Đêm đầy sao

“Đêm đầy sao” của Van Gogh là một trong những bức tranh khắc họa bầu trời đêm nổi tiếng nhất trong thế giới hội họa. Đằng sau kiệt tác này ẩn chứa vô số bí ẩn không ngờ…

Trong 3 ngày từ 16-18/6/1889, họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh đã sáng tạo ra một trong những tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới, bức “Đêm đầy sao” khắc họa cảnh vật nhìn từ cửa sổ một phòng bệnh trong bệnh viện tâm thần mà Van Gogh đang nằm điều trị. Bức tranh vĩnh viễn đi vào lịch sử như một trong những tác phẩm mỹ thuật khắc họa bầu trời đêm đẹp nhất.

Bầu trời đêm được vẽ vào ban ngày

Van Gogh

Quang cảnh xã Saint-Rémy-de-Provence, nơi có bệnh viện Saint-Paul de Mausole.

Trong thư gửi người bạn Emile Bernard năm 1888, Van Gogh đã bộc lộ ý định muốn vẽ một bầu trời về đêm và hỏi rằng liệu có thể vẽ được điều đó như các họa sỹ trường phái Ấn tượng hay không. Sau đó ông vẽ Đêm đầy sao trên sông Rhone (Starry Night Over the Rhône) nhưng hầu như chưa thỏa mãn nguyện ý, nên một năm sau ông vẽ Đêm đầy sao (The Starry Night). Khác với Đêm đầy sao trên sông Rhone được vẽ vào ban đêm dưới ánh đèn gas, bức tranh này được vẽ vào ban ngày qua trí nhớ. Không còn mặt nước để mô tả hỗ trợ cho sự lung linh của các vì sao, vậy nên những tinh tú trở thành chủ thể trung tâm.

 

Van Gogh mô tả các vì sao đó theo lối của các họa sỹ Ấn tượng sao cho chúng hòa sắc với nhau trên nền trời, nên vô hình trung các hào quang diễn tả “vụng về” đó đã trở thành điểm nhấn cuồng dại cho vũ điệu bầu trời. Chúng đồng thời thể hiện tâm trạng và hy vọng.

Cây Hoàng đàn được thêm vào bức họa

Van Gogh

The Starry Night được Van Gogh hoàn thành vào tháng 06 năm 1889.

Phần chính giữa của The Starry Night cho thấy ngôi làng Saint-Rémy dưới một bầu trời cuộn xoáy, dưới góc nhìn từ nhà thương điên hướng về phía bắc. Dãy Alpilles ở bên phải phù hợp với góc nhìn này, nhưng có ít mối liên hệ giữa khung cảnh thật với những ngọn đồi ở giữa, có vẻ như chúng được lấy từ một phần khác của cảnh vật xung quanh, về phía nam của nhà thương điên. Tuy nhiên, cây hoàng đàn ở bên trái đã được Van Gogh thêm vào bố cục của bức tranh. Một điều đáng chú ý là Van Gogh đã thay đổi vị trí của chòm sao Đại Hùng từ phía bắc sang phía nam, ông cũng đã làm điều này trong bức Đêm đầy sao trên sông Rhone.

Xét về mặt bố cục, chính cây hoàng đàn đã tạo nên sự cân bằng đẹp mắt giữa cái sáng rực rỡ của bầu trời và nét trầm buồn của những đường nét đơn điệu ở các mái nhà. Nó tạo nên kết cấu dọc cho một bức tranh ngang ăn nhịp với sự vút lên của nóc nhà thờ phía xa. Nhưng quan trọng hơn hết, người ta đã ví cái cây này với linh hồn của họa sỹ. Trong thế vươn mạnh mẽ u uất với màu lục sẫm, ngọn cây đã chạm đến các vì sao để đón lấy ánh sáng của hy vọng, dẫu mong manh.

Mặt trăng và 11 ngôi sao linh thánh

Van Gogh

Có hai trường phái nói về sự hiện diện của các vì sao trong bức tranh nổi tiếng này: một trường phái tin rằng Van Gogh vẽ bầu trời sao bằng trí tưởng tượng, trường phái còn lại cho rằng Van Gogh đã khắc họa chính xác vị trí của những ngôi sao mà ông nhìn thấy trên bầu trời, rằng ông không hề vẽ bằng sự dễ dãi của trí tưởng tượng.

Việc diễn tả các vì sao vào những năm cuối đời đẹp một cách rực rỡ như vậy được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho là sự dự báo. Nó phản ánh niềm tin tôn giáo trong ông, khi bệnh tật mỗi ngày thêm nặng, hủy hoại tinh thần. Nhiều nhà bình tranh thậm chí còn tin rằng Van Gogh đã vẽ vị trí các ngôi sao dựa trên một đoạn kinh thánh nằm trong cuốn kinh Cựu ước, miêu tả lại một giấc mơ của thánh Joseph. Điều mà ông từng nói đến trong nhiều bức thư với em trai mình, Theodore.

Trong sách Sáng thế ký có nói về các tinh tú: Thông qua mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, chúng ta cũng có thể xác nhận được sự tồn tại của Đức Chúa Trời Mẹ. Rồi trong giấc mơ của thánh Joseph: Này mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao đều sấp mình xuống trước mặt tôi. Đến tranh Van Gogh, mười một vì tinh tú đó như thể hiện ra. Giấc mơ về sự nâng đỡ linh hồn ông, mà Đức Chúa Trời Mẹ chính là vầng trăng vàng rực bên phía phải của tranh.

Màu sắc và bệnh án cuối đời

Van Gogh có một niềm say mê với màu vàng chói chang, trông đến nhức mắt. Bởi theo ông, đó là màu rực rỡ nhất, tươi tắn nhất tựa như màu nắng vậy, mà hoa không có ánh nắng thì giống như hội họa thiếu sự chân thực.

Ngoài ra, nhờ nghiên cứu Đêm đầy sao với những vì sao nhấp nháy đã giúp các chuyên gia y học phát hiện một điều, Van Gogh nghiện màu vàng chính là bởi ông luôn say sưa thứ rượu ngải cứu. Vào thời gian đó, người ta hay pha thêm vào loại rượu này một lượng xantonin (thường có trong thuốc tẩy giun trẻ con), nếu uống vào sẽ nhìn mọi vật nhuốm màu vàng.

Một giả thuyết khác cho rằng bác sĩ Gachet có thể đã kê đơn cho Van Gogh dùng mao địa hoàng (digitalis) để chữa chứng động kinh của ông. Việc này được suy đoán từ những bức chân dung bác sĩ Gachet của Van Gogh, bên cạnh người mẫu thường có vài cây hoa mao địa hoàng. Người dùng mao địa hoàng với liều lớn có thể dẫn tới triệu chứng quan sát thấy những điểm màu vàng có quầng xung quanh – giống như trong bức Đêm đầy sao.

Những vòng xoáy ốc mê hoặc

Xung quanh những vòng xoáy ốc bí ẩn xuất hiện trong tranh, có nhiều bình luận, lý giải khác nhau.

Các nhà khoa học cho rằng, bức tranh nổi tiếng này của Van Gogh đã diễn tả một trong những khái niệm khó giải thích nhất trên thế giới: Nguyên lý bất định của dòng chảy. Nó là một dòng chảy bất định có tính đồng dạng nếu trong đó có dòng năng lượng. Tức là dòng xoáy to sẽ tạo ra dòng xoáy tương tự, chỉ khác nhau về tỉ lệ.

Các nhà khoa học Anh, Mexico, Tây Ban Nha nghiên cứu chi tiết những chuyển động bất định của bức tranh này. Họ nhận ra những cấu trúc bất định này có 1 khuôn mẫu riêng biệt và đã số hóa bức tranh đó, so sánh sự thay đổi về độ sáng giữa mỗi hai pixel một. Kết quả cho thấy, những chuyển động xoáy trong tranh Van Gogh trong giai đoạn ông ở viện giống như nguyên lý bất định của dòng chảy. Điều rất khác so với các bức tranh tự họa của Van Gogh được vẽ trong giai đoạn trước đó.

Một số quan điểm khác lại cho rằng, những nét vẽ trong bức “Đêm đầy sao” của Van Gogh khắc họa dựa theo hình ảnh Thiên hà Xoáy ốc (Whirlpool Galaxy) của nhà vũ trụ học người Anh – bá tước William Parsons – thực hiện hồi giữa thế kỷ 19. Để quan sát bầu trời đêm, nhà quý tộc đã cho thực hiện một chiếc kính viễn vọng lớn nhất thời bấy giờ với đường kính thấu kính lên tới 1,8m. Bằng chiếc kính viễn vọng này, bá tước Parsons đã có thể quan sát Thiên hà Xoáy ốc và vẽ lại những quan sát của mình.

Tuy nhiên, những cách lý giải về các hình xoáy ốc xuất hiện trong tranh Van Gogh sẽ không bao giờ được khẳng định là chính xác hoàn toàn, và luôn là ẩn số thú vị đối với người xem.

Sinh thời, Van Gogh từng cho biết ông không hài lòng với The Starry Night và chắc chắn không nghĩ rằng đó là tác phẩm tuyệt vời nhất của mình. Tuy nhiên, bức tranh tiêu biểu cho trường phái ấn tượng này lại trở thành tác phẩm đắt giá nhất của danh họa.