Đi Tìm Sự Thật Vê Danh Hiệu “Đấu Chiến Thắng Phật”
ĐI TÌM SỰ THẬT VÊ DANH HIỆU
“ĐẤU CHIẾN THẮNG PHẬT”
TRONG HỒNG DANH BẢO SÁM VÀ TRUYỆN TÂY DU KÝ
Nhuận Thiền
Một hôm tình cờ lang thang trên mạng, tôi bắt gặp một bài đăng trên website nguyenthuychonnhu.net trích từ cuốn sách tên NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY; bài viết trích dãn kinh số 10, Mahànàma – thuộc Tăng chi bộ (Anguttara Nikya). Điều đó sẽ rất bình thường nếu như không có đoạn phê bình về Hồng Danh Bảo Sám (mà tác giả gọi là “kinh Đại thừa”) lấy danh hiệu của một vị Phật hư cấu từ truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đưa vào một trong số 89 danh hiệu Phật (tức danh hiệu Đấu Chiến Thắng Phật vị trí số 84). Xin trích nguyên văn: “Đấu Chiến Thắng Phật tức là Tôn Hành Giả, Tôn Hành Giả còn có tên là Tề Thiên Đại Thánh. Tề Thiên Đại Thánh là một loài khỉ đột, nhà tiểu thuyết tưởng tượng ra chứ không có thật, thế mà các Tổ Sư Đại Thừa xem đó là có thật nên biên soạn kinh Sám Hối Hồng Danh ghi tên thầy trò Đường Tăng vào để bắt Tăng, Ni và nam nữ cư sĩ niệm Hồng danh các vị ấy và lạy mòn đầu gối. Thật là buồn cười cho quý Tăng, Ni và cư sĩ u mê, ngu si bị lừa đảo mà không hay biết bị lừa đảo”.
Vừa đọc xong tôi hoang mang, vì xưa nay tôi vẫn tôn kính vị này như một bậc chân tu đạo hạnh, nhưng sao lại có những phát ngôn vô căn cứ như vậy. Tôi nhớ không lầm, người tạo ra Hồng Danh Bảo Sám là pháp sư Bất Động, Ngài còn được tôn xưng là Mông Sơn Cam Lộ Pháp sư mà tăng ni ai cũng biết danh bởi Ngài cũng chính là tác giả của bài Mông sơn thí thực ở các chùa tụng đọc hằng ngày vào buổi công phu chiều. Khi còn là tiểu, tăng ni đều phải học qua Nhị khóa hiệp giải và nhớ rõ Pháp sư Bất Động sinh ở thời Bắc Tống, nước Tây Hạ (lúc bấy giờ thuộc về Tống). Thời Tống bắt đầu từ Tống Thái Tổ năm 960 và kết thúc vào năm 1279. Còn Tây du ký là truyện của Ngô Thừa Ân sau Hồng danh bảo sám đến 5 thế kỷ, hỏi làm sao có thể lấy tên Phật hư cấu của Tây du ký đem vào HDBS? Ngô Thfwa Ân tự Nhữ Trung (汝忠), hiệu Xạ Dương sơn nhân (射陽山人), là một nhà văn, nhà thơ Trung Quốc, sống trong thời nhà Minh (ông sinh khoảng năm 1500/1506 và mất năm 1581). Ngô Thừa Ân đã viết truyện Tây Du Ký nhằm biểu lộ sự bất mãn trước cảnh thối nát chốn quan trường lúc bấy giờ. Chính nhà thơ Lỗ Tấn và Lục Tiểu Linh Đồng, người đóng vai Tôn Ngộ Không đều xác nhận tác phẩm nổi tiếng đó là của Ngô Thừa Ân.
Thiết nghĩ, qua niên đại ra đời của Hồng danh bảo sám và Tây du ký đã cho chúng ta thấy câu “Nam mô Đấu Chiến Thắng Phật” là lấy từ Tây Du Ký hay ngược lại.
Thế chẳng lẽ một người đáng kính như thầy ấy lại nói sai? Và vị đó làm như vậy với mục đích gì? Điều đó khiến tôi thắc mắc và tìm đến vài quyển sách khác cùng tác giả để xem như “Đường về xứ Phật”, “Tạo duyên giáo hóa chúng sanh” v.v…Đặc biệt trong số đó có cuốn tên “Mười giới đức Thánh sa-di”. Trong đó có những đoạn miệt thị kinh Đại thừa như kinh Kim Cang (Kim Cương)…và xúc phạm những Hòa thượng đạo cao đức trọng (!). Người viết xin trích nguyên văn.
“Khi nói sai một điều gì là có nói láo. Như trong kinh Kim Cang dạy: “Bồ Tát độ hết chúng sanh thì thành Phật” có nghĩa là một người tu tập hết vọng tưởng thì thành Phật. Lời dạy trong kinh này là nói láo. Vì khi hết vọng tưởng thì tâm sẽ rơi vào trong “Không”, chứ không thành Phật. Chính Phật là chỗ tâm VÔ LẬU, tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải tâm không niệm, tâm vô phân biệt, tâm vô trụ v.v….
“Trong Tâm Kinh Bát Nhã dạy: “Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.Lời dạy như vậy là “nói láo”, vì chưa thấy ai quán chiếu ngũ uẩn giai không được. Tổ Sư Tử chết oan vì lời nói láo này. Trong các chùa ngày đêm bốn thời công phu khuya sớm đều tụng Tâm Kinh Bát Nhã mà chưa có thấy vị nào thoát khổ. “Độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là không còn khổ đau nữa, như vậy kinh này nói láo” (Trích Mười giới đức Thánh sa di)
Tôi không thấy kinh luận nào nói (hay chú giải) câu “Độ hết chúng sanh…” là “hết vọng tưởng cả”. Ngay cả các Tổ Thiền tông cũng không hề nói như vậy. Thế mà vị ấy tự giải thích rồi tự phản bác, lại gán ý đó là của kinh Đại thừa. Điều đó khiến cho người xem cảm thấy nghi ngờ trình độ hiểu biết về Đại thừa của vị này.
Ở đoạn sau càng khiến người đọc hoang mang hơn nữa…?! Tôi không dám đưa ra lời nhận xét, e rằng sẽ mạo phạm đến một bậc chân tu. Tuy nhiên, về nhận xét khách quan, quan điểm của vị này đã tạo ra hai hiệu ứng tích cực và ít nhất hai hiệu ứng tiêu cực.
Hai hiệu ứng tích cực:
Một, thầy nêu gương đời sống phẩm hạnh, gìn giữ giới luật trong hàng Tăng sĩ, làm mô phạm cho tứ chúng. Thày bày tỏ chí nguyện dựng lại Chánh pháp trong thời đại công nghệ số và chủ nghĩa vật chất đang có sức lôi cuốn người tu trẻ. Chính thiện chí đó đã tạo nên sự phấn khích cho một số người.
Hai, thầy đả phá những hình thức mê tín, một hiện tượng trở thành nỗi nhức nhối bám chặc và làm khô héo tàng cây bồ đề. Lời cảnh tỉnh của thầy sẽ gióng lên hồi chuông thức tĩnh lòng người để nhìn lại tình trạng Phật giáo hiện nay nhằm làm tốt hơn cho Phật giáo ngày mai nếu…Nếu thầy đừng cố ý mượn hình ảnh ấy để bôi xấu Đại thừa. Và điều đó sẽ tốt đẹp biết bao, tự hào biết bao khi trong hàng ngũ Phật giáo có thêm những con người gương mẫu đạo hạnh như thầy! Nhưng…
Hai hiệu ứng tiêu cực:
Một, khiến cho tăng ni, cư sĩ và những người chưa hiểu về Đại thừa quay lưng chống phá, huỷ báng tư tưởng Đại thừa, tạo nên sự suy yếu không thể tránh khỏi trong thực thể Phật giáo. Ai cũng hiểu rằng, Phật giáo du nhập vào VN trên 2.000 năm, đã góp phần tạo nên thế đứng của Tổ quốc. Những nhà sư lỗi lạc như Đỗ Thuận, Khuôn Việt, Vạn Hạnh, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… đã làm rạng danh những trang sử vàng của dân tộc. Họ là những Quốc sư, Thiền sư xuất thân học đạo từ những ngôi chùa thuộc Đại thừa đấy. Phật giáo VN xuyên suốt hàng ngàn năm tồn tại và phát triển cũng dựa trên nền tảng của Phật giáo Đại thừa. Phá bỏ Đại thừa là phá bỏ cả một nền móng của PGVN. Liệu như vậy, phần còn lại của Phật giáo sẽ đi về đâu?
Hai, tạo cơ hội cho những thế lực, tổ chức muốn tiêu diệt Phật giáo sẽ khai thác triệt để vào điểm yếu này để kích động cho hai bên chống phá nhau và họ chỉ ngồi đó mà hưởng “Ngư ông đắc lợi”. Chúng ta cứ vào các trang Facebook, YouTube hiện nay sẽ thấy rõ điều đó.
Thiết nghĩ, Đại thừa hay Nguyên thủy đều không có lỗi, lỗi do người không hiểu dẫn đến thực hành không đúng mà thôi. Những nước theo PG Nguyên thủy vẫn tồn tại những hình thức mê tín từ trong các nhà chùa, thế ta có nên gán ghép cho là do Phật giáo Nguyên thủy tạo ra không?
Xin mượn lời của Đức Đạt lai Lạt ma 14 để kết thúc bài này: “Mục đích lớn lao trong cuộc đời này chính là giúp đở người khác…Và nếu không thể giúp người, ít ra cũng đừng hại họ”. Chúng ta đừng nên vô tình hay cố ý buông những lời nói tổn hại để rồi để lại hậu quả cho cả một thế hệ hôm nay và mai sau phải gánh chịu.
Sài gòn, ngày 30 tháng 4 năm 2021
NT