Di Linh: Thử nghiệm nuôi ốc bươu đen

Di Linh có hơn 6.000 ao hồ nhỏ, người dân thường múc ao để trữ nước phục vụ tưới cho cây trồng trong mùa khô. Nhằm tận dụng các ao hồ có sẵn tại các nông hộ, đồng thời giới thiệu thêm vật nuôi mới có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế trong chuyển đổi giống vật nuôi trên địa bàn huyện. Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh thực hiện 15 mô hình trình diễn nuôi ốc bươu đen thương phẩm tại 06 xã Hòa Ninh, Liên Đầm, Gung Ré, Tân Lâm, Tân Nghĩa, Tam Bố và thị trấn Di Linh với qui mô 10.000 con/1 mô hình; thông qua các mô hình để đánh giá tính thích nghi của giống ốc bươu đen hay còn gọi là ốc nhồi đối với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương.

Khác với ốc bươu vàng là loài ngoại lai phá hoại mùa màng, ốc bươu đen (ốc nhồi) là loài có giá trị cao về mặt kinh tế cũng như dinh dưỡng, thường sinh sống ở các vùng ao hồ nước ngọt, đồng ruộng. Tuy nhiên, do tình trạng ruộng đồng bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu cũng như sự xâm lấn của ốc bươu vàng, các loài thiên địch, ốc bươu đen ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm nên hiện nay ốc bươu đen thường được nuôi trong ao hồ hay bể lót bạt. Nguồn thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là các loại thực vật như bèo, rau, củ, quả, những loại cây cỏ có xung quanh vườn như cây khoai môn, lá khoai mì hay những loại trái cây bị hư, nhất là trái mít bị xơ đen… đều có thể làm thức ăn cho ốc. Do tận dụng thức ăn sẵn có trong vườn nhà, là nguồn sẵn có tại địa phương và hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chi phí đầu tư để nuôi ốc rất thấp. Ngoài ra, thịt ốc bươu đen được dùng làm nguyên liệu cho nhiều món đặc sản đậm chất đồng quê, tạo nhiều món ăn ngon hấp dẫn, các món chế biến ốc dễ thực hiện, là món ăn chơi hay phục vụ bữa cơm gia đình đều được, nên đầu ra của ốc bươu đen tương đối ổn định, giá bán ốc bươu đen thương phẩm khá cao.

Trung tâm Nông nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn trực tiếp cho các nông hộ tham gia mô hình về phương pháp nuôi ốc bươu đen sinh sản, nuôi ốc bươu đen thương phẩm, cách thả ốc giống, kỹ thuật thu hoạch và ấp trứng ốc, cách khai thác nguồn nước, cách xử lý ao tạo môi trường sạch để phòng bệnh cho ốc, kỹ thuật nuôi ốc trong ao hay bể lót bạt… Môi trường ao nuôi là yếu tố quyết định đến tỷ lệ sống của ốc nên trước khi nuôi ốc cần phải vệ sinh ao sạch sẽ, khử vôi, phơi nắng đáy ao rồi mới đưa ốc giống về nuôi. Lúc giao giống cho hộ chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm còn trực tiếp xuống từng hộ hướng dẫn cách thả ốc giống trong ao đúng kỹ thuật, hạn chế đổ thẳng ốc giống xuống ao. Vì làm như thế ốc rất dễ bị chết dẫn đến hao hụt con giống. Cách thả giống đúng kỹ thuật là múc một ít nước dưới ao chuẩn bị nuôi đổ vào thùng chứa ốc giống, sau đó nhẹ nhàng để ốc giống lên những miếng xốp hay lá chuối được thả trên bề mặt nước ao, sau một thời gian ốc con sẽ từ từ bò xuống ao mà sinh sống. Ngoài ra, quy trình nuôi ốc định kỳ 1 tháng phải xử lý ao nuôi 2 lần bẳng các chế phẩm sinh học, men vi sinh và vôi nhằm tạo môi trường có độ pH ổn định và bổ sung canxi cho ốc tạo vỏ, nhanh lớn.

Qua 03 tháng theo dõi mô hình kể từ khi thả con ốc giống xuống nuôi tại các hộ thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật nhận thấy nuôi ốc bươu đen trong ao hồ dễ chăm sóc hơn so với nuôi trong bể lót bạt. Mặt khác, nếu nuôi ốc ở ao nước chảy tức có rãnh cho nước ra vào thường xuyên nhằm tạo môi trường nước sạch cho ốc sinh sống và phát triển như ngoài tự nhiên, đồng thời trong ao phải thả lục bình, bèo… và kết hợp với bóng cây hay che lưới đen phía trên mặt ao, từ đó tạo ra độ mát cho ốc trú ẩn và nguồn thức ăn bổ sung thì ốc phát triển nhanh hơn. Nuôi ốc bươu đen tuy khá nhàn và hiệu quả cao, nhưng cũng cần lưu ý nhiều vấn đề như là thiên địch của ốc, thức ăn cho ốc, đảm bảo nhiệt độ nguồn nước, môi trường ao nuôi ổn định, độ pH của nước trong ao nuôi phù hợp. Ốc bươu đen có rất nhiều thiên địch, từ chim, bìm bịp, gà, vịt, ngan, ngỗng, chuột đến lươn, cá rô, cá chép… Bởi thế, việc bảo vệ môi trường ao nuôi tránh khỏi các đối tượng trên là vô cùng quan trọng giúp tăng tỷ lệ nuôi sống của ốc. Về nguồn thức ăn, tuy là loài ăn tạp song các loại mướp, bầu bí, khoai môn, thủy sinh như bông súng, rong rêu, bèo tấm đều phải đảm bảo sạch, không có hóa chất…

Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, thời gian thu hoạch mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm khoảng 4 – 5 tháng, khi đó khoảng 25 – 30 con ốc đạt 1 kg. Các hộ chăn nuôi bán ốc thương phẩm khi khối lượng ốc đạt 1 kg/30 con là kinh tế nhất. Trung tâm Nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng và phát triển của các mô hình nuôi ốc bươu đen có đánh giá cụ thể năng suất cũng như giá bán thương phẩm để tính hiệu quả kinh tế của mô hình trong thời gian tới.

Khi thu hoạch ốc, nông hộ có thể giữ lại một ít để làm giống, sau này cho ốc bươu đen sinh sản để vừa tạo con giống tại chỗ cho gia đình tái đàn, đồng thời vừa có thể cung cấp số lượng con giống cho người dân trong và ngoài huyện có nhu cầu nuôi, nhằm góp phần nhân rộng mô hình. Để thực hiện được điều này, sang năm 2023, Trung tâm Nông nghiệp nên xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen sinh sản để hỗ trợ phần nào cho người dân kinh phí và kỹ thuật nuôi ốc sinh sản, cách thu hoạch trứng ốc, kỹ thuật ấp trứng nhân tạo, cách thuần dưỡng ốc giống… Như vậy, huyện sẽ có thêm vật nuôi mới có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân và chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi tại địa phương.

Kim Yến – TTNN huyện Di Linh