Đề xuất trình Chính phủ giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung nhiều quy định để nhiều người lao động có lương hưu hơn và giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội – Ảnh: HÀ QUÂN
Dự thảo tờ trình Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng mới nhất (tháng 3-2023) gồm 9 chương, 133 điều và kế thừa kết cấu của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Tại sao giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu?
Theo đó, dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm so với hiện hành.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định việc này nhằm tạo cơ hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu.
Từ năm 2021, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 61 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 56 tuổi 8 tháng đối với nữ.
Sau đó, mỗi năm độ tuổi được hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập các trường hợp nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi hoặc 10 tuổi được hưởng lương hưu khi đã làm việc được 15 năm như nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất người đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí thì được hưởng trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Thời gian nhận cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tuy nhiên, số tiền hưởng phụ thuộc thời gian đóng, tiền lương, thu nhập của tháng đóng bảo hiểm xã hội. Khi nhận trợ cấp hằng tháng, người đóng bảo hiểm vẫn được hưởng bảo hiểm y tế do Nhà nước chi trả.
Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi còn có nhiều quy định liên quan đến rút bảo hiểm xã hội một lần, quy định về các chế độ như ốm đau hoặc thai sản – Ảnh: HÀ QUÂN
Giảm năm đóng bảo hiểm, lương hưu sẽ thấp
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Quảng – phó trưởng ban chính sách pháp luật Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ khuyến khích người dân đóng bảo hiểm tự nguyện, giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy vậy, vị này cảnh báo giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm đồng nghĩa có thể dẫn tới lương hưu thấp bởi nguyên tắc xuyên suốt là đóng – hưởng, tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại.
Ông đặc biệt lưu ý những người lao động có tiền đóng bảo hiểm hằng tháng thấp, thời gian đóng ngắn thì mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu.
“Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ khuyến khích nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm ở các mức thu nhập, nhu cầu lợi ích, độ tuổi, tính chất việc làm khác nhau”, ông Quảng nêu rõ đồng thời đề xuất bổ sung chế độ hưu trí, tử tuất vào quyền lợi của bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Còn bà Lý Hoàng Minh – phó trưởng phòng hưu trí Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam – cho biết hiện thời gian người lao động muốn hưởng lương hưu phải tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu đủ 20 năm.
Do đó, nhiều người hết tuổi lao động, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn sẽ không tích lũy đủ số năm đóng để nhận lương hưu.
“Việc giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu khi về già”, bà Minh nói.
Dự kiến, dự án Luật bảo hiểm xã hội sẽ trình Chính phủ vào tháng 6-2023 và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10-2023.
Ngăn nạn ‘chiếm đoạt’ tiền bảo hiểm xã hội