Đền Trần Nam Định vẫn khai ấn nhưng không tổ chức Lễ hội khai ấn
Mới đây, Tỉnh ủy Nam Định đã có văn bản đồng ý với chủ trương không tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần (P.Lộc Vượng, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định).
Theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay, số ca nhiễm tại tỉnh Nam Định đang tăng cao, riêng trong ngày 11.2 đã có đến 1.287 ca nhiễm mới. Trong khi đó, Lễ hội khai ấn đền Trần là lễ hội lớn, thu hút hàng vạn người về dự. Chính vì vậy, UBND tỉnh Nam Định đánh giá, nếu tổ chức lễ hội sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.
Theo kế hoạch, trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng này (ngày chính diễn ra lễ hội khai ấn), đền Trần sẽ đóng cửa đền, không đón tiếp khách. Tuy nhiên UBND TP.Nam Định vẫn cho phép nhà đền tổ chức khai ấn. “Các bô lão dòng họ nhà Trần sẽ vẫn tổ chức nghi lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng trong nội tự để giữ gìn truyền thống, nhưng không mời khách”, lãnh đạo UBND TP.Nam Định cho hay.
Sau ngày 15 tháng Giêng, nhà đền sẽ tổ chức phát ấn với các biện pháp chống dịch Covid-19 phù hợp.
Trong khi đó tại Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình cũng quyết định dừng tổ chức lễ khai mạc và các hoạt động phần hội của Lễ hội đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Các nghi lễ truyền thống của lễ hội đền Trần sẽ được thực hiện ở quy mô phù hợp với biện pháp quản lý, kiểm soát, phòng dịch Covid-19.
Tại Hải Dương, Ban tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết, các nghi lễ truyền thống mùa xuân tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022 vẫn sẽ được diễn ra.
Theo Sở VH-TT-DL Hải Dương, các nghi lễ truyền thống tại Côn Sơn diễn ra từ ngày 10.2 (10 tháng Giêng âm lịch) đến 23.2 (23 tháng Giêng âm lịch).
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Tổ chức các nghi lễ mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2022, yêu cầu Sở VH-TT-DL sớm rà soát lại kế hoạch, phân công nhiệm vụ khoa học, bảo đảm các nghi lễ diễn ra trang trọng, văn minh, tiết kiệm; Sở Y tế rà soát lại kế hoạch bảo đảm vệ an toàn thực phẩm, phòng chống dịch Covid-19.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cũng được giao rà soát công tác tuyên truyền, tăng cường quản lý người kinh doanh lưu động, phải có lực lượng hướng dẫn, nhắc nhở phòng, chống dịch; trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn ở lối ra, vào; phối hợp tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.