Đề xuất rút 5 năm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa hoàn thành tờ trình (của Chính phủ) về dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Tờ trình nêu một số nội dung sửa đổi nổi bật trong dự thảo luật là bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng; xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt…

Theo dự thảo, điều kiện hưởng chế độ hưu trí được chỉnh theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

Luận giải cho đề xuất này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, hạ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như vậy nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn vẫn được hưởng lương hưu.

Cụ thể, người lao động khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 61 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 56 tuổi 8 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm, độ tuổi được hưởng lương lưu tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi cũng nêu trường hợp người lao động có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi, 10 tuổi so với quy định và có đủ 15 năm làm công việc theo quy định, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ được giao cũng đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.

Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật sửa đổi bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần. Một trong những quy định khuyến khích là giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu. Ngoài ra, người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm lựa chọn…

Liên quan đến các trường hợp được hưởng bảo hiểm xã hội một lần, ban soạn thảo dự luật nêu hai phương án để xin ý kiến.

Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Phương án thứ hai là: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương, 133 Điều, trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 28-NQ/TW; thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến hoàn thiện chính sách, pháp luật về an sinh xã hội của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Thanh Xuân