô!”. Tôi nổi tự ái: “Chị làm được, em làm được chớ!”.

2. Té ra, nói “bứt” nghe dễ ợt mà đâu có dễ. Thò chân xuống ruộng bấm ngón chân sao cho vững dưới bùn để khỏi té nhào, cũng là một kỹ thuật. Và vấn đề là bạn sẽ bứt ngó sen ở đâu trong khi cái ngó nó nằm tuốt dưới bùn, xa lớp nước mặt chừng hai ba tấc? Chị Màu giảng giải: “Cô có thấy cái lá non nó vừa trồi lên khỏi mặt nước không? Nó nhỏ như ngón tay, mới là một cuốn lá chứ chưa xòe ra, giờ thò tay nương theo cái cọng lá đó, sẽ đụng gốc sen. Ngó, nằm ở sát gốc đó…”.

Biết vậy nhưng khi đụng tay tới gốc sen, cũng chưa phải là đụng tay tới ngó. Ngón tay tôi đụng phải nguyên một nùi. Tôi bứng đại lên. Những cái mềm nhão như rác rến là gốc sen già ủ mục. Cọng cứng cứng đầy gai là thân lá đang vươn mình lên kia hay là một cọng hoa sen. Ngó sen trơn tru, chạm tới là mát rượi. Bẻ ngược một cái, cọng ngó giòn rời gốc. Nhưng tôi đang nói chuyện nhổ sen. Còn người đi bẻ ngó chỉ cần nhìn hướng lá mà sục tay xuống ngay cọng ngó và bứt như lặt rau, mới mong mà về sớm. Nhìn tôi giơ cọng ngó sen như khoe một chiến tích, chị Màu cười ngất: “Bứt như cô chừng nào mới có mà ăn…”. Lại nữa, làm sao mà bứt được những cọng ngó đều trân nhau khoảng 25cm, thì là ngó vừa ăn. Dài một chút thì già mà ngắn hơn chút lại quá non… dài hơn hay ngắn hơn đều sẽ làm mất giá ngó sen. Cái này, tôi không dám múa rìu qua mắt thợ nên bứt được năm sáu cọng ngó, tôi lật đật lội vô bờ, ngó người ngợm mình lấm lem, đen thui như ông táo chúa, tôi bật cười mình và thấy xót xa cho người đàn bà đang còng lưng dưới ruộng sen kia. Một cọng ngó sen trắng ngần trên bàn ăn sang trọng phải gánh biết bao nhiêu giọt mồ hôi đồng sớm đồng chiều của người trồng sen, lấy ngó.

Chị đưa cho tôi mấy cái gương sen: “Cô ăn hết cái này là hết mệt liền à. Món thuốc tăng lực của dân làm ruộng tụi tui đó!”. Tôi tách hột rồi tỉ mẩn ngồi bóc vỏ, lại bị chị can: “Để nguyên cái hột sen tươi, cả vỏ ăn mới nên thuốc. Hột sen non này chưa đắng đâu…”. Tôi làm theo và hình như niềm tin từ chị lây sang tôi hay sao mà tôi thấy như chưa hề biết mệt.

Trên đường về, chị đưa cho tôi mấy cọng ngó sen: “Cô nhai đi. Sẽ không bị khát nước…” và tôi nhận ra suốt mấy tiếng đồng hồ rồi, mình không hề tiếp tế cho cơ thể một giọt nước nào. Vậy mà không khát. Cọng ngó sen nõn nà, ngòn ngọt và thơm mát như tan trong miệng, làm mất cảm giác khát cháy khi người ta trần mình dưới nắng oi. Thật lạ lùng!

Ngó sen.

3. Tôi đọc trên một tờ báo nào đó khá lâu rồi, rằng cây sen là một loại cây xoá đói giảm nghèo. Cây sen dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và thành phần nào của cây sen cũng được sử dụng, từ bông, lá, ngó, củ… thậm chí người ta còn tận dụng cả mặt nước ruộng trồng sen để nuôi cá. Tính ra thu nhập bình quân từ một ha sen cao hơn làm lúa 2,3 lần. Nhưng, người đàn bà đang ngồi trước mặt tôi thì chưa hết nghèo, dù gắn bó với nghề trồng sen đã 4 năm nay.

Chỉ vì mảnh đất này quá nhỏ (chỉ gần 1 ha) mà chị phải thuê với giá 2,5 triệu/năm. Hơn nữa, ngoài ngó sen, chị không thu hoạch được gì đáng kể từ cây sen. “Nguyên khu vực Hoà Thành chỉ có vài ruộng trồng sen lấy ngó như vậy thôi” – chị Màu nói. “Đất này là đất xấu, úng ngập, không thể cấy lúa. Nhưng vì đất xấu nên loại sen trồng ở đây không có củ sen ngon. Sen phải được trồng ở một vùng đất khác, cao hơn hoặc đó là một cái đầm rộng, nước lưu thông tốt thì mới cho bông đẹp, củ ngon được”.

Nếu thời tiết tốt, mỗi tuần chị Màu thu hoạch được gần 50 kg ngó (chia làm 2 đợt hái), giá bán dao động khoảng 10.000 – 30.000 đồng/kg tuỳ buổi chợ. Trừ chi phí ra, chị kiếm được khoảng năm, bảy trăm ngàn đồng/tuần. Nhưng hiện nay thì mỗi tuần chị chỉ thu hoạch tuần một lần, khoảng trên dưới 20 kg với giá 20.000 đồng/kg. Chị nói, do thời tiết trở nóng đột ngột, nên sen không ra ngó được.

“Cực ăn lắm, cô ơi! Ngày nào cũng ngâm mình dưới bùn, làm cỏ, bắt bớt ốc bươu vàng, phát cỏ bờ… chỉ cần làm biếng vài bữa là cỏ ống mọc lút sen luôn. Còn hôm nào đi bứt ngó, hôm đó phải ngâm mình suốt 5,6 tiếng đồng hồ. Về lại còn phải ngâm ngó sen vô nước, sửa soạn lại cho nó đẹp rồi mới mang ra chợ…”.

Tôi nhấm một cọng sen còn thơm đúng mùi nguyên thủy của nó trên đồng mà chợt nghe lòng xon xót. Bởi vì, nói theo chị Màu, khi đã ra tới chợ, vào tay những người bán lẻ thì ngó sen không còn nguyên mùi sen thơm nữa. Nó được tẩy trắng thêm, rồi được ngâm thạch cao cho giòn, để bán cho có giá…

CẨM GIANG

Chia sẻ:

In bài

Gửi cho bạn bè

Facebook

Twitter